Vô tình thuyết pháp

Chúng ta đang ở vào thời kỳ   đất nước thay đổi. Con   đường đi ngang chợ, ngày  trước khô khan, chỉ có những bảng hiệu và hàng hóa xếp chất đống như biểu thị thế giới vật chất. Sau vài năm trồng cây, lót gạch lại vỉa hè, một ngày đầu mưa tháng Tư ta cũng đi trên đường đó.

Bất ngờ chợt thấy những tàng cây xanh mướt, cành lá rủ nhau che mặt đường, từng chùm bằng lăng tím cười hớn hở, con đường trở nên dễ chịu, những cửa hàng lẫn trong chòm cây bớt vẻ phô trương. Cây này nối tiếp cây kia, gần như nắm tay nhau trò chuyện, chùm nụ, chùm bông này nọ cũng nối nhau nở đều. Bằng lăng, không có gì đặc biệt, cánh mỏng manh nhỏ nhẹ, màu cũng không gay gắt chói chang. Một chút phớt tím, một chút phớt hồng, có khi một chút trắng xanh xao. Có họ hàng với hoa tử kinh, kiểu nở từng chùm hoa kết lại, dường như sợ nở từng bông một e lẻ loi cô độc. Tôi đã từng thấy một cây tử kinh nở hoa từ trên ngọn xuống tận cành lá cuối cùng. Lúc đó là giữa mùa Hạ, đã có những trận mưa bay miên man. Mưa là những đợt hoa rơi tầm tã, người ta cũng ví “Chư thiên mưa hoa cúng dường”. Mưa thì hơi ồn ào một chút, không lặng lẽ như hoa, nhưng nhìn mưa qua cửa sổ hay qua khung trời trên sông, cũng đẹp như nhìn một cây tử kinh bông nở rộ.

Cây hoa tử kinh mà Thiền sư Huyền Quang nhắc đến trong bài thơ “Xuân nhật tức sự”, có lẽ cũng một loại bằng lăng. Hay là cây bằng lăng thân gỗ cao lớn mạnh mẽ, tử kinh thì có vẻ mảnh mai quý phái hơn?

Nhị bát giai nhân thích tú trì

Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly

(Mười sáu tuổi, nhẹ tay thêu gấm

Chòm hoa xinh, oanh hót xa gần)

Khung cảnh có vẻ đẹp như tuổi trẻ, như hoa và chim xuân ca. Thiền sư thường ở trong núi, thấy cây bằng lăng nở thì được, ngài đi đâu qua phố để thấy cô gái đẹp 16 tuổi, ngài có ghé hỏi thăm là cô bao nhiêu tuổi không, hay chỉ phỏng đoán, sao lại chọn tuổi 16 mà không là 18, 20? Ôi, rơi vào đầu óc đa sự của chúng ta, rất nhiều chuyện để bàn cãi, để kết tội. Chợt biến mất cô thiếu nữ ngồi thêu, chợt để chùm hoa nọ rụng tơi bời và chim oanh ngưng hót. Bao nhiêu vẻ đẹp đành mai một khi ngữ ngôn lên tiếng.

Cũng với đầu óc thắc mắc ưa lý luận đó, ta đi hành hương về đất Phật. Câu hỏi đầu tiên của mọi người là: Tại sao Đức Phật chọn Ấn Độ, một xứ vừa nghèo vừa ô nhiễm, vừa đủ thứ bệnh trình hiện ra: gầy còm suy nhược, què mù câm, bất toàn…? Những câu trong kinh Pháp Hoa diễn tả về chỗ nhà lửa, tai nạn độc hại, đói khát khổ sở dường như thấy đầy đủ nơi đây. Và cũng rất đối nghịch, nơi giàu sang xa hoa cực kỳ, như ông trưởng giả đem chiếc xe trâu báu lớn, trải mền nệm, màn lọng giăng che… đặt ngoài cửa ngôi nhà gần sụp để dụ dỗ đám con ở trong ấy. Thiệt tình, đi ngang cái nhà gạch trống lổng mà thấy chiếc Camry bóng ngời nằm ở trong, ai cũng ngạc nhiên, xứ gì kỳ quá, xe như vậy mà để ở trong cái nhà như vậy. Càng đi càng thấy gần gũi với văn học, văn hóa Ấn Độ. Trong một câu chuyện kể có nói Đức Phật hóa độ cho 500 trẻ em ăn xin, mình nghe vậy không tin, ăn xin ở đâu mà đến 500 người? Rồi có chuyện các Tỳ kheo đi khất thực trong thành, có đám ăn xin đi theo cũng 500 người, khiến các cư sĩ phải ngần ngại. Cứ sang Ấn Độ rồi biết. Tại Khổ Hạnh Lâm, đoàn từ thiện vừa mới dừng xe phát quà thì cả một rừng trẻ em bu đến. Chúng chạy nhanh từ ở đâu trong các đường khuất nẻo mù khơi, từ những hang hóc ngõ ngách xóm nhà bụi bặm, không cần đánh trống báo hiệu, chỉ thấy một đứa nhỏ chạy băng băng là y như con nít xuất hiện. Nó chạy thấy mà thương, dường như đây là trò chơi. Mình ngồi trên xe thấy nó nhỏ xíu chắc chừng 3-4 tuổi, hai cái chân đen thùi chạy tíu tít, bé trai bé gái, vừa ẵm em vừa chạy, chị chạy trước em chạy sau, nhà có bao nhiêu trẻ em đều đồng loạt chạy đến. Không nhanh tay phát quà, trễ một chút mấy làng xa nghe được là phải hơn 500 đứa trẻ. Xe lật đật đóng cửa nổ máy, rồi cũng có mấy đứa nhỏ hăm hở rượt theo, xe băng đến đâu nó băng đến đó. Đường gồ ghề lởm chởm, mình ngồi trên xe còn mỏi mà mấy đứa nhỏ hình như không mỏi. Xe chẳng đám dừng vì sợ gây tai nạn, nó cứ nhè bánh xe mà a vô là chết. Rốt cuộc xe chạy như khùng, con nít cũng chạy như khùng. Có người than thở, thôi về nhà phải ráng tu không dám ham chơi, rủi sanh nhằm xứ này… Đó, bài pháp Đức Phật để lại như vậy, không cần nói nhiều, cho thấy tận mắt cũng đủ cảnh tỉnh.

Buổi sáng trên sông Hằng, muốn thưởng thức mặt trời mọc trên sông. Tại sao phải mọc trên sông Hằng mới được? Ngày nào và chỗ nào lại không có mặt trời mới? Cũng phải trải qua những đoạn đường người già tàn tật, trẻ em léo nhéo, dù hôm nay bến sông đã tiến bộ rất nhiều, đèn pha sáng trưng tận thềm bước xuống nước, rác được quét dọn sạch, còn phân bò, nước tiểu và nước cổ trầu thì là chuyện mặc nhiên. Thích đến sông Hằng, thích chèo thuyền qua bãi cát bên kia để hốt một mớ cát, chỉ vì nó là cát sông Hằng, chỉ vì trong kinh hay nói “Hằng hà sa số”. Dân mình thì đôi lúc chỉ nói “Ối! Người ta hằng hà! Đồ đó bán hằng hà…”, nghe quen như từng ở trên bờ sông Hằng, mặc dù người nói chỉ thuận miệng nói vậy thôi. Có phải đến đó để thấy mình trở về cổ tích, tưởng như được nghe Phật ví dụ cát sông Hằng, được là người Ba La Nại trong một thoáng phù du? Hôm nay trời có mây và sương mù, tôi rời bến sông thầm tiếc không thấy được vầng tròn đỏ lung linh trên mặt nước. Bước lên đường còn chần chờ quay lại. Một khung cảnh mờ ảo như chưa từng có. Bến sông với những chiếc ghe chèo thấp thoáng, những nhánh cây khô chìa ra trên bờ tường, người ta cũng thấp thoáng xóa nhòa. Không có ai đau khổ hay sung sướng, không có bãi đất cát sạch dơ, bờ bên kia của sông Hằng còn phủ sương im, mặt trời mới ló trên đám mây in nền lam nhạt. Tôi nghĩ, cảnh đẹp như vầy tại sao mình mới thấy. Cảnh đẹp như vầy nếu không có mấy đám thiêu xác củi cháy lem nhem, người chìa tay mếu máo và những đám phân hôi trên đường. Chợt biết rằng mọi vẻ đẹp đều bất toàn. Chợt nghe được vô tình thuyết pháp sáng nay.

NHƯ ĐỨC

Vô tình thuyết pháp
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH