GN – Thời tiết thay đổi. Ngọn nắng mùa hè vụt chốc chuyển lạnh đột ngột sang thu. Cơ thể của bà là một đài thiên văn dự báo thời tiết không sai chút nào. Đã tám mươi hai tuổi nhưng bà vẫn tinh cần trong các thời công phu kinh kệ ở chùa. Tôi luôn kề cận săn sóc bà trong việc đi chùa lễ Phật hàng đêm.
Người ta nói: “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Ở trong đạo cũng như ngoài đời, bạn bè là người hỗ trợ, sách tấn ta trong mọi sinh hoạt. Bây giờ với bà, việc đi chùa lễ bái đã trở thành một nếp sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Ở trong môi trường đó, bà đã tìm thấy niềm vui. Đồng thời có những người bạn đạo, cùng chung tu học khắng khít qua bao ngày tháng bên nhau.
Ăn cơm có canh, tu hành có bạn – Ảnh minh họa từ internet
Điều ấn tượng nhất là người bạn của bà nội. Đó là một bà lão gầy cao, dáng vẻ nhanh nhẹn. Bà ấy lúc nào đến chùa cũng trễ. Chỗ ngồi của bà và nội tôi hình như mặc định một nơi không thay đổi. Trong đạo tràng này, nội tôi và bà lão ấy đều được xếp vào hàng trưởng lão.
Vừa bước vào chánh điện, bà nhanh nhẹn lấy chiếc áo tràng lam ra khỏi chiếc túi xách nhỏ thường ngày bà vẫn mang theo, rũ nhẹ chiếc áo rồi mặc vào một cách nhanh chóng và yên vị vào chỗ ngồi cố định của mình.
Trong chánh điện trang nghiêm, thời kinh hàng đêm dịu ngọt nhịp đều. Sau một ngày làm việc mệt nhọc vì kế sinh nhai, đây là lúc mọi người đang rũ bỏ bao nhiêu phiền trược, ác triền, để tìm cho mình những phút giây tịnh lắng tâm tư được sống trong đạo và gần đạo.
Nhìn thấy hình ảnh nội và bà lão luôn bên nhau trong giờ tụng kinh, cũng như khi chia tay nhau ra về, tôi thầm cảm phục đạo tình đôi bạn già. Rõ nét nhất là khi nhìn hai bà trò chuyện bên nhau. Tôi thấy họ trẻ lại trong từng cử chỉ, ánh nhìn cho đến những cái bắt tay thân mật… Những lúc ấy, tôi thường tìm cách tránh xa để cho hai bà tự do tâm sự, trao đổi chuyện đạo, chuyện đời. Cử chỉ này làm tôi xao xuyến, cảm phục nghĩa tình đồng đạo lúc tuổi đã xế chiều. Rồi hai người chia tay nhau. Bà bạn của nội khuất dần trong bóng đêm cuối phố.
*
Buổi chiều chập choạng tối. Xe bị hỏng máy. Tôi ghé vào một tiệm sửa bên đường. Trong lúc ngồi đợi, trước mắt tôi xuất hiện một bà lão trong bộ bà ba lam, vai đeo túi xách nhỏ. Thấy bà quen quen, tôi định hỏi thăm, nhưng bà nhanh nhẹn hỏi tôi:
– Cháu đi đâu về thế? Xe bị hỏng hả?
Qua câu hỏi của bà, nhìn vào dáng dấp của người đối diện, tôi nhận ra ngay, đây là bạn của nội. Tôi vồn vã nắm lấy tay bà hỏi thăm:
– Bà đi đâu thế? Bà vẫn khỏe chứ? Có phải bà là…
Tôi bỏ lửng câu nói nửa chừng, bà tiếp ngay:
– Cháu không nhận ra bà à? Bà là bạn đi chùa tụng kinh với bà nội của cháu đây!
Nghe bà nói, tôi không cầm được xúc động, hỏi:
– Trời gần tối rồi, bà đi đâu thế?
– Giờ này bà bán được lắm cháu ạ! Còn mấy tấm nữa, bà đi một xí là bán hết ngay. Phải tranh thủ để kịp giờ tụng kinh. Bỏ một bữa là tiếc lắm, cháu ạ!
Đến đây tôi đã hiểu rõ việc làm của bà. Tôi thầm phục đức tính tinh cần hiếm thấy của một bà lão bán vé số đối với các thời tụng kinh hàng đêm ở chùa. Dù nắng hay mưa bà cũng không bỏ sót một thời công phu nào. Tôi quay sang hỏi:
– Bà còn vé không? Bà bán hết cho con để kịp đi chùa!
Gương mặt bà lão tươi hẳn lên. Tay bà run run đưa xấp vé số về phía tôi như thầm cảm ơn. Tôi đón nhận xấp vé, như đón nhận tấm gương tinh tấn, không biết mệt mỏi trong việc tu học.
Thầm cảm phục đức tánh tinh cần của bà lão, tôi chợt nhớ đến câu thi kệ:
“Tinh cần luôn tiến bước,
Không thối thất từ tâm,
Chư Phật thành Chánh giác,
Tinh tấn mẹ pháp lành”.
Trường Khánh