Ngày mùng 9/1, Viet Art Centre (42 Yết Kiêu, Hà Nội) “đạp đất” năm 2009 bằng triển lãm tranh 12 con giáp của nhà lý luận phê bình mỹ thuật – họa sĩ Phan Cẩm Thượng. Đây là triển lãm cá nhân trong nước của họa sĩ Phan Cẩm Thượng sau đúng 10 năm. Triển lãm trưng bày 26 bức tranh vẽ bằng mầu nước trên chất liệu giấy dó, gồm bộ tranh 12 con giáp, 6 bức vẽ nhân vật và 8 bức họa trừu tượng thấm đậm chất thiền…
. Vua Trần Nhân Tông, người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm có câu thơ nhiều người rất thích: Ai trói mà cầu phương giải thoát. Chẳng phàm hà tất kiếm thần tiên? (Thùy phọc cánh tương cầu giải thoát. Bất phàm hà tất mịch thần tiên – Sơn phòng mạn hứng). Có thể hiểu câu thơ này như là men thi hứng đầy phong độ của một ông vua oanh liệt trong nhập thế, minh triết khi trở thành nhà tu hành, tổ của một thiền phái. Nhưng nếu hiểu giản dị hơn nữa, thì đó là chỉ sự ung dung tự tại của một con người bình thường, khi đạt đạo, hiểu rằng thế nào là Thiên – Địa – Nhân nhất thể…
Tôi được nghe họa sĩ Phan Cẩm Thượng ngâm ngợi câu thơ này không chỉ một lần. Là người mộ đạo và có quá trình nghiên cứu mỹ thuật cổ gắn liền với chùa chiền nhiều chục năm, có thể nói, đời sống của họa sĩ gắn liền với một dạng thiền nhập thế. Không chỉ nghiên cứu đạo Phật và mỹ thuật cổ gắn với đạo Phật cùng nhiều tín ngưỡng bản địa khác. Bản thân ông đã có một quá trình sống như tu tại ngôi chùa Bút Tháp gần 5 năm. Mà nếu người nào quen biết ông lâu, hẳn thấy 5 năm ấy đã làm ông thay đổi rất nhiều, mặc dù vẻ ngoài ông vẫn y nguyên như vậy. Tranh thiền, bức số 4 Mười năm trước, ông triển lãm cá nhân tại số 42 Yết Kiêu. Triển lãm Một vòng hoa giáp với bộ tranh khắc đen trắng đủ 60 tâm tính theo lịch can chi, lúc đó ông mới hơn 40 tuổi. Ngoài những ưa thích về tranh đồ họa làm theo lối cổ, in than lá tre, ông còn làm rất nhiều tranh lụa, sơn mài, sơn khắc và đặc biệt là tranh giấy dó vẽ bằng mầu khoáng vật. Có thể nói những bức tranh giấy Dó vẽ bút lông bằng mầu khoáng vật, những hình hài hoài cổ, với một gam nóng nhiều sắc độ nâu và son trầm ấm trên mầu giấy ngà vàng khuôn khổ ngang dài, từ lâu đã xác định một loại tranh riêng có thể gọi là tranh ông Thượng, trông ởbất cứ đâu cũng không thể lẫn, và nói chung là rất khó bắt chước. 2. Trong quá trình 10 năm không triển lãm ấy, ngoài công việc dạy học, nghiên cứu, viết báo, ra sách, ông vẫn vẽ liên tục, vui buồn gửi vào tranh như một cách chuyển hóa đời sống thường nhật thành những chiêm nghiệm của đời sống tinh thần. Với thể loại tranh giấy đã xác định thành phong cách, ông vẫn không ngừng thử nghiệm thêm về mầu sắc. Dùng thêm nhiều mầu tươi ngoài hệ mầu khoáng vật, có khi vẽ cả mầu nhũ. Hình vẽ giấy càng đi đến nhuần nhị và thuần khiết giản dị. Loạt tranh 6 bức vẽ một nhân vật với nhiều hình thái tâm lý trong một lứa tuổi, nhiều trạng thái tuổi trong một độ tuổi. Hay loạt tranh 12 con giáp – những con vật biểu tượng của năm với những biến tấu trộn lẫn giữa hình thực và hình dân gian, hay hình trong vốn mỹ thuật cổ, vẽ như chơi, với mỹ cảm rất thích thú ngộ nghĩnh, là những loạt tranh thú vị cho cặp mắt ta vào đầu năm mới, cũng như chứng tỏ tác giả vẫn là một tay bút lông “trên phong độ đạt đỉnh cao”. Con trâu – năm Sửu (Trong bộ 12 con giáp)
3. Nhưng loạt tranh nhân vật hay loạt tranh con giáp vẫn không làm cho tôi thấy ngạc nhiên lắm so với loạt tranh trừu tượng, mà tôi tạm gọi là tranh Thiền, gồm có 8 bức. Hình thì rất đơn giản, chỉ gồm hình vuông một mầu đặt xê dịch. Bức thứ nhất, tạm gọi là bức khởi thủy. Có hình tựa như cái Mandala (một loại hình đồ tượng trưng cho thế giới quan của Phật giáo, được diễn dịch rất nhiều vào nghệ thuật tạo hình) và tượng Phật ở trong và bốn phía. Bảy bức tiếp theo gồm toàn các hình vuông đặt xô lệch, dịch chuyển và tiếp biến vào nhau. Toàn mầu nóng, duy có hai bức bừng lên những mảng mầu phát quang. Nhìn vào cả serie này, thấy một cảm giác một sợi dây động len lỏi suốt sự hư tĩnh tràn ngập, với sự ám thị có chứa chất năng lượng. Thật không ngờ giấy dó và bút lông có thể làm được điều kỳ diệu như vậy.
Cách đây vài năm, thi thoảng họa sĩ có thử sức với thể loại trừu tượng này. Khi thì một vài hình trên mảng sơn mài rộng. Khi thì những hình như ký tự trên nền sơn dầu. Những người xem tranh, không ai thích được cả. Có lẽ phải đến loạt tranh này, thì tinh thần hướng về cái lẽ hư không, những cảm nhận siêu hình về con người và vũ trụ mới bày tỏ được thảng thốt, minh bạch như vậy…
Tôi tin rằng các bậc thiền sư ngày xưa khi đã “ngộ” ra đạo thì sau đó ngày nào cũng phải mất công lắm để duy trì cái “ngộ” ấy liên tục. Chúng ta không phải là sư. Chỉ là những người bình thường ngưỡng mộ cái trí tuệ mà bao dung của Phật, thi thoảng cũng có khi ngộ ra mình một cái rồi sáng hôm sau lại đánh mất mình luôn (câu đùa của Phan Cẩm Thượng). Bởi đâu có yên tâm mà tu hành hay làm nghệ thuật, còn nào là vợ con, công việc, tiền nong, xã hội. Chưa kể một vài cái vạ gió lúc nào cũng có thể vướng vào trên đất này, đơn giản như đụng xe chẳng hạn… đủ mọi thứ nhảm nhí nó xé mình ra. Nhưng người làm nghệ thuật sướng hơn người bình thường ở chỗ, có thể ghi lại được cái cảm giác “chứng ngộ” của mình trong một tác phẩm. Rồi mai thì chả biết thế nào. Nhưng cái quan trọng không phải là ngộ ra lẽ Thiền, kết nối được với một cái “máy chủ” nào đó trong trời đất. Mà quan trọng là ngộ ra xong, kết nối được thì làm cái gì tiếp. Ấy, về điều này thì cũng có rất nhiều thái độ. Có người thì chán nản, xa lánh. Có người thì hăng hái ‘hành đạo”, hơn nữa, quá yêu con người hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, để nhiều khi thấy ngạt tắc cả thở. Bởi thế mà rầu rĩ lại sinh ra. Cũng có người ngộ xong thì: “Xong rồi chẳng biết đi đâu. Xích lô Bà Triệu ra cầu Chương Dương”.
Thế lại chẳng hay ư?
Gọi là tranh trừu tượng, ấy, nhưng đối diện với tranh, thì lại thấy có quá nhiều chuyện người rất “cụ tỉ” (cụ thể tỉ mỉ) và rắc rối, cũng buồn cười…
Hà Châu Sơn (thethaovanhoa)