Phảng phất minh triết PG trong “Khói trời mênh mông”

Lăng mộ đẹp – Từ Diễm xưa, Biển nhớ, Hạ trắng đến Những con mắt trần gian, Như cánh vạc bay, Đóa hoa vô thường, Biết đâu nguồn cội, Sóng… mỗi nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn đều chứa minh triết, nhân sinh quan Phật giáo về cõi thế, về đời người để gợi lên những bức tranh nhiều màu sắc.

Một trong những tác phẩm của nhà nhiếp ảnh Dương Minh Long
về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được giới thiệu tại triển lãm

Tối 18-2-2016 tại Gallery 39, Hàng Da Galleria, Hà Nội, triển lãm hội họa “Khói trời mênh mông” đã được khai mạc nhằm kỷ niệm 77 năm ngày sinh và 15 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (28-2-1939 – 1-4-2001). Tại đây, triển lãm tranh sẽ diễn ra đến hết ngày 25-3-2016. Dự kiến, đến 1-4-2016, triển lãm sẽ được tổ chức tại Xứ Đàng Trong, số 9 Nguyễn Thái Học, Hội An (Quảng Nam).

Họa sĩ Lê Thiết Cương, nhân tố chính của triển lãm chia sẻ, ngôn ngữ trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn nhiều ẩn dụ, so sánh. Ca từ trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn dễ gợi ý, gợi hình màu bố cục, dễ chuyển dịch ra hội họa. Bằng từ ngữ, người ta tưởng tượng ra không gian rất thơ của Trịnh Công Sơn, bằng giai điệu, người ta cảm động trước không gian ông tạo ra trong âm nhạc thì bằng hình và màu, họa sĩ đem đến cho chúng ta ấn tượng thị giác đối với nhạc Trịnh Công Sơn ở một không gian khác là hội họa. Chọn những câu, những đoạn rất nhỏ trong bài hát để thể hiện, mỗi bức vẽ là mỗi không gian của cảm xúc và sự tưởng tượng, mỗi bức vẽ là mỗi cuộc đi riêng tây của màu sắc nhưng ở đó, người ta vẫn thấy đủ độ mơ hồ, lãng mạn, đủ tươi mới và sang trọng cho những ca từ và nhạc Trịnh Công Sơn. Chính vì vậy mà nó dễ gợi ý, gợi hình màu bố cục, dễ chuyển dịch ra hội họa hơn… Khói trời mênh mông chắc chắn là một triển lãm hội họa đầu tiên dành riêng tặng ông”.

Họa sĩ Doãn Hoàng Lâm chọn hình ảnh “Con sông là quán trọ và Trăng – tên lãng du” trong ca khúc “Biết đâu nguồn cội” và “người về soi bóng mình” trong bài “Ru ta ngậm ngùi” để thể hiện tác phẩm của mình. Với cách thể hiện không gian nào, “nhốt trăng” hay “thả trăng”, thì với anh “mong muốn tự do và sự bị chi phối của những điều ràng buộc luôn là cuộc đấu tranh của mỗi người”, và “những trầm tích xưa cũ, những rêu phong mỏi mòn” có thể là chính “nỗi buồn và sự mong mỏi điều gì ngoài tầm với của người nghệ sĩ”.

Trong khi đó, họa sĩ Lâm Đức Mạnh với tạo hình sắc xanh ấn tượng đã vẽ ra một giấc mơ “Ướt mi” – “liêu trai, bồng bềnh mà đầy day dứt trăn trở của kiếp người”. Ngay cả ở giấc mơ thực hơn “Hoa vàng mấy độ”, hình và màu trong tranh của anh vẫn chứa đầy sự “lãng đãng, đắm đuối, mơ hồ”.

Họa sĩ Hoàng Thị Phương Liên, người được gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi còn là sinh viên thực tập tại Trường Mỹ thuật Huế, đã đặt sự tương phản nền tranh nâu vàng với những dải màu hồng, cam, đỏ để tạo hình những cô gái “Như cánh vạc bay” vừa có chất dân gian, vừa đậm chất sân khấu…

Thưởng lãm những bức tranh tại đây, tôi có ấn tượng đặc biệt với tác giả Ngô Thị Bình Nhi với hai bức tranh cùng vẽ hoa sen, chủ đề “Sen hồng” và “Đóa hoa vô thường”. Thưởng lãm “Sen hồng”, ta nhận diện được những phù du đã thoáng qua đời người. Xung quanh hoa sen thấp thoáng những kiếp người, ở đó có dấu chân lầm than, những giông bão dập vùi. Thế nhưng, hoa vẫn nở rộ một sức mạnh của sự sống, những cánh hồng mong manh, những nhụy vàng thảng thốt. Bức “Đóa hoa vô thường” cũng vẽ sen, nhưng hình ảnh dữ dội hơn và sử dụng nhiều hơn bút pháp siêu thực. Những cánh sen đang rời ra, vật vã giữa bầy côn trùng dày đặc dường như đang gặm nát thân xác của hoa. Hình thể của hoa không còn vẻ đẹp lung linh huyền ảo, nhưng tâm sen thì mãi tỏa hương rạng ngời bất diệt.

Chị Bình Nhi chia sẻ, thấm thấu nhạc phẩm “Ðóa hoa vô thường” của Trịnh Công Sơn, chị đã ngộ ra được nhiều điều. “Ðóa hoa” chỉ một đối tượng cụ thể, một thực thể – còn “vô thường” lại là một khái niệm trong tư tưởng Phật giáo, chỉ một trong ba thuộc tính – dấu ấn của Tồn tại (Vô thường – Khổ – Vô ngã). Thế giới là một trường biến hóa không ngừng, tất cả những gì mà giác quan của chúng ta cảm nhận là bất biến và vĩnh hằng thật ra chỉ là những danh sắc trôi chảy, những trạng thái biến hiện. “Vô thường” là nơi có “sấm bay rền vang”, là khả tính của “sự trở thành”, sự trở về “dưới chân cội nguồn”. Chỉ đến khi nghe lời hát “Từ đó ta là đêm – Nở đóa hoa vô thường”, thì chân ngã của “Ðóa hoa vô thường” mới thật sự được khai tỏ.

Các tác giả tham gia triển lãm trong buổi khai mạc

Với các chất liệu khác nhau (sơn dầu, bột màu, kết hợp với chì, acrylic), gần 40 tác phẩm hội tụ trong triển lãm tranh mang tên “Khói trời mênh mông” đã thể hiện những cách cảm rất riêng về nhạc Trịnh của từng nghệ sĩ.

 Ngoài tranh của các họa sĩ nhóm G39, tham gia triển lãm lần này còn còn có sự góp mặt của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN. Ông là nhà thơ, nên tranh của ông cũng đầy chất thơ, mỗi bức tranh hình như ông muốn kể một câu chuyện.

Với lối vẽ màu mịn gam chủ đạo nâu vàng, hai bức tranh có tên “Trong nghĩa trang này có bầy chim thôi” trong bài “Hát cho người nằm xuống” và “Xin ngủ dưới vòm cây” trong bài “Ru ta ngậm ngùi” cũng mang đầy tâm trạng và cảm thức của chính nhà thơ trước cuộc đời. Cả hai bức tranh đều cùng một tinh thần: khát vọng về sự bình yên.

Là một người đến với nhạc Trịnh Công Sơn khá muộn và không thể nhớ đã bao nhiêu lần nghe lại những ca khúc của ông, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “Âm nhạc của ông đã dựng lên những vẻ đẹp và nỗi buồn của kiếp người. Âm nhạc của ông đẩy người nghe đi xa mãi, xa mãi trong thế giới nội tâm của chính họ”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ với người viết rằng, trên thế gian, chiến tranh và sự bình yên là hai sự đối lập lớn nhất. Đem cái chết đặt bên cạnh giấc ngủ, bởi cái chết là một phần của đời sống, cho chúng ta cảm nhận được hai cảnh giới. Trong sự sống có cái chết, khi giấc ngủ là cái chết tạm thời. Còn cái chết chính là giấc ngủ tạm thời giữa hai kiếp sống, và cả sự sống và cái chết đều cần sự bình yên. Nếu không tìm được sự yên bình ngay chính trong lòng chúng ta, trong tâm hồn chúng ta, thì sẽ không thể đẩy lùi được chiến tranh và lòng thù hận. “Văn bản bên trong chúng ta có cả sự thù hận, lòng vị tha, khổ đau, cái chết, cách sống. Có nhiều ngôn ngữ khác nhau để tạo ra văn bản của đời sống, bằng thơ ca, hội họa, nhiếp ảnh. Trịnh Công Sơn thiết lập văn bản đời sống bằng nhạc phẩm, cả hai bài hát “Hát cho người nằm xuống” và “Xin ngủ dưới vòm cây” đều có tính minh triết rất cao, xoa dịu cho những người nào đau khổ, làm tiêu tan những mệt nhọc, tham đắm, sợ hãi… Tôi nghĩ rằng, thơ ca hay sáng tác hội họa tự người sáng tạo họ tìm đến cái đẹp, đẩy lùi sự tham đắm vật chất, sự hận thù”.

Tại triển lãm, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long lại “hé cửa” kho tư liệu của mình để giới thiệu những bức hình chụp Trịnh Công Sơn thời kỳ cuối sống ở Huế. Công chúng có thể xem những chân dung ông chụp ông Sơn hồi năm 1995 tại nhà riêng. “Đến giờ, tư liệu ảnh đen trắng về anh Sơn thì nhiếp ảnh gia Dương Minh Long vẫn là người có nhiều nhất. Nhớ lại thời kỳ đó, hầu như mọi người đều chụp máy cơ. Những người chụp đen trắng như anh Long lúc đó đều tự rửa ảnh cho mình cẩn thận và kỹ càng”, ông Cương cho biết.

Khói trời mênh mông hiện diện đã cho chúng ta một câu trả lời: Không gian hình và màu cần cho ai và ai (con người và những tác phẩm để lại) thì xứng đáng với sự tôn vinh ấy.

Chu Minh Khôi

Phảng phất minh triết PG trong “Khói trời mênh mông”
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH