Khi nào nên dùng CDN?
Không phải website nào cũng cần thiết để sử dụng CDN. CDN chỉ thật sự hữu ích khi:
– Lượt truy cập lớn tiêu tốn nhiều băng thông.
– Máy chủ của website đặt xa người dùng.
– Khi sử dụng kỹ thuật Load Balancing FailOver.
– Có nhiều lượt truy cập ở nhiều quốc gia khác nhau.
Khi nào chưa cần thiết phải dùng CDN?
Có nhiều trường hợp dùng CDN không những không giúp website nhanh hơn mà còn chậm hơn. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất là máy chủ của website đặt ở gần người dùng.
Những lưu ý khi chọn dịch vụ CDN
Hệ thống PoP của nhà cung cấp CDN là điều bạn cần lưu ý khi tiến hành chọn một dịch vụ CDN tốt và phù hợp để sử dụng lâu dài. Chính vì vậy mà bạn nên ưu tiên chọn các dịch vụ CDN có hỗ trợ PoP ở quốc gia có nhiều người dùng nhất. Ví dụ nếu bạn chọn CDN cho website Hàn Quốc thì nên ưu tiên các dịch vụ CDN có PoP tại Hàn Quốc. Mỗi nhà cung cấp đều có mục Network để có thể xem hệ thống PoP của họ nên lưu ý xem cho kỹ trước khi sử dụng. Ngoài ra, cần chú ý đến giá cả và hình thức thanh toán. Hầu hết dịch vụ CDN hiện nay đều hỗ trợ hai kiểu thanh toán là dùng bao nhiêu thì trả bấy nhiêu (Pay-as-You-Go) hoặc trả phí cố định theo tháng. Nếu website của bạn tốn ít băng thông thì nên chọn hình thức thanh toán là pay-as-you-go sẽ tiết kiệm hơn . Lưu ý cuối cùng chính là tốc độ, bạn có thể kiểm chứng tốc độ qua việc dùng thử dịch vụ. Hoặc bạn có thể tham khảo qua các bài đánh giá CDN trên mạng.
Một số tài nguyên CDN miễn phí
– CloudFlare: Được biết đến như một dịch vụ proxy có hỗ trợ CDN miễn phí khá phổ biến. Nếu website của bạn đặt host hoặc đăng kí hosting tại Mỹ hay Châu Âu thì dịch vụ này sẽ giúp bạn có thể tối ưu tốc độ website dành cho các lượt truy cập tại Việt Nam. CloudFlare không giống như dịch vụ CDN đơn thuần. Dùng nó, bạn không thể sử dụng domain riêng cho CDN cũng không thể tải nội dung lên máy chủ CDN nhưng nó sẽ hoạt động bằng cách đó là sử dụng một lớp proxy trung gian cho tên miền. Tức là khi người dùng truy cập vào website của bạn, họ sẽ đi qua một lớp proxy và ở đó nó đã có CDN để phân phối nội dung trong trang, đường dẫn website không bị thay đổi.
– Photon: Đây là một dịch vụ đặc biệt dành cho người dùng WordPress, nó sẽ tự đưa các tập tin hình ảnh trên website về máy chủ CDN của Photon rồi phân phối cho người dùng để tiết kiệm băng thông và thời gian tải trang.
– jsDelivr: Đây là dịch vụ CDN dành cho các Javascript. Ví dụ thay cho việc tự host tập tin jquery.js trong thư viện jQuery thì có thể sử dụng liên kết CDN của jsDelivr. Hiện tại jsDelivr hỗ trợ tới hơn 1650 thư viện khác nhau, và hầu như mọi thư viện Javascript phổ biến đều ở đó. Cách sử dụng rất đơn giản, bạn chỉ cần nhúng tập tin Javascript tới liên kết thay vì tự host.
Cách dùng CDN
Cách sử dụng CDN rất đơn giản. Sau khi tiến hành tạo dịch vụ CDN bạn chỉ cần sửa đường dẫn gốc của nội dung tĩnh trên website thành đường dẫn nội dung của CDN. Ví dụ:
01 |
<img src="https://matbao.com/images/logo.png"> |
Đổi sang:
01 |
<img src="http://tên-miền-cdn/images/logo.png"> |
Nếu bạn dùng WordPress thì có rất nhiều plugin hỗ trợ tự đổi như WP Super Cache, W3 Total Cache, CDN Enabler,…
Ngoại trừ một số dịch vụ proxy CDN như Incapsula hay CloudFlare không cần đổi gì cả vì vốn tên miền đã được yêu cầu thông qua CDN.
Lời kết
Bài viết trên đã nói khá chi tiết về CDN, mong rằng có thể giúp cho các bạn hiểu được và sử dụng nó hiệu quả.