Đúng hẹn lại lên, hàng năm cứ mỗi độ tháng 4 – mùa Phật đản, các hoạt động văn hóa nghệ thuật Phật giáo diễn ra khá nhộn nhịp. Một trong những nét nổi bật nhất của Tuần lễ Phật đản là hoạt động triển lãm nghệ thuật Phật giáo và biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc truyền thống tại TP.HCM cũng như một số các tỉnh, thành.
Khởi động cho những hoạt động văn hóa hướng về ngày Phật đản đầu tiên là cuộc Triển lãm Mỹ thuật Phật giáo (MTPG) lần II do Ban Văn hóa THPG TP.HCM phối hợp cùng Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức tại Nhà Truyền thống-Văn hóa Phật giáo TP.HCM, từ ngày 2-5 đến 10-5. Triển lãm quy tụ 54 tác giả là họa sĩ, điêu khắc gia, các nhà sưu tập cổ vật Phật giáo: Trần Châu, Lê Triều Điển, Hồ Hoàng Đài, Uyên Huy, Thích Nhuận Thường, Quảng Nhơn, Lê Kiệt, Nguyễn Văn Hải… với hơn 70 tác phẩm mỹ thuật được thể hiện trên nhiều chất liệu và thể loại: sơn dầu, thủy mặc, tổng hợp, điêu khắc và tượng cổ Phật giáo. Đến dự lễ khai mạc có HT.Thích Thiện Tánh, Phó ban Thường trực BTS THPG, HT.Thích Nhật Quang, HT.Thích Tịnh Hạnh, HT.Thích Như Tín cùng hơn 100 khách mời và tác giả tham dự. Theo TT.Thích Thiện Bảo, Trưởng ban Văn hóa THPG, Trưởng ban Tổ chức, cho biết: Triển lãm MTPG là một hoạt động văn hóa-nghệ thuật có quy mô lớn do Ban Văn hóa THPG TP.HCM phối hợp cùng Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức hàng năm tại TP.HCM, nhân mùa Phật đản (từ mùng 8 – 15-4 ÂL) nhằm giới thiệu văn hóa Phật giáo đến đồng bào Phật tử trên cả nước, đồng thời phát huy tinh thần sáng tác MTPG và bảo tồn các giá trị di sản MTPG Việt Nam. Ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM phát biểu
Hưởng ứng lời phát động của Ban Tổ chức, với tình cảm và tấm lòng dành cho Phật giáo, tất cả các họa sĩ tham gia triển lãm đã dốc hết khả năng, sự sáng tác của mình để dâng tặng cho đời các tác phẩm mang tinh thần Phật giáo giàu tính nghệ thuật, qua đó cho thấy tiềm lực của mỹ thuật Phật giáo rất dồi dào và phong phú. Ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM nhận xét: “Mỹ thuật đưa con người đến cái đẹp để nâng cao giá trị tâm hồn. Cái đẹp và điều thiện luôn gắn bó nhau. Cuộc triển lãm này nói lên tinh thần MTPG luôn là một bộ phận của mỹ thuật Việt Nam, một dân tộc luôn tôn trọng đạo đức và hướng thiện, đồng thời thể hiện đời sống tâm linh và nhu cầu hành thiện của người nghệ sĩ…”. Tại phòng trưng bày triển lãm, chúng ta có thể bắt gặp những bức tranh chuyển tải tràn đầy lý tưởng từ bi của Phật giáo như: “Lòng thương vô biên” của tác giả Lê Minh Hiệp, diễn tả hình ảnh nhập thế của các nhà sư đang cứu trợ cho đồng bào nghèo, hay tác phẩm “Phóng sanh” của tác giả Thích Nhuận Thường. Lòng thành trong cầu nguyện qua tác phẩm “Thiền tự” của Trần Ngọc Tình… Điều này chứng minh rằng, từ ngàn xưa cho đến nay, Phật giáo luôn gắn liền với tâm hồn, đạo đức người Việt. Ngoài ra, chương trình ca múa nhạc truyền thống do THPG TP.HCM tổ chức diễn ra vào tối 3-5 tại Nhà Truyền thống-Văn hóa Phật giáo TP.HCM với vở cải lương A Xà Thế. Chương trình do Đoàn Nghệ thuật cải lương Thanh Nga thực hiện.
“Tiếp sức” cùng lúc với triển lãm MTPG lần II là chương trình triển lãm “Văn hóa nghệ thuật dân tộc và Phật giáo” do Cung Văn hóa-Lao động TP.HCM phối hợp cùng Ban Văn nghệ chùa Lá (Gò Vấp) tổ chức, diễn ra từ ngày 3 đến ngày 8-5 tại số 55B Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1. Nội dung chương trình bao gồm triển lãm tranh, tượng, thư pháp, đá cảnh thiên nhiên và biểu diễn nghệ thuật Trà đạo, Võ đạo; kết hợp bán đấu giá các tác phẩm tiêu biểu nhằm gây quỹ từ thiện ủng hộ bệnh nhân nghèo. Đặc biệt, chương trình ra mắt và giao lưu tập thơ “Thi hóa Kinh Pháp Cú” của tác giả Triều Nguyên.
Một hoạt động khác cũng khá sôi nổi và ấn tượng tại thành phố Huế, đó là chương trình Triển lãm Di sản văn hóa Phật giáo Phú Xuân – Huế được khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán – Huế. Triển lãm kéo dài từ ngày 2 đến ngày 9-5. Triển lãm trưng bày hai mảng chủ đề: Những hình ảnh lăng mộ, những bản dập văn bia cổ giai đoạn thế kỷ XVII – XIX tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam do Phân viện Văn hóa Nghệ thuật VN tại Huế thực hiện và bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu, tranh tượng cổ đề tài Phật giáo của nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đình Sơn. Cũng trong khuôn khổ chào mừng Phật đản tại Huế, các hoạt động chính sẽ diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9-5 (13 đến 15-4 ÂL) như: Cung nghinh kim thân Phật từ chùa Diệu Đế đến chùa Từ Đàm; lễ diễu hành thuyền hoa và phóng sinh đăng trên sông Hương, chương trình ca nhạc cúng dường mùa Phật đản…
Rực rỡ thêm sắc màu mùa Phật đản, đó là chương trình triển lãm nghệ thuật thư pháp, những biểu tượng văn hóa Phật giáo liên quan đến chủ đề Phật đản do Ban Đại diện PG Q.5 phối hợp Trung tâm Văn hóa Q.5 tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Q.5, từ ngày 4 đến ngày 9-5. Đặc biệt, chương trình ca múa nhạc Phật giáo hết sức hoành tráng diễn ra vào tối 4-5 (mùng 10-4 ÂL), với sự tham gia của các đoàn biểu diễn nghệ thuật truyền thống Phật giáo người Hoa và đoàn văn nghệ GĐPT Q.5.
Trước thềm Phật đản PL.2553, các hoạt động văn hóa – nghệ thuật cũng được lan tỏa khắp các ngôi chùa trong thành phố. Thiện nam, tín nữ thập phương sau khi lễ Phật sẽ được tham dự các chương trình văn nghệ, triển lãm và ẩm thực. Đây là một hoạt động văn hóa đã và đang trở thành nếp văn hóa truyền thống trong Tuần lễ Phật đản diễn ra trên toàn quốc.
Bài ảnh G.Phong – Bảo Toàn