In mộc bản – Di sản quý của Thăng Long

Vào thời cổ, người ta viết chữ lên mai rùa, xương thú, khắc lên đá, lên đồng, tre và trúc… Sử chép, vào thời Đường Nghiêu, họ Việt Thường có sang phương Bắc và biếu một con rùa thần, mình dài hơn ba xích, trên lưng có văn khoa đẩu, ghi việc từ khi trời đất mở mang, vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là “Quy lịch” (Lịch rùa).

Sách “Ngọc tỷ tuyên vương”, cho biết từ rất sớm, khi Hoàng đế đánh xuống phương Nam, bắt được sách của người Lạc Việt, sách đó gọi là Lạc Thư. Trong bài mo “Đẻ đất đẻ nước” của dân tộc Mường nói về chữ viết của người Kinh như làn khói, tức ngoằn ngoèo như đàn nòng nọc:

Thấy chữ đen đen giống khói mây chúc, Chữ đục đục giống khói mây xanh, Thấy lâng như khói mây vàng…

Trong bài “Cẩu chủa chung vùa” của dân tộc Tày, có đoạn nói về Thục Phán bày ra cuộc đua tài giữa chín chúa mười mường, trong đó có tiết mục “Làm nghìn bài thơ”. Vương Duy Trinh trong “Thanh Hóa quan phong”, viết năm Thành Thái 15 (1903), đã sưu tập được một hệ thống chữ cái và một bài ca viết bằng thứ chữ cổ của nước ta, khẳng định trước khi dùng chữ Hán, ta đã có một thứ chữ khác.

Từ thế kỷ thứ I trước CN, người Trung Quốc đã phát minh dùng giấy in rập trên bia đá. Nhà nghiên cứu Lâm Giang, trong “Lịch sử thư tịch Việt Nam” viết, người ta dùng tờ giấy mềm, dai, trước tiên dúng nước tẩm ướt rồi phủ lên bia đá, sau đó dùng vải vụn, hoặc tơ cuốn thành cái bùi nhùi to bằng nắm tay, phất nhẹ lên giấy một lượt, rồi thấm mực vào bùi nhùi vỗ nhẹ lên tờ giấy đã dán vào bia. Vì văn tự khắc lõm lên bia đá, nên sau khi phất, giấy phủ trên bia gặp chỗ khắc lõm xuống, không dính mực. Đợi giấy xoa mực hơi khô, bóc khỏi bia, được loại giấy chữ trắng nền đen. Từ những gợi ý ấy mà kỹ thuật khắc ván in ra đời.

Trước hết người ta cưa ván ra thành từng tấm, đem chữ cần in viết lại trên giấy mỏng, rồi dán ngược lên tấm ván đó, sau căn cứ vào mỗi nét bút của chữ, dùng dao khắc từng nét một, sao cho mỗi nét bút của chữ nổi lên trên ván. Chữ khắc nổi trên ván gọi là “dương văn”, chữ khắc lõm xuống gọi là “âm văn”. Sau đó, dùng bàn chải thấm mực, xoa lên ván in, rồi dùng bàn chải sạch khác xoa nhẹ lên mặt sau tờ giấy, như thế một tờ được in xong. Phương pháp in sách này cần dùng bàn chải, nên gọi là ấn loát. Còn ở châu Âu, người ta gọi là Typographie, do xuất phát từ chữ Hy Lạp gồm từ Typo và grapheum, nghĩa là sao chép, ghi lại…

Kỹ thuật khắc ván in được người Trung Quốc phát minh từ đời Đường. Đường Thái Tông đã cho soạn cuốn “Nữ tắc” khoảng năm 636 và ra lệnh cho khắc in cuốn sách đó. Hiện nay có thể coi đó là quyển sách sớm nhất về khắc ván in được ghi lại.

Ở nước ta, nghề làm giấy xuất hiện vào thế kỷ thứ III. Giấy làm bằng vỏ dó, bằng rong biển, đặc biệt là loại giấy bằng trầm hương chế bằng vỏ và lá trầm rất thơm và bền. Giấy màu trắng có vân như mắt cá lớn, bỏ xuống nước không nát. Sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi soạn năm 1435 viết: “Đương thời phường Yên Thái (vùng Bưởi) chuyên làm giấy. Thợ ở đây có thể làm được “giấy thị”, “giấy lệnh”. Còn làng Nghĩa Đô chuyên làm giấy sắc ngà vàng vẽ rồng và mây gọi là “giấy long án”.

