Tác phẩm của Họa sĩ -Ikeda-KosonTừ lâu, tranh Nhật Bản vẫn được công nhận là có khả năng gợi vẻ đẹp thiên nhiên rất tinh tế, hoặc những bức tranh đạo thì cách thể hiện rất dễ cảm xúc lòng người. Khách sành điệu tại các phòng tranh thấy ngay những nét đặc trưng ấy và rất hâm mộ. Hoàn cảnh sáng tác tranh lại thường khó tìm được. Trong khi đó, nếu biết chúng, ta có thể phân biệt được sắc thái của những bức tranh chưa rõ xuất xứ.
Tranh Nhật xuất hiện đầu tiên dưới sự bảo trợ của các tông phái Phật giáo và giới quý tộc triều đình. Sau đó, các vị tướng quân lãnh đạo và giới thương nhân là những nhà bảo trợ rất ham chuộng tranh. Họa sĩ đa số là chuyên nghiệp, dù Phật giáo có khuyến khích vẽ tranh làm phương tiện định tâm. Đặc biệt thời kỳ Edo (1615-1868), một số dân trí thức Nhật Bản bắt chước giới Nho gia Trung Hoa vẽ tranh, xem đó là một trong những sinh hoạt không thể thiếu của tầng lớp thượng lưu văn hóa cao.
Phật giáo là yếu tố xúc tác sớm nhất, quan trọng nhất đối với sự phát triển ngành họa Nhật Bản. Bắt đầu từ thế kỷ VII, và nhiều thế kỷ sau, khi thăng khi trầm, một số lớn kiểu tranh Phật giáo đã thịnh hành ở lục địa Á châu được người Nhật hấp thu và đồng hóa. Phật giáo khi du nhập vào đất Nhật phân chia thành nhiều tông phái. Mỗi tông phái đề cao một số khía cạnh nào đó trong hệ thống giáo lý tổng quát. Cho nên sự khác biệt về quan điểm và pháp môn tu tập khiến nội dung và chức năng của tranh cũng khác. Dù thuộc trường phái nào, với chỉ một bức tranh hay cả bộ tranh, họa sĩ cũng cố gắng tạo một cảnh trí, hoặc gây những khoảnh khắc tác động mạnh mẽ vào tâm người xem, khiến lòng tin họ được vững mạnh, hoặc tăng trưởng thêm niềm tin sẵn có, và chuyển hóa cuộc sống thường ngày thành an lạc, giải thoát.
Vào thế kỷ XIII, trong cuộc biến động xã hội rộng lớn lật đổ quyền cai trị của vương triều Nhật Bản, các phong trào Phật giáo mới của giới bình dân không chấp nhận lối tu Phật theo kiểu huyền bí và độc quyền đẳng cấp dưới sự bảo hộ của vương triều. Họ chủ trương theo những đường lối trực tiếp, thẳng tắt và quân bình hơn để tiến đến giác ngộ giải thoát. Tông phái lớn nhất của họ, tông Tịnh Độ, lấy tên theo một cõi Phật huy hoàng, an lạc, là cõi tái sanh của những kẻ chỉ cần nhất tâm tu theo niềm tin đơn giản nhưng chắc thật nhất.
Phật tử Tịnh độ hâm mộ những bức tranh vẽ các vị Bồ tát hiền hòa, đầy lòng từ và dễ thân cận, thường hóa hiện vào đời, cứu nhân độ thế. Thể loại tranh “raigozu” thường vẽ Đức Phật Di Đà, vị Phật giáo chủ của tông đồ phái Tịnh Độ, và chư Bồ tát hiện xuống trần rước thần thức người mới chết. Loại tranh này treo ở nơi người hấp hối dễ thấy, cho tâm được an ổn.
Vương triều Nhật Bản cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định nội dung và chức năng của ngành hội họa, vì phần nhiều các thi hào cổ đại xuất thân từ hoàng tộc. Thơ họ cho thấy các vấn đề của nhân loại và của tâm mỗi người phản ánh nơi thiên nhiên. Giáo lý nhà Phật nói về tính vô thường, tạm bợ của vạn pháp làm đậm nét thêm những bài học từ thiên nhiên của các thi hào ấy. Do đó, chủ đề chính yếu của ngành hội họa Nhật Bản vẫn là các dáng vẻ của thiên nhiên trời đất qua bốn mùa. Tranh thuật sự, kể chuyện, nói lên phong cách vương giả, những tập tục lối sống của vua quan triều đình, cũng là nguồn đề tài phong phú khác. Thời kỳ Edo, những thay đổi xã hội nâng cao quyền hạn của giới thương nhân cho phép họ hấp thu khiếu thẩm mỹ và tập tục của giới quý tộc. Cho nên một thương nhân buôn rượu sa kê giàu có đã đặt họa sĩ Ikeda Koson (1806-1866) vẽ bộ tranh đẹp miêu tả những nghi lễ của hoàng tộc.
Tranh Nhật Bản tại các phòng trưng bày phần lớn được họa vừa có mục đích giáo dục, vừa để thưởng lãm. Tuy nhiên, hai mục đích này thường không hẳn có ranh giới rõ rệt. Tranh tại các phòng trưng bày được xếp loại theo chủ đề, có thể là cùng giai đoạn lịch sử, hoặc cùng đề tài, hay đánh dấu một thời điểm nào đó trong quá trình phát triển nét họa riêng của mỗi họa sĩ. Truy tìm bối cảnh sáng tác và lưu hành của tất cả các bức tranh trong một nhà bảo tàng là công việc rất nản lòng, nếu không muốn nói là không thể thực hiện nổi. Tuy nhiên, mỗi khi người ta có thể tạo lập lại gốc tích, ý nghĩa của một bức tranh, ta càng có cơ hội thấy rõ được những giao xen phức tạp giữa các vai trò xã hội và mỹ học của bức tranh ấy.
JAMES T. ULAK – VIÊN THỂ dịch