Trạm dừng

GN – Vừa rồi nhóm chúng tôi tổ chức đi tặng quà cho giáo viên và học sinh khó khăn ở một tỉnh xa. Tôi thay mặt nhóm lên nói vài lời trong buổi giao lưu. Không chuẩn bị trước, nhưng chợt bật ra một điều, có lẽ cũng là kim chỉ nam cho mình trên bước đường làm từ thiện…

Năm nào chúng tôi cũng đi tặng quà như thế, và tôi nhận ra nhiều gương mặt rất lặng lẽ, đăm chiêu trong những hàng ghế. Cả người lớn lẫn các em nhỏ đều mang gương mặt ấy, hình như chẳng tìm thấy nụ cười. Mà dù không cười, thì cũng ít thấy nét nhẹ nhàng, thoải mái. Dĩ nhiên, đây là những người có hoàn cảnh khó khăn vào hàng nghiêm trọng nên địa phương ưu tiên chọn để được nhận quà trước hết. Bản thân mỗi người hoặc người thân trong gia đình có hoàn cảnh rất thương tâm, như bị tiểu đường phải cưa chân, bị tai nạn giao thông, tai biến não, mồ côi, mẹ bị mù, bị tâm thần v.v… Chúng tôi rất đau xót và đồng cảm với họ, tự nhủ mình phải đến với họ để cùng chia sẻ một chút nỗi niềm.

Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra rằng, đau khổ không hẳn đã bít hết niềm vui và hy vọng. Trên đời này hầu như ai cũng từng có giai đoạn đau khổ, khó khăn. Ngay cả chúng tôi, những người hôm nay có chút ít vật chất để chia sẻ cho người khác, thì quá khứ cũng từng vất vả, lo toan, kiệt quệ. Nhờ vậy mình mới thấu hiểu với người khác. Và cuộc đời dài dằng dặc mấy chục năm, người ta sống chung với đau khổ, với nước mắt nhiều hơn. Nghĩ mà ngán, nghĩ mà xót xa. Nhưng, chính vì vậy mà phải biết “nghỉ ngơi” để lấy lại sức mà bước tiếp trên con đường quá dài đó.

Con đường của mỗi người thì mỗi người tự bước đi, chứ không ai đi giùm mình, mà mình cũng không thể bỏ cuộc. Và đường dài như thế, rất cần những “trạm dừng” khi mỏi chân, đau gối, khi kiệt sức, mệt nhoài. Nếu không biết dừng, chúng ta sẽ gục ngã nhanh chóng vì không còn đủ sức lực và lòng tin.

“Trạm dừng” đó là gì? Là những niềm vui đúng lúc, những nụ cười đúng lúc, những hoan hỷ cần thiết. Dù hoàn cảnh khó khăn cách mấy, nhưng quý vị nghĩ xem, cũng có lúc cuộc đời trao tặng mình những niềm vui nho nhỏ, tại mình không nắm bắt mà thôi. Thí dụ như hôm nay, có người tặng mình quà, có người ân cần thăm hỏi mình, mình được gặp gỡ những người hiền lành, chân thật, còn các em học sinh thì được tặng cặp, sách, bút, vở kèm theo con gấu bông xinh ơi là xinh, đó là niềm vui chứ còn gì nữa! Thế thì mình ngồi đây với niềm vui đang vây chung quanh, mình cứ nắm bắt lấy nó, mình cứ cười với nó một cái, tội gì cứ mải mê nhớ tới nỗi buồn và đau khổ của hôm qua. Buồn và khổ nó “đeo” mình suốt, bữa nay mình gặp được bạn hiền, gặp được niềm vui, mình “hất” buồn và khổ qua một bên được không?

Tôi là Phật tử, tôi theo cách sống của Hòa thượng Nhất Hạnh, an lạc trong hiện tại, tôi mong quý vị thử làm theo, chắc có sự nhẹ nhàng. Quá khứ mình đã buồn và khổ, tương lai sắp tới chưa biết sẽ ra sao (vì chúng tôi cũng đâu có theo giúp quý vị hoài được), vậy chỉ còn cái giây phút hiện tại ngay bây giờ, ngay trong hội trường này là vui, vậy quý vị hãy nắm lấy nó, hãy cười lên nào.

Mỉm miệng cười một xíu thôi, sẽ thấy thư giãn, đỡ mệt liền. Đó chính là lúc quý vị ngồi xuống nơi “trạm dừng”, ngồi cho đỡ mỏi chân, uống chút nước mát giữa trời nắng hanh hao… Lát sau khỏe lại thì đứng dậy bước tiếp trên con đường trần ai lao khổ này. Nếu quý vị không tranh thủ những “trạm dừng” như thế thì đi không nổi mấy chục năm đâu. Và “trạm dừng” còn nhiều lắm ở chung quanh, chỉ cần nắm bắt là chúng ta có thể nghỉ ngơi rất nhiều. Chẳng hạn, một nụ hôn của đứa con thơ sau một ngày mình vất vả kiếm cơm, một bát canh ngọt vợ mình nấu dù chỉ “râu tôm ruột bầu” mà cả nhà húp sì sụp cũng vui, một điểm 10 của đứa học trò ngoan vì nó vâng lời mình, chăm chỉ học hành, một cánh hoa ai đó đem cắm vô bàn học, một nụ cười mà đứa bạn cùng lớp chào mình sáng nay…

Thôi kệ, mình cứ nhặt lấy những niềm vui nho nhỏ ấy làm hành trang trên dặm đường thiên lý! Nó tiếp thêm sức lực cho mình vượt qua buồn và khổ lúc nào không hay.

Còn chúng tôi, những người đi làm từ thiện, cũng không dám nói là giúp đỡ gì cho quý vị, mà chỉ xin làm “chiếc ghế” nhỏ, cho quý vị ngồi lên tại những “trạm dừng” ấy. Quý vị hãy ngồi lên chúng tôi, nhẹ duỗi đôi chân mỏi mệt, cầm lấy ly nước mát chúng tôi trao tặng… Những mạnh thường quân này dù có là bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân, công chức… có giàu sang cách mấy thì xin hãy hạ mình xuống làm “chiếc ghế” để đồng bào mình ngồi lên. Đừng có nghĩ mình đi giúp người ta, mà ngược lại, phải cảm ơn người ta cho mình cơ hội thực hành hạnh nguyện, cho mình cơ hội nắm bắt niềm vui tương thân tương ái. “Nhận” cũng vui, mà “cho” cũng vui. Ai không đủ sức làm “ghế bành” thì làm “ghế đẩu”, “ghế con”, thậm chí “ghế làm bếp” bé tí xíu cũng được!

Vậy xin những “chiếc ghế” và những “người ngồi ghế” hãy cùng cười lên nhé. Cười ngay lúc này, vui ngay lúc này, hoan hỷ ngay lúc này! Còn hôm qua là chuyện của hôm qua, ngày mai là chuyện của ngày mai! Ngày mai, ngay cả những mạnh thường quân cũng phải trở về đối mặt với thương trường như chiến trường, với cơ quan cùng bao nhiêu chỉ tiêu, áp lực, với sạp chợ nóng nực lời lãi đau đầu, có thể là với ông chồng cộc cằn, say xỉn ở nhà nữa… Ai chẳng có buồn và khổ! Và mạnh thường quân cũng chọn quý vị làm “trạm dừng” cho họ đó thôi. Đi làm từ thiện, ai nấy đều vui, thế là ngày mai có sức “chiến đấu” với đời.

Hóa ra, không biết ai là “trạm dừng” của ai? Ai là “mạnh thường quân” của ai? 

Diệu Kim

Trạm dừng
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH