Giác Ngộ – Hơn 260 hiện vật, thể hiện quá trình phát triển nghệ thuật gốm cổ truyền Việt Nam qua các thời kỳ Lý – Trần, Mạc – Lê trung hưng và thời Nguyễn, đã chính thức ra mắt công chúng từ tháng 5-2010 đến hết năm 2010 tại Bảo tàng TP.HCM.
Đó là cuộc hội ngộ “Ngàn năm gốm Việt”; một không gian văn hóa không những giới thiệu nhiều hiện vật gốm cổ tiêu biểu cho từng thời kỳ phát triển đồ gốm, các trung tâm sản xuất gốm cách đây nhiều thế kỷ, mà còn giúp cho người xem tìm hiểu một cách tương đối về quá trình phát triển của đồ gốm Việt Nam từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX.
Tượng Đức Phật Thích Ca – gốm Bát Tràng TK XV
Đến với triển lãm “Ngàn năm gốm Việt”, người xem như đọc hết bề dày của các dòng gốm cổ truyền của Việt Nam, với nhiều trường phái trải dài từ Bắc đến Trung và Nam Bộ. Mở đầu trong gian trưng bày là các hiện vật gốm thời Lý, Trần từ thế kỷ thứ XI đến thế kỷ thứ XV. Đó là các sản phẩm gốm như ống quả dưa, bình tỳ bà, tô, chén, thạp, tượng thờ… Có thể thấy rõ sự phóng khoáng phô diễn tài nghệ của nghệ nhân làm gốm của thời kỳ này, với những nghệ thuật tạo hình đắp nổi, khắc chìm, in khuôn rất tiêu biểu, nhưng cũng có nhiều loại tuy không trang trí hoa văn nhưng hình dáng và màu men thì hết sức đẹp mắt. Ngoài gốm hoa nâu tiêu biểu và đặc trưng của gốm thời Lý còn có nhiều loại gốm khác như: gốm men trắng, gốm men xanh lục, gốm xanh ngọc và gốm men vàng… Có thể nói, gốm thời Lý có dạng hình khối, cầu kỳ trong hoa văn trang trí song cũng rất đơn giản trong tạo hình. Điều này khẳng định một vị trí quan trọng của nền văn hóa Việt Nam thời bấy giờ.
Đến với gian trưng bày đồ gốm thời Lê từ thế kỷ thứ XV đến thế kỷ XVIII, có nhiều dòng sản phẩm gốm đa dạng như dĩa, tô, chân đèn, lư hương, bình… Gốm thời Lê được chia thành ba thời kỳ: gốm thời Lê sơ thế kỷ thứ XV, gốm thời Lê mạt thế kỷ thứ XVI và gốm thời Lê trung hưng thế kỷ thứ XVII và XVIII. Các sản phẩm gốm thời kỳ này cũng mang nhiều nét đặc trưng: gốm men ngọc, men nâu, xanh trắng hay các sản phẩm gốm vẽ dưới men, đắp nổi hoặc dát vàng đã khiến cho gốm Việt rạng danh trên bản đồ gốm sứ thế giới. Các đồ gốm của thời kỳ này cũng đã được xuất khẩu sang các nước trong khu vực đến Trung Đông và châu Âu. Đồ gốm thời Lê gắn bó mật thiết với người dân Việt Nam và ở một khía cạnh nào đó, đồ gốm còn thể hiện sự hưng thịnh của một đất nước, một thời kỳ dân tộc. Chính sự phát triển của nghề gốm vào thời kỳ thế kỷ thứ XI đã hình thành nên những trung tâm sản xuất gốm chuyên nghiệp cho đến nay như Bát Tràng Hà Nội, Thổ Hà – Phù Lãng ở Bắc Ninh…
Con nghê – gốm thời Lê TK XV
Gốm trưng bày tại triển lãm
Triển lãm còn có sự góp mặt của các dòng gốm thuộc các tỉnh Trung Bộ, tạo sự chú ý bởi tính mộc mạc vốn có của nó như: Gò Sành (Bình Định), gốm Châu Ổ (Quảng Ngãi) và gốm Quảng Đức (Phú Yên). Nếu như gốm Gò Sành đa dạng về chủng loại sản phẩm thì gốm Châu Ổ lại giản dị với những màu men như nâu, da lươn, vàng… Trong khi đó, gốm Quảng Đức lại hết sức mộc mạc chân phương với lớp vỏ sò còn in trên thân gốm cho thấy vết tích của việc nung gốm bằng vỏ sò rất ưa dùng của thời kỳ này. Đây cũng là điểm nổi bật trong quá trình sản xuất gốm vào thế kỷ XVIII – XIX ở các tỉnh miền Trung.