Mộc bản triều Nguyễn được bảo quản trong kho chuyên dụng.

Nghề giấy phát triển đã thúc đẩy nghề in phát triển theo. Nghề khắc ván in ở nước ta có từ đời Lý. Trong sách “Thiền uyển tập anh ngữ lục” còn ghi tiểu sử nhà sư Tín Học, họ Tô, người làng Chu Minh, phủ Thiên Đức, trụ trì tại chùa Quang Đính, trên núi Không Lộ, Sơn Tây, xuất thân từ gia đình chuyên làm nghề khắc ván in kinh Phật. Bài tựa cuốn “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương (đỗ Tiến sĩ năm 1478 đời Lê) nói vào thời Lý – Trần nhà chùa đã sử dụng lối khắc ván lưu hành sách.

Đến đời Hồ (1400-1407), Hồ Quý Ly đã cho in tiền giấy “Thông bảo hội sao”. Kỹ thuật in ấn của thời kỳ này đã khá tinh xảo. Tờ 10 đồng vẽ cỏ, 30 đồng vẽ sóng nước, 5 tiền vẽ phượng, 1 quan vẽ rồng.

Đến giữa thế kỷ XV, thời Lê sơ, Thám hoa Lương Như Hộc, đỗ khoa thi năm Đại Bảo thứ 3 (1442) đời Lê Thái Tông người làng Hồng Liễu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, hai lần đi sứ nhà Minh là hai lần ông có điều kiện tìm hiểu học tập kinh nghiệm khắc ván in. Sau khi xem xét và nắm được bí quyết nghề nghiệp, ông cùng với hai người học trò là Phạm Niên và Phạm Đới, về dạy lại cho thợ Hồng Lục và Liễu Tràng. Nghề nghiệp ngày một phát triển lan sang cả thôn Khuê Liễu và các làng xung quanh.

Từ đó, vùng này trở thành trung tâm khắc ván in của cả nước, kéo dài hàng mấy thế kỷ. Bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” in lần đầu tiên, niên hiệu Chính Hòa 18 (1697), là do thợ Hồng Lục và Liễu Tràng đảm nhận. Kỹ thuật chế bản in ngày ấy còn đơn sơ, người ta dùng gỗ lòng mực hoặc gỗ thị, xẻ thành từng tấm theo khuôn khổ đã định trước, dùng dao khắc chữ. Lúc này, người ta thường in sách truyện trên khổ giấy 16x20cm, sách học khổ 20x30cm và sách Phật khổ to hơn. Đến thế kỷ XIX, nghề in ở nước ta thực sự phát triển mạnh mẽ, trung tâm in ấn nhà nước tại kinh đô Huế cho ra đời những bộ sách lớn như “Hoàng triều luật lệ” 22 quyển in thời Gia Long, “Đại Nam thực lục” 560 quyển khởi in từ thời Thiệu Trị đến đời Duy Tân, “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” 262 quyển in đời Tự Đức…

Vào thời kỳ này, dẫu Hà Nội không còn là kinh đô, nhưng vẫn là nơi hội tụ tinh hoa của sĩ phu Bắc Hà. Hà Nội trở thành trung tâm in ấn lớn, in các loại sách giáo khoa cho học sinh, các truyện Nôm, các sách văn học… Quy mô các bộ sách không lớn nhưng đa dạng, số lượng nhiều. Phố Hàng Gai thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, được gọi là phố “văn nhã”, vì cả phố, không nhiều thì ít, nhà nào cũng liên quan đến việc in sách và bán sách. Các hiệu bán sách nổi tiếng và có uy tín lớn có ba hiệu ở phố Hàng Gai là Như Cát Thành, Cẩm Văn Đường, Đồng Văn Đường; phố Hàng Thiếc có Long Đức hiệu; phố Hàng Bông có Mạc Đình Tư hiệu; Hàng Đào có Áng Hiên hiệu. Cụ Hoàng Đạo Thúy (1897-1994) kể lại: Hàng bán sách thì phần lớn là người làng Phù Ủng, làng ông tướng Phạm Ngũ Lão ở Hưng Yên. Các bà con ở Phù Ủng ra Hà Nội đông, có đình riêng ở phố Lý Quốc Sư.

