Mùa Vu Lan Phật lịch 2554 đã đi qua nhưng những ấn tượng, tình cảm và sắc màu về phòng tranh của hoạ sĩ Thân Văn Huy vẫn còn đọng lại trong lòng công chúng yêu nghệ thuật hội hoạ và du khách thập phương đến Huế.
Trong không gian ấm cúng, thắm đượm tinh thần từ bi của đạo Phật, với 30 tác phẩm tranh sơn dầu, trong đó có 7 bức tranh về chủ đề hoa sen, sen và thiếu nữ, hàng chục hoa sen giấy của hoạ sĩ Thân Văn Huy, một người con của làng quê Thanh Tiên đầy ắp sắc màu và hương hoa. Bằng chất liệu sơn dầu và gam màu trầm chủ đạo cùng với bố cục tranh rất đơn giản, 30 bức tranh của anh đã mang đến cho người xem luôn gợi lên một xứ trầm mặc mà mênh mang một cõi đạo, phảng phất chất thơ, thấm đượm chất thiền. Xem tác phẩm: Hoa mong manh 2, Ảo ảnh, Phù du, Chợ sương, Bến sông I, Bến sông II…
Phòng triển lãm còn giới thiệu hàng chục hoa sen giấy mà chính anh và người em trai là Thân Đình Hoài đã miệt mài, dày công khôi phục thực hiện trong nhiều năm qua. Hoa sen giấy một sản phẩm của làng nghề truyền thống Thanh Tiên đã thất truyền hơn 50 năm qua được anh cùng các nghệ nhân phục hồi lại. Đây cũng chính là điểm nhấn góp phần cho phòng tranh thêm sinh động, với những cánh sen hồng được rãi khắp sàn nhà đầy vẽ tự nhiên đã làm không gian triển lãm thêm bừng sáng.
Hoa sen trong tranh của Thân Văn Huy, cùng với hàng chục hoa sen giấy được trưng bày trong dịp này được anh lấy ý tưởng từ những hoa sen ngủ sắc trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Đó là hoa sen xanh, biểu trưng cho sự thanh tịnh của trí tuệ, được tôn xưng là hoa đại trí của Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ tát và Đức Đại Thế Chí Bồ tát. Hoa sen hồng, biểu trưng cho sự trong trắng của tấm lòng, của tình thương; đây là hoa sen đại bi của Đức Quán Thế Âm Bồ tát. Hoa sen trắng biểu trưng cho sự thuần khiết tối thượng chân thực của tâm linh tức Phật tánh. Hoa sen vàng là hiện thân của Đức Phật, tượng trưng cho đức thanh tịnh tuyệt hảo.
Vượt qua những cơn mưa nặng hạt cuối thu, đến với phòng tranh của hoạ sĩ Thân Văn Huy, tiến sĩ triết học Thái Kim Lan cảm nhận: Sen trong hồ: bài thơ thiên nhiên của Huế, tác phẩm của trời và đất như bài ca diễm tuyệt và an lành. Nhưng sen giấy từ bàn tay nghệ sĩ đã mang “ Sen” lên một tầng cao hơn, đó là những đoá sen của tâm thức và giác quan thẫm mỹ cho nên sen lung linh giữa thật và mộng mơ, tưởng tượng. Tiến sĩ Thái Kim Lan quan niệm rằng: “Vẽ đẹp của Sen trong tranh là hạnh phúc chợt đến của con người. Hạnh phúc gặp hoa sen được nâng niu bởi con người-tinh khiết như từng giọt mưa long lanh”.
Thật vậy, hình ảnh và biểu tượng thanh cao của hoa sen đã nhập vào tâm thức của anh từ những ngày còn tuổi bé thơ theo chân mẹ, chân bà lên chùa lễ Phật ở chốn làng quê. Cho dù hôm nay có điều kiện để đi đây đi đó và sống giữa lòng đô thị mà “nếp châu thành không che miền quê nhỏ”.
Hoạ sĩ Thân Văn Huy xúc động: Một đời cầm cọ vẽ cho đến nay tuổi đời đã ngoài 60, hôm nay tôi thực sự lấy làm vinh dự và hạnh phúc an lạc tràn đầy khi được trưng bày tranh và hoa sen giấy tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán để phát tâm cúng dường Tam Bảo nhân mùa Vu Lan-Báo hiếu Phật lịch 2554. Thiện duyên nầy tôi đã ấp ủ và mơ ước từ rất lâu lắm rồi, mong một lần được treo tranh tại Liễu Quán để giới thiệu với chư tôn đức, với chư vị thiện hữu tri thức và với công chúng yêu nghệ thuật ở Huế. Hôm nay, nhờ ngọn gió lành mang đầy tình thương yêu của mùa Vu Lan, thiện duyên ấy mới hội đủ điều kiện thấm mát tâm tư đầy vơi cùng bao nỗi niềm xúc động.
Ngoài những lời chúc mừng về hoạ sĩ Thân Văn Huy đã có một phòng tranh mang đậm màu sắc Phật giáo và thể hiện một tâm tình hiền dịu, đầm ấm, hoà thượng Thích Hải Ấn, Phó Ban trị sự GHPGVN tỉnh TT-Huế nhận xét: Nhiều người đã ca ngợi anh với rất nhiều mỹ từ khác nhau, nhưng với 30 bức tranh và hàng chục hoa sen giấy trưng bày tại Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán tại Mùa Vu Lan Phật Lịch 2554 cho người xem một cái nhìn về anh rất khác. Với tôi anh là một Hoạ sĩ rất hiền từ và biết kham nhẫn, say mê với nghệ thuật, rất có ý thức với văn hoá dân gian truyền thống.
Dẫu là thế nào, họa sĩ Thân Văn Huy cũng đã là một người rất quen thuộc với người Huế, với nhiều du khách đến Huế trong các kỳ Festival Huế, anh đã có nhiều cuộc triển lãm tổng hợp tranh và sắp đặt hoa sen giấy rất thành công.
Một lần nữa công chúng Huế và du khách thập phương đến Huế lại được thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật của anh, những đóa hoa sen giấy đậm chất dân gian truyền thống của làng nghề hoa giấy Thanh Tiên.
Công Bằng (TRT)