Thận trọng với lời ăn tiếng nói

Làm “người của công chúng” không đơn giản chút nào

GN – Vừa qua, dư luận xôn xao chuyện người mẫu Trang Trần bị công an bắt vì tội chống người thi hành công vụ. Cụ thể hơn, có một clip được tung lên mạng cho thấy rõ cô Trang Trần đã chửi tục khi tiếp xúc với các anh công an về vụ xử phạt xe hơi của cô đi vào đường ngược chiều. Sau khi đã giải thích, nhận lỗi, Trang Trần được thả ra, coi như xếp lại một “vụ án”. Tuy nhiên, dư âm còn lại vẫn chưa nguôi, và đặt ra vấn đề ứng xử thế nào cho đúng trong một xã hội văn minh.

Nhiều người quen biết Trang Trần thì thông cảm cho cô, bởi họ biết cô tính tình thẳng thắn, tốt bụng, hay giúp người, chỉ tội “cái miệng” ăn nói khá bỗ bã. Nhiều khán giả xem tivi có chương trình truyền hình thực tế cũng phản ánh cách ăn nói của cô. Từ đó chợt suy nghĩ, hình như làm “người của công chúng” không đơn giản chút nào. Nghệ sĩ, hoặc những người làm văn hóa, hoặc giới trí thức, có lẽ nên rút kinh nghiệm từ chuyện Trang Trần.

Thực tế hiện nay rất nhiều văn nghệ sĩ, nhiều công chức có thói quen chửi thề, nói tục không hề ngượng miệng. Chửi thề như một cách để chứng minh ta đây “từng trải”, “sành điệu”, “có uy”. Ừ thì có thể lúc anh ta gặp sự cố với một kẻ hung hăng, anh ta chửi thề để kẻ kia “ngán”, thì còn hiểu được. Đằng này, anh ta ngồi với bạn bè trí thức, thậm chí phụ nữ, mà cứ chửi thề, thì không sao lý giải được. Có người quen miệng tới mức câu nói nào cũng có “từ đệm”, nghe khó chịu vô cùng.

Còn chuyện nói tục thì ôi thôi, trong giới nghệ sĩ và trí thức vẫn đầy dẫy. Đầu tiên là kể chuyện “tiếu lâm mặn”, toàn chuyện tục nhưng úp úp mở mở, ai hiểu được thì cười ré lên, khiến không khí buổi họp mặt xôm tụ hẳn ra. Chính vì vậy trong các bữa trà dư tửu hậu thể nào cũng quay về với tiết mục “tiếu lâm mặn”. Ngay cả những người làm nghề giáo viên mà cũng thích món này, tung hứng nhiệt tình. Đôi khi trong bàn tiệc có cả phụ nữ hoặc mấy cô gái, chàng trai chưa lập gia đình, mà họ vẫn vô tư kể chuyện, khiến mấy chị mấy em đó ngượng chín cả mặt. Đi xa hơn, có người còn nói hẳn ra những từ ngữ của các bộ phận nhạy cảm, rồi xúm nhau cười như nắc nẻ. Nhiều lần, tôi bắt gặp các em phục vụ bưng bê trong nhà hàng tròn xoe mắt nhìn những vị khách thốt ra những từ ngữ ấy, bởi những vị khách đó toàn giới trí thức và nghệ sĩ mà các em từng ngưỡng mộ. Tôi đọc được trong mắt các em sự kinh ngạc, rồi bắt đầu nheo nheo lại như coi thường, hoặc ý gì đó khó diễn tả lắm. Nhưng nói chung, không phải là ánh mắt kính trọng, ngưỡng mộ nữa. 

Tôi thường đi dự các buổi họp mặt đó, có khi vì tình cảm, có khi vì xã giao, nhưng tới màn “tiếu lâm mặn” là tôi không tham gia, cũng không cười, giả vờ bấm bấm điện thoại. Tôi cho rằng, người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa thì tối thiểu nên giữ nét văn hóa khi xuất hiện trước đám đông. Có thể bụng dạ anh tốt, nhưng chửi thề và nói tục đã làm anh “mất điểm” rất nặng. Riêng những người Phật tử như tôi, thì càng nên ý thức vấn đề khẩu nghiệp. Trong kinh Thập thiện có nói đến bốn nghiệp của miệng, trong đó có phần “không nói tục tĩu”. Lời nói gió bay, tưởng không làm hại ai, nhưng thực ra nó huân tập vào chủng tử của mình, rồi nghiệp sẽ đưa đẩy mình tái sanh vào những nơi hạ tiện đúng như khẩu khí của mình, đừng hòng làm được người cao quý, trí tuệ nữa. Mà chưa nói tới kiếp sau, chỉ cần kiếp này mình không giữ oai nghi của người con Phật thì người ta đã khinh mình rồi, có phải là “hạ tiện” ngay lập tức hay không? 

Diệu Kim

Thận trọng với lời ăn tiếng nói
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH