Hội ngộ tháng năm

Quan khách tham dự ngày khai mạc triển lãm tại Bảo Tàng Mỹ Thuật thành phốTháng 5-2008 (nhằm  tháng 4-Mậu Tý) là  tháng diễn ra nhiều sự  kiện trọng đại nhất của Phật giáo nước nhà. Trong thời gian này, các hoạt động văn hóa – nghệ thuật được diễn ra hầu hết trên khắp cả nước, là dịp để các nhà làm văn hóa, nghệ thuật hội ngộ và sẻ chia.

Cuộc Triển lãm mỹ thuật Phật giáo lần thứ nhất với chủ đề “Mỹ thuật Phật giáo xưa và nay” do Ban Văn hóa THPG TP.HCM phối hợp cùng Hội Mỹ thuật và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tổ chức, đã diễn ra từ ngày 18 đến 25-5-2008 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM là một trong những cuộc “Hội ngộ” để cùng nhau chào mừng Đại lễ Phật đản LHQ 2008 tại Việt Nam.
Triển lãm đã quy tụ gần 60 tác giả là các họa sĩ, điêu khắc gia, các nhà sưu tập cổ vật trên cả nước với hơn 90 tác phẩm hội họa, và 80 hiện vật thuộc bộ sưu tập về mỹ thuật dân gian truyền thống, bao gồm nhiều thể loại và chất liệu: Sơn dầu, thủy mặc, điêu khắc gỗ, gốm sứ, đồng, tổng hợp. Đây là cuộc trình hiện có số lượng tác phẩm và hiện vật nhiều nhất từ trước đến nay. Khu trưng bày chia thành hai tầng. Tầng 1 trưng bày 90 tác phẩm hội họa và điêu khắc được sáng tác trong thời gian gần đây. Nội dung các tác phẩm phần lớn xoay quanh hai lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng và mỹ thuật tạo hình, thể hiện qua các đề tài: tính nhập thế của Phật giáo trong thời đại mới, hình tượng của Đức Phật, La hán, hoạt động của tín đồ Phật giáo và các hình thái trang trí trong đền chùa Việt Nam. Tầng 2 trình hiện 80 hiện vật vốn là những phiên bản tạo hình về 18 vị La hán chùa Tây Phương (Hà Nội), các bản điêu khắc bằng gỗ trang trí trong đền chùa và các bức tranh thuộc lĩnh vực mỹ thuật dân gian, thể hiện sự tín ngưỡng truyền thống dân tộc. Có thể coi đó là mỹ thuật Phật giáo cổ xưa.

Chân-Thiện-Mỹ là ba chân lý cao cả của cuộc đời, trong đó mỹ thuật với chức năng sáng tác đã đến với con người bằng cái mỹ, cái đẹp và để thẩm mỹ hóa cuộc đời. Và, từ đó cái mỹ và điều thiện luôn gắn kết trong mỗi tác phẩm mỹ thuật. Từ thuở nào, mỹ thuật Phật giáo Việt Nam là một phần không thể thiếu trong nền tảng mỹ thuật Việt Nam. Xuyên suốt quá trình lịch sử mỹ thuật Việt Nam thì mỹ thuật Phật giáo đều song hành từ hình thái nghệ thuật dân gian đến nghệ thuật bác học. Có lẽ vì vậy mà ngày nay các nghệ sĩ, cụ thể hơn là các nhà điêu khắc và họa sĩ đã dành cho mỹ thuật Phật giáo bằng sự cảm nhận tinh tế. Xem triển lãm “Mỹ thuật Phật giáo xưa và nay” chúng ta mới thấy được tâm tình sâu lắng của người nghệ sĩ với Phật giáo. Tất cả các tác phẩm thể hiện nhiều cung bậc khác nhau về bút pháp cũng như cảm hứng sáng tác. Ở tác phẩm “sẻ chia” của Trịnh Thanh Tùng, diễn tả một cử chỉ săn sóc của một nhà sư đối với nạn nhân nhiễm chất độc da cam, hay tác phẩm “Vô thường” thể hiện sự suy tư của nhà sư trước các vấn nạn của xã hội…

Còn tác phẩm “Nhập thế” của họa sĩ Uyên Huy lại thể hiện các nhà sư đang bâng khuâng trước thiên tai, bão tố, những khủng hoảng của đời sống con người với muôn vàn khổ đau và bất hạnh. Nếu “Ngón tay chỉ trăng” và “Thiền quán” của họa sĩ Thích Nhuận Thường mạnh về hòa sắc, làm nổi bật những mảnghình, thể hiện rõ ý tưởng sâu sắc về triết lý Phật giáo… thì tranh của họa sĩ Thích Quảng Nhơn kết hợp những tông màu nhẹ nhàng, sâu lắng nên bút pháp của họa sĩ mạnh về ngôn ngữ trừu tượng. Hay hình ảnh nhà sư trong tác phẩm “Ngọn nến” của họa sĩ Đỗ Minh Kim được thể hiện như rón rén bước vào cái không gian cô tịch. Ở đó hiện hữu một ánh sáng trầm buồn, hiu hắt, phảng phất khắp hình hài của nhà sư, siêu thoát giữa kiếp trần ai đầy dục vọng. Nó bộc lộ tâm tư và lòng thành kính hướng về cái thiện của anh. “Tôi không phải là một Phật tử quy y vào cửa Phật nhưng hình dáng cao quý của những vị sư đã in sâu vào trong ký ức của tôi khi còn bé, tôi vẽ với lòng thành kính và cảm phục trước những con người đã ra khỏi căn nhà thế tục, nhưng vì cứu đời mà vẫn sẵn sàng dấn thân vào chốn trần ai…” họa sĩ Đỗ Minh Kim chia sẻ.

Có thể nói, triển lãm “Mỹ thuật Phật giáo xưa và nay” là cuộc hội ngộ lớn giữa các nhà làm công tác văn hóa, giữa các họa sĩ, điêu khắc gia với các nhà sưu tập. Nói cách khắc hơn, giữa con người với Phật giáo. Sự “hội ngộ” ấy luôn có sự nối kết giữa quá khứ và hiện tại, đồng thời định hướng “hội ngộ” cho tương lai. “Chúng tôi rất lấy làm vinh dự khi ngày nay, mỹ thuật Phật giáo được các nghệ sĩ đón nhận một cách tâm đắc và cuồng nhiệt đến thế. Tôi hy vọng rằng, trong tương lai sẽ có nhiều cuộc triển lãm diễn ra như thế này, nhiều cuộc sáng tác mỹ thuật Phật giáo sẽ được mở rộng và đón nhận sự đóng góp của các họa sĩ, điêu khắc gia trên cả nước trong phong trào gìn giữ và phát huy vai trò mỹ thuật Phật giáo trong dân tộc Việt Nam và toàn thế giới”. Đó là lời phát biểu đầy cảm kích của HT.Thích Giác Toàn trong ngày lễ khai mạc triển lãm “Mỹ thuật Phật giáo xưa và nay”.

Hội ngộ tháng năm
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH