GN – Mùng 8 tháng Giêng, tiết xuân vừa phai cũng là lúc mọi công việc trở lại bình thường. Mọi người ai cũng muốn bắt đầu một hành trình mới bằng những niềm tin và hy vọng. Niềm tin ấy được nhen nhóm theo những ngọn đèn cầu an nơi cửa Phật, mỗi người một ngọn đèn và cứ thế pháp hội nào cũng rực sáng những ước mong…
Trong hàng nghìn ngọn đèn đã thắp sáng trong mùa kỳ an đó, có những ngọn đèn chỉ được sáng lên mỗi năm chỉ một lần. Vì sau đêm kỳ an này, họ phải bận bịu len mình trong dòng mưu sinh bất tận. Biết bao cái tên được xướng lên trong lễ kỳ an khi mà chủ nhân của những cái tên ấy vừa tan tầm trở về những dãy nhà trọ ọp ẹp, hay đang tăng ca ở một nơi nào đó xa xôi…
Một buổi lễ thắp nến cầu nguyện của Phật tử – Ảnh chỉ mang tính minh họa
Mỗi năm một lần họ chỉ biết thắp sáng niềm tin trong mùa xuân mới ở những pháp hội kỳ an (một số nơi còn cúng sao hạn) gửi gắm chút kỳ vọng bình an phát đạt cho ngày mai. Khi mà cái bụng chưa no, mái nhà chưa lành lặn, người ta đâu còn thời giờ để phân biệt đâu là pháp của Phật-đà thuần túy, đâu là truyền thống dân gian… và vô tình họ bị người khác gọi là u mê.
Giờ tôi đã hiểu vì sao các chùa quê thường có thật nhiều ban án thờ Phật và Bồ-tát, các Ngài ngự khắp nơi. Và trong ngày cầu an tôi thấy có những người khách xa lạ, mỗi năm chỉ đến chùa một lần dự lễ cầu an. Trước khi nhóm ngọn đèn gửi gắm ước mong, họ sẽ đi lễ Phật quanh chùa. Có lẽ trong hàng chục, trăm lạy ấy cũng sẽ có một lạy nào đó chân thành đủ tưới tẩm cho duyên lành tăng trưởng.
Thay đổi là tất yếu nhưng nếu chưa hiểu hết những gì người xưa gửi gắm hay hấp tấp chọc gậy ngang cái bánh xe truyền thống khổng lồ của văn hóa, của cái hồn Tết xưa thì cũng nhiều điều đáng ngại. Vội quá không khéo ta lại đạp đổ những gì mà mình không có khả năng gầy dựng, và biết đâu mình cũng là người bội bạc với những gì từng là nguồn cội. Định luật đào thải của tự nhiên sẽ loại bỏ những gì không phù hợp dù mình có muốn hay không.
Nên xin đừng vội vã, cũng đừng chua cay, cũng đừng gọi những nguyện ước chân thành ấy là u mê. Hãy nhu nhuyến như mùa xuân, trước khi đậm đà rực rỡ thường gửi ngọn gió bấc báo hiệu cho đất trời cho cây cỏ hoa lá bắt đầu chuyển mình thay áo. Xuân của đất trời còn tế nhị đến đi, sao ta có thể đổi thay một cách vội vã? Những ngọn đèn xưa kia được xếp theo đồ hình tinh tú nay đã chuyển mình dâng lên cúng dường trước chư Phật, đó cũng là chuyển hóa, đã dần thay đổi, đừng vội!
Một cụ già lưng còng, búi tóc bạc giấu trong khăn vắt chéo, lôi trong túi ra một gói tiền bọc ba lớp giấy báo và trong đó còn có một danh sách hơn chục người xin dâng lễ cầu an. Hỏi con cháu cụ đâu sao một mình một bóng. Cụ nói “Đi Bình Dương hồi mùng 4 hết rồi!”. Và trong danh sách ấy không có tên cụ, cụ chỉ cầu bình an cho con cháu đang mưu sinh chốn người. Sau một hồi diễn cảm cho ra dáng chiêm tinh, tôi báo cho cụ một tin vui, năm nay không có tuổi nào xấu, khuyên cụ hãy niệm Phật khi nhớ và mong cho cháu con đang trôi ở trời xa an bình.
Với những người còn gánh nặng cuộc đời, cứ chảy trôi mải miết theo dòng mưu sinh mỗi năm một lần cầu bình an cho những ngày dài đăng đẵng phía trước mà ta bảo cầu xin có ích gì thì khác nào thổi tắt một ngọn đèn hy vọng. Và đôi khi ta đã vô tình phá mất nhịp cầu đến gần với Tam bảo của những phận đời tối tăm, chỉ dám thắp cho mình ngọn đèn le lói những ngày xuân. Để tắt những ngọn đèn ấy, gọi họ là u mê, thiết nghĩ thật mình cũng chưa phải là sáng suốt…
Chơn Khánh