Từ thế kỷ XIX, có hàng sách của cụ Trần Huy Bình (1827-1887) là to nhất. Cụ được hàng phố và cả làng nho kính trọng vì cụ hết lòng với nghề. Nhà cụ giàu vì làm lụng lâu năm. Cụ bảo con cháu “làm giàu có đạo”. Trong nhà cụ lúc nào cũng có nhiều thầy đồ hay chữ và có đức để xét bản in và viết mẫu. Cụ cho để sót một lỗi là phạm tội với danh giáo. Cụ dạy con cháu rất nghiêm cẩn.

Sau này, ông Trần Hàm Tấn, chuyên viên trường Bác Cổ là cháu nội của cụ, ông giáo Trần Trọng Ngà là chắt, ông Trần Văn Ngoạn, nhà sử học Trần Văn Giáp đều trong thân thích. Sau khi cụ Trần Huy Bình mất, tình hình thay đổi, các bản in của cụ phải nhiều ngày, nhiều xe bò mới đem được đến hết nhà ông Tấn ở Hàng Đào. Con gái cụ Trần Huy Bình là bà tú Lủ tiếp tục công việc của cụ ở Quan Văn Đường nhà số 81. Lúc ấy cả phố chỉ có bốn hàng sách. Số 77 là Tự Văn Đường của bà Sét, cũng nhà họ Trần. Con dâu cụ Trần là bà cử Văn cùng với cháu là ông Trưởng Tự, thân sinh nhà văn Vũ Bằng mở hiệu sách Quảng Thịnh ở cuối phố Hàng Gai. Có lẽ Quảng Thịnh là hiệu cuối cùng vì đến năm 1954 vẫn còn mở cửa.

Từ đầu thế kỷ trước, chữ quốc ngữ thay dần chữ Hán Nôm, kỹ thuật hiện đại từ phương Tây du nhập vào nước ta, việc in ấn đã trở nên vô cùng thuận lợi, nhưng đến nay, tại nhiều chùa, đền, bảo tàng người ta vẫn còn giữ được nhiều mộc bản ghi nhận kỹ thuật in ấn tại Hà Nội, kéo dài hơn 10 thế kỷ.

Riêng cơ sở in tại đền Ngọc Sơn của Hội Hướng Thiện (do Tiến sĩ Vũ Tông Phan sáng lập giữa thế kỷ XIX) đã in được 241 đầu sách. Ngày 14-4-1966, Phòng Bảo tồn, Sở Văn hóa Hà Nội đã kiểm kê và thống kê được 1.156 ván in còn tại đền. Kỹ thuật khắc ván đã đạt độ tinh xảo. Có nhiều ván khắc có tranh minh họa ở các tác phẩm như “Tứ thập bát hiếu thi họa” của Đặng Huy Trứ, “Cảm ứng thiên”, “Kim cương kinh nhân quả”. Đặc biệt về văn học lịch sử có một số tác phẩm nổi tiếng còn đủ bộ ván in như “Tang thương ngẫu lục” của Phạm Đình Hổ, “Phượng Sơn từ chí lược” (có đầy đủ tư liệu về Chu Văn An) của Nguyễn Thu. Có nhiều ván khắc in tác phẩm của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu như “Phương Đình văn loại”, “Phương Đình tùy bút”, “Anh ngôn tập”, Vạn lý tập”. Tại chùa Hộ Quốc, quận Hai Bà Trưng còn giữ bản khắc in kinh “Hiếu sinh lục” do Hoài Hạc đạo quan Chu Ứng Thăng đời Tần (246-210) trước CN soạn; năm Gia Long thứ 2 (1803) vị sư chùa này đem khắc lại.

Ngày nay, những bản khắc in của một thời còn lại ở các di tích đã trở thành di vật quý giá. Ngày 30-7-2009, hơn 40.000 mộc bản của triều Nguyễn hiện lưu tại Bảo tàng Đà Lạt được UNESCO công nhận là “Di sản tư liệu thế giới”.

Trần Văn Mỹ (Hà Nội Mới)

In mộc bản - Di sản quý của Thăng Long
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH