Nữ họa sĩ Virginia Peck: Đức Phật cội nguồn của sự an lạc

Nữ hoạ sĩ 56 tuổi này không muốn tự xưng mình là một Phật tử, dù vậy bà vẫn đều đặn hành thiền và thực tập yoga tại nhà, trong căn phòng nhỏ có tôn trí một tượng Phật và cặp đèn cầy. Bà đã bán nhiều bức tranh sơn dầu của mình từ một thập kỉ nay. Cách đây 4 năm, Virginia Peck quyết định chỉ tập trung vào vẽ những bức tranh về đề tài Đức Phật.

                               Nữ hoạ sĩ Virginia Peck
Thường thì những họa sĩ không đi ngay vào gian phòng trưng bày tranh của họ và lập tức sà xuống nền, ngồi lắng tâm trước những bức họa. Tuy nhiên, trong khi đó, vẫn có một vài gallery mà người chủ của chúng lại muốn quảng bá gian triển lãm như là một “thiền phòng”, điển hình như phòng trưng bày nghệ thuật Anthony Curtis, trông giống như một “Phật thất”, cạnh nhà ga phía Nam thành phố Boston.

[Virginia Peck đứng trước một trong bảy bức hoạ của bà trong “Phật thất” của phòng trưng bày Anthony Curtis ở Boston. Tất cả những bức họa đều có chung đặc điểm là vẽ về khuôn mặt thiền định của Đức Phật].

Bảy bức hoạ do nữ hoạ sĩ xứ Lowell, Virginia Peck, đều có một đặc điểm chung, thể hiện những trạng thái thiền định trên gương mặt Đức Phật, được thiết trí trên những bức tường của gian triển lãm. Trong khi đó, các cổ vật khác đến từ những ngôi chùa Á châu cũng gây hứng thú và xúc động mạnh mẽ cho một du khách ngoại quốc, biểu thị những mô tả về đấng sáng lập Phật giáo.

Một bức tượng Phật làm bằng gỗ thanh mảnh theo phong cách Lào, với chiếc mũ có hình chóp nhọn, khác xa với hình ảnh chiếc mũ cuộn tròn của các truyền thống phi Phật giáo. Hai cánh tay ngài duỗi ra như thể bảo rằng: “hãy ngừng lại”. Tư thế ấy là lối chào nhau theo phong cách truyền thống của Lào, và cũng là một biểu hiện của sự an lạc, thúc giục mọi người hãy ngừng lại việc đấu tranh – ông Shu, đồng chủ nhân của phòng trưng bày Anthony Curtis cho biết. Một bức tượng nhỏ khác, đến từ đất nước Myanmar, mô tả hình ảnh Đức Phật trong tư thế “xúc địa”, cánh tay duỗi xuống đất, một tư thế điển hình của điêu khắc về Đức Phật tại đất nước này – ông Shu nói.

Thời gian triển lãm những bức tranh Phật này diễn ra từ trước lễ Giáng sinh và kéo dài cho đến hết ngày 2 tháng 2, khác xa với sự trình diễn thành công của Peck cũng tại phòng trưng bày này vào mùa Xuân năm ngoái. Nữ hoạ sĩ 56 tuổi này không muốn tự xưng mình là một Phật tử – “tôi thực sự không nổi bật với thể loại này” – dù vậy bà vẫn đều đặn hành thiền và thực tập yoga tại nhà, trong căn phòng nhỏ có tôn trí một tượng Phật và cặp đèn cầy. Bà đã bán nhiều bức tranh sơn dầu của mình từ một thập kỷ nay. Cách đây 4 năm, bà quyết định chỉ tập trung vào vẽ những bức tranh về đề tài Đức Phật.

“Tôi là một người rất tâm linh, và Phật giáo đã cho tôi hay đây là một tôn giáo khác hẳn so với các tôn giáo khác”, bà nói. “Một hôm, khi tôi đang ngồi thiền thì ngọn đèn bỗng nhiên phụt tắt. Tôi nghĩ, tôi đã luôn yêu những bức tranh vẽ gương mặt và phần đầu của con người. Tôi có thể vẽ gương mặt của Đức Phật. Ý nghĩ đó như một luồng điện xẹt ngang qua người tôi, như thể nó đang kêu gọi tôi. Hẳn đó là điều mà tôi đã có ý thực hiện… Tôi luôn luôn đấu tranh tìm kiếm mục đích và ý nghĩa của cuộc đời mình. Nhưng chỉ với sự đấu tranh đó thôi, nó không đủ để khiến tôi tiếp tục tiến hành công việc”.

Peck đã vẽ những tác phẩm của mình gợi hứng từ những công trình nghệ thuật điêu khắc và những bức tranh mô tả về Đức Phật; mặc dù bạn có thể cảm nhận rằng, khi nhìn vào những bức chân dung ấy, có một nét gì đó hao hao giống với gương mặt của một phụ nữ, vì Peck đã sử dụng người mẫu để phác thảo nên tác phẩm của mình.

“Điều mà nhiều người nói với tôi về tác phẩm của tôi là: tôi thực sự đang đặt trọn tâm linh và cuộc sống của mình vào gương mặt đó”, bà tâm sự. “Mặc dù Đức Phật đã nhập diệt từ rất lâu rồi, song tinh thần của Ngài vẫn còn sống động, vẫn xuyên suốt thời gian, và có thể nói cho chúng ta biết về Ngài”.

Đến với cuộc triển lãm, người thưởng ngoạn như cảm thấy được sự bình yên, điềm lặng đang toát ra từ những gương mặt này. “Điều mà tôi đang thực sự cố gắng để vươn đến chính là tình yêu, sự an lạc, lòng từ bi và trạng thái tĩnh lặng; đó là những điều mà Đức Phật đã đạt được”, Peck nói. “Một vấn đề khác nữa mà tôi muốn bày tỏ là vạn pháp thì luôn biến động không ngừng: các nguyên tử (trong cơ thể chúng ta) luôn luôn dấy động, và đời sống hàng ngày của chúng ta, do đó, cứ luôn hỗn loạn”.

Một phần tâm sự ấy cũng chính là từ kinh nghiệm của chính bản thân Peck; mẹ của nữ họa sĩ này đang mang một chứng bệnh tâm thần.

“Tuy nhiên, những hình ảnh đó cũng nói rằng, chính trong sự hỗn loạn ấy cũng đang tiềm tàng sự an bình và tĩnh lặng”, bà cho biết. Và Peck đã chuyển tải sự an bình trong biến động ấy bằng những vết rạch nhỏ và những bệt màu trên những gương mặt Phật.

“Tranh của Peck thật sự hoàn hảo với những kỹ thuật hiện đại”, Shu nhận xét. “Chúng chỉ gồm những mảng sơn và màu, song hình ảnh lại nổi bật lên rõ nét. Nếu bạn bước lại thật gần bức tranh, hình ảnh sẽ tự nhiên biến mất, bạn chỉ còn thấy đơn thuần chỉ là những mảng sắc màu”.
Vì vậy, trọn cả gương mặt Phật đã khiến cho người ta phải chú ý.

Tiếp cận tân thời của Peck đã lôi cuốn Shu, một người sinh trưởng ở Trung Quốc và nổi bật với những hoạt động văn hóa Phật giáo. Shu cho biết, ông và người đồng quản lý phòng trưng bày, Curtis Rudbart, triển lãm những tác phẩm này chịu hoàn toàn trách nhiệm về chúng. Những bức tranh của Peck được bán với giá từ 2.000 USD, còn những đồ vật giá từ 1.000 USD.

Thật ngẫu nhiên khi cuộc triển lãm diễn ra từ suốt kỳ lễ Noel năm rồi cho đến cuối mùa Xuân năm nay. “Mùa lễ thật cuồng nhiệt”, Shu nói. “Nói theo một cách nào đó, nó khiến cho người ta điên lên. Vì thế, theo tôi, dịp triển lãm này có thể tạo ra một cơ hội tốt cho những ai muốn tìm đến một nơi để tránh những náo động, đến để bình yên”.   (Theo Rich Barlow, The Boston Globe, January 19, 2008)

THIỆN HƯNG

Nữ họa sĩ Virginia Peck: Đức Phật cội nguồn của sự an lạc
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH