GNO – Là người thì ai cũng có lúc bệnh. Thân bệnh và tâm bệnh. Thân và tâm bệnh của mỗi người, mỗi loài là do duyên-nghiệp mà người và loài ấy tạo. Do đó, để khỏe thì cần chữa bệnh, nhưng quan trọng nhất là phòng bệnh.
Ảnh: Internet
Ông bà mình dặn “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, bởi để cho bệnh rồi mới chữa thì vừa tốn kém, vừa ít nhiều chịu nỗi khổ do bệnh đem tới.
Phòng bệnh bằng ăn uống tiết chế, bằng sống hiền thiện và quan trọng là luôn làm cho mình và người khác, loài khác an vui. Đó là nhân đưa tới quả khỏe mạnh, vững chãi, an lành.
Tiết chế chuyện ăn không chỉ là ăn vừa phải mà còn ăn trong chánh niệm, trong sự biết ơn sâu sắc và nhất là đừng vay mượn mạng sống, sức khỏe của loài khác, người khác để mình có cái ăn, thỏa mãn ham thích vị ngon, ngọt nơi đầu lưỡi.
Hôm qua, tôi nhắc lại ý pháp mình học và thực tập để giữ hạnh ăn chay của người học Phật: hãy quán niệm, cái bụng mình giống như nghĩa địa súc sanh – nếu mình cứ ngày ngày nạp thịt, cá, xương xẩu, máu huyết của loài khác.
Thực ra, trong dòng sanh tử luân hồi nhiều kiếp đó – chúng ta ai cũng từng vay mượn, từng tạo tác ác nghiệp – nên ai cũng có nỗi khổ niềm đau ít nhiều.
Thân làm chúng sinh, hiện diện nơi cõi đời này vì nghiệp lực đẩy đưa nên ta còn mang theo ba món độc (tham-sân-si) nên ta còn khổ, còn phiền não. Nhưng, may mắn là chúng ta có duyên học được phương pháp chuyển hóa ý-ngữ-thân theo hướng tốt đẹp. Nhờ vậy mà từng bước, ta vượt qua khổ đau một cách nhẹ nhàng, từng bước an vui, thảnh thơi giữa dòng đời sanh diệt.
Người học hạnh từ bi, thực tập định-tuệ sẽ nhận diện được thân-tâm mình, biết được nỗi khổ niềm đau có mặt theo duyên-nghiệp đã tạo nên đón nhận và biết cách chuyển hóa thông qua sự quán niệm, chan rải từ tâm lên những đối tượng biểu hiện nơi thân-tâm mình chứ không oán trách, than thở.
Khi nào nỗi khổ niềm đau phát hiện ở tự thân mình và hoàn cảnh xung quanh, ta đều thấy rõ và ôm ấp bằng từ tâm, chuyển hóa được – thì khi đó trong ta có Phật. Khi đó, Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai hiện diện trong ý-ngữ-thân của ta, và ta trở thành sứ giả của Ngài. Do vậy, niệm Phật Dược Sư hay trì tụng thần chú, kinh Dược Sư không phải là để cầu xin Ngài chữa bệnh cho mình mà là để làm cho mình sáng suốt, bằng nội lực tự trị liệu và chữa lành nỗi khổ niềm đau nơi ta.
Khi đó, dẫu có thể ta chưa hết bệnh nơi thân, vẫn còn bị quấy phá bởi đủ thứ chuyện rắc rối bên ngoài nhưng ta không còn thấy khổ, thấy đau.
Lưu Đình Long