Có thể nói, Bộ sưu tập gốm Nam Bộ trong cuộc hội ngộ “Ngàn năm gốm Việt” đã phần nào nói lên sự đa dạng của nghề gốm cổ ở Việt Nam nói chung và đồng bằng Nam Bộ nói riêng. Nói đến gốm Nam Bộ, người ta hình dung ngay đến các dòng gốm Cây Mai (Sài Gòn), gốm Lái Thiêu (Bình Dương) và gốm Biên Hòa (Đồng Nai). Gốm Cây Mai được đánh dấu là dòng gốm Sài Gòn xưa có niên đại từ thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX. Các lò gốm Cây Mai tập trung tại khu vực gần chùa Cây Mai (Chợ Lớn). Sản phẩm của dòng gốm này chịu ảnh hưởng của người Hoa di cư vào Sài Gòn – Gia Định. Gốm Cây Mai đã xuất hiện trong lịch sử gốm mỹ thuật Nam Kỳ như những dòng gốm tiên phong. Các sản phẩm gốm Cây Mai trưng bày tại “Ngàn năm gốm Việt” như: bình, lọ, phù điêu, tượng thờ… là một quá trình bảo tồn của hơn 200 năm tại các lò gốm Sài Gòn xưa đã tạo tác được một danh mục sản phẩm gốm phong phú của dòng gốm Nam Bộ.
Hũ, chén, tô gốm thời Lý TK XI
Đến những năm đầu của thế kỷ XX, các lò gốm ở Sài Gòn – Chợ Lớn phải dời ra vùng ven và từ đó hình thành nên các dòng gốm như: Lái Thiêu (Bình Dương) và Biên Hòa (Đồng Nai). Tại triển lãm, người xem có thể bắt gặp các sản phẩm gốm Lái Thiêu thể hiện ba trường phái rõ rệt như: Phúc Kiến, Tiều Châu và Quảng Đông. Sự mộc mạc của gốm Phúc Kiến trên đồ gia dụng hay màu men đặc sắc trên gốm tượng thờ Quảng Đông, trong đó tượng thờ Phật giáo chiếm đa số, hoặc nét vẽ tinh tế của các nghệ nhân Tiều Châu trên tô, chén, bình… đã tạo nên một dòng gốm Lái Thiêu đặc sắc trong danh mục đồ gốm Việt Nam xưa.
Qua các hiện vật trưng bày, ta có thể thấy gốm Lái Thiêu ảnh hướng lớn của người Hoa, trong khi đó gốm Biên Hòa lại có sự giao thoa với một trường phái gốm của Pháp (xuất thân từ Trường Mỹ nghệ Biên Hòa). Do vậy gốm Biên Hòa có những nét đặc trưng rất riêng so với các dòng gốm Nam Bộ còn lại, đó là nghệ thuật khắc chìm, tô men trên sản phẩm, phủ men màu mà độc đáo nhất là “men xanh Biên Hòa”. Sự ra đời của Trường Mỹ nghệ Biên Hòa (1903) với sự truyền nghề của những nghệ nhân gốm Cây Mai – Sài Gòn đã tạo cho gốm Biên Hòa những dòng gốm mỹ thuật đặc trưng với tên gọi “Gốm mỹ thuật Biên Hòa” nổi tiếng cho đến những năm 1950 của thế kỷ trước.
“Hơn 260 tác phẩm gốm trưng bày tại triển lãm đã thể hiện đầy đủ, rõ nét quá trình phát triển nghề gốm cổ truyền của nước ta qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc – Lê trung hưng và Nguyễn. Qua đợt trưng bày này, chúng tôi muốn nói lên sự đa dạng và phong phú của gốm Việt. Và đây là một hoạt động thiết thực của thành phố hướng đến kỷ niệm ngàn năm Thăng Long – Hà Hội”, ông Nguyễn Văn Quỳnh, Chủ tịch Hội Cổ vật TP.HCM cho biết.
Gốm Việt Nam được thế giới biết đến như một mảng văn hóa tự nó thăng hoa với nhiều phong cách, đa dạng và độc đáo, cho dù đặt ở vị trí nào nó vẫn toát lên vẻ dung dị, chân quê và lịch lãm. Mặc dù đã giao lưu với các dòng gốm khác như: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Triều Tiên… thế nhưng cái hương đồng cỏ nội của gốm nước ta vẫn giữ được phong cách riêng của nó thông qua các hoa văn qua từng thời kỳ văn minh của xã hội. Nhiều kiệt tác gốm Việt Nam đã lưu giữ trong các bảo tàng ở các nước trên thế giới, nó thành công đến độ khiến nhiều người phải khâm phục.
Triển lãm chuyên đề “Ngàn năm gốm Việt” cho ta thấy mỗi giai đoạn, mỗi ngành gốm đều có những đặc trưng riêng nhưng tựu trung đều có sự kết hợp giao thoa giữa nghệ thuật và tâm hồn của người thợ gốm để tạo nên những sản phẩm mang đậm hồn Việt.
Bài, ảnh Giang Phong