Sự dung hợp từ ba vị Tổ Huệ Khả,Huệ Năng và Sơ tổ Trúc Lâm

Nói đến Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ 20 là nói đường hướng tu thiền của tu viện Chân Không (1970-1986) ngày trước, hay của thiền viện Thường Chiếu hiện nay do chúng tôi (Thích Thanh Từ) chủ trương hướng dẫn.
Chúng tôi không theo các tông phái chi nhánh Thiền tông Trung Hoa sau này, như tông Tào Ðộng, Lâm Tế, Qui Ngưỡng, Vân Môn, Pháp Nhãn. Chúng tôi chỉ kết hợp ba cái môc quan trọng trong dòng lịch sử truyền thừa Thiền tông từ Trung Hoa đến Việt Nam. Mốc thứ nhất là Nhị tổ Huệ Khả, mốc thứ hai là Lục tổ Huệ Năng, mốc thứ ba là Sơ tổ Trúc Lâm. Hòa hội chỗ thấy, chỗ ngộ và sự ứng dụng tu hành của ba vị Tổ này thành phương pháp tu thiền trong các Thiền viện chúng tôi.

 

Tranh: Tổ Huệ Khả  cầu “pháp an tâm”  với Tổ Bồ Đề Đạt Ma

Tổ Huệ Khả (494-601)
Sau khi ngài Huệ Khả được Tổ Bồ-đề-đạt-ma (Bodhidharma) nhận làm đệ tử mà lòng vẫn còn thao thức, tại sao tâm mãi lăng xăng trong lúc ngồi thiền. Một hôm đến trước Tổ, Ngài bạch: “Bạch Hòa thượng, tâm con chẳng an, xin Hòa thượng dạy con  pháp an tâm”. Tổ Ðạt-ma nhìn thẳng, bảo: “Ðem tâm ra ta an cho”. Ngài sửng sốt quay lại tìm tâm, không thấy bong dáng, bạch Tổ: “Con tìm tâm không được”. Tổ bảo: “Ta an tâm cho ngươi rồi”. Ngay đây, ngài Huệ Khả biết được đường vào.
Chỗ biết được đường vào của ngài Huệ Khả là một pháp tu mà không có pháp. Bởi vì từ xưa đến nay, tất cả chúng ta đều nhận cái suy nghĩ phân biệt lăng xăng là tâm của mình, ngài Huệ Khả cũng chung một thông lệ ấy. Cho nên ngồi lại tu, muốn cho tâm an mà nó không chịu an, khiến chúng ta rất khổ sở về vấn đề này. Cầu pháp an tâm là điều cấp thiết của người quyết chí tu hành. Ở đây Tổ Ðạt-ma không dạy phương pháp gì, ngài chỉ bảo “Ðem tâm ra ta an cho”. Câu này là một tiếng sấm dẹp tan mê lầm muôn thuở của ngài Huệ Khả.

Bình thường chúng ta nhận cai hay suy nghĩ là tâm của mình, chịu sự sai sử lôi kéo của nó. Bất thần chúng ta tìm lại nó thì nó mất tăm mất dạng. Khi nó không còn tăm dạng thì không an là gì? Cho nên Tổ nói “Ta an tâm cho ngươi rồi”. Ngài Huệ Khả sáng ý nhận ra được lẽ này nên biết đường vào. Như vậy, Tổ Ðạt-ma có dạy phương pháp gì an tâm không? Nếu không, tại sao ngài Huệ Khả biết đường vào? Rõ ràng pháp an tâm mà không có pháp, chỉ xoay ánh sáng trí tuệ soi rọi xem cái tâm bất an ấy thế nào thì nó biến mất. Thuật ngữ nhà Thiền gọi là “Hồi quang phản chiếu”. Chúng tôi gọi “Biết vọng không theo”. Chính đây là “Biết được đường vào” của ngài Huệ Khả.

Tại sao nhà Thiền không chấp nhận cái tâm suy nghĩ so tính ấy? Bởi vì, nếu chấp nhận nó làm tâm mình sẽ mắc phải những lầm lỗi như sau:
1. Cái tâm suy nghĩ ấy khi có khi không, còn chúng ta thì lúc nào cũng hằng hữu. Nếu chấp nhận nó là mình thì khi không suy nghĩ là không có mình sao?
2. Bình thường nó suy nghĩ lăng xăng, khi nhìn lại tìm kiếm nó thì mất tăm mất dạng. Nếu nó là thật mình thì lúc nào cũng phải có. Trái lại khi tìm thì mất, chẳng qua nó chỉ là bóng dáng mà thôi. Chấp nhận cái bóng làm mình thì thật là đau khổ cho con người.
3. Chúng ta ai cũng thừa nhận mình trước sau vẫn là mình, mình là một từ bé đến già. Thế mà, tâm suy nghĩ ấy lại trăm ngàn thứ, có khi nghĩ lành như Hiền Thánh, có khi nghĩ dữ như cọp sói… thì cái nào là mình?
4. Lúc đang suy nghĩ, chúng ta biết mình đang suy nghĩ, lúc không suy nghĩ biết không suy nghĩ. Cái suy nghĩ ấy là đối tượng bị biết của chúng ta. Ðã là đối tượng tức là khách, là cái bên ngoai không phải mình. Nếu cái suy nghĩ là thật mình, lúc không suy nghĩ, ai biết không suy nghĩ? Ðã có cái biết lúc không suy nghĩ thì làm sao nhận cái suy nghĩ làm mình được?
Cái không phải mình mà lầm nhận là mình, trong kinh Phật gọi là “Nhận giặc làm con”, tai họa không thể lường được. Cho nên bao nhiêu kinh điển, bao nhiêu pháp tu, Đức Phật đều dạy xoay quanh cái trục “Chặn đứng tâm suy nghĩ lăng xăng này”. Tụng kinh phải nhiếp tâm, niệm Phật phải nhất tâm, tọa thiền phải định… Song đặc biệt là Thiền tông, chư Tổ không dùng phương tiện để đè bẹp, để ngăn chặn nó, mà dùng trí biết rõ bản chất không thật của nó thì nó hết tác quái. Chính câu “Ðem tâm ra ta an cho” của Tổ Ðat-ma đủ thể hiện ý nghĩa này.
“Biết đường vào” chưa phải là kẻ đến nhà, phải trải thời gian lâu xa, ngài Huệ Khả mới bạch với Tổ Ðạt-ma: “Từ đây trở đi con dứt hết các duyên”. Tổ Ðạt-ma bảo: “Chớ rơi vào đoạn diệt”. Huệ Khả thưa: “Không rơi”. Tổ Ðạt-ma hỏi: “Con làm thế nào?” Huệ Khả thưa: “Con thường biết rõ ràng, nói không thể đến”. Tổ Ðạt-ma dạy: “Ðây là chỗ truyền của chư Phật, chớ nên hoài nghi”. Ðến đây mới thật là người về tới nha, không còn nghi ngờ gì nữa.
Khi Tổ Ðạt-ma sắp tịch,  hỏi lại chỗ sở ngộ của các đồ đệ, đến lượt Huệ Khả, Ngài chỉ bước ra đảnh lễ ba lạy rồi lui. Tổ Ðạt-ma nói: “Ông được phần tủy của ta”. Ðến chỗ cứu kính không còn ngôn ngữ để trình bày, vì ngôn ngữ là phương tiện tương đối, không thể diễn tả được cái chân thật tuyệt đối. Từ đó ngài Huệ Khả được truyền y bát làm Tổ thứ hai ở Trung Hoa.

Tượng Lục Tổ Huệ Năng

Tổ Huệ Năng (638-713)
Chỗ sở ngộ của Tổ Huệ Năng là do nghe kinh Kim Cang Bát-nhã. Sau khi được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn cho vào thất và nghe giảng kinh Kim Cang đến đoạn Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi: “Khi phát tâm cầu Vô thượng Chánh giác, làm sao an trụ tâm?” Phật đáp: “Chẳng nên trụ sắc, chẳng nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm kia; nên không chỗ trụ mà sanh tâm ấy”. Ngài đại ngộ kêu lên: “Ðâu ngờ tánh mình vốn tự thanh tịnh! Ðâu ngờ tánh mình vốn không sanh diệt! Ðâu ngờ tánh mình vốn tự đầy đủ! Ðâu ngờ tánh mình vốn không dao động! Ðâu ngờ tánh mình hay sanh muôn pháp!”. Ngũ Tổ bảo: “Chẳng biết Bản tâm học pháp vô ích, nếu nhận được Bản tâm mình, gọi là Trượng phu, Thiên nhân sư, Phật…”. Thế là Ngài được Ngũ tổ truyên y bát làm Tổ thứ sáu.
Qua câu chuyện ngộ đạo của Lục tổ, chúng ta thấy từ lý Bát-nhã không cho sáu căn dính mắc (trụ) với sáu trần là phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Lục tổ không dừng ở chỗ không dính mắc, ma nhảy vọt vào Thể tánh thanh tịnh, bất sanh bất diệt của chính mình. Chính Thể tánh này gọi là Pháp thân hay Bản lai diện mục, đã có sẵn từ vô thủy nơi tất cả chúng ta. Thấy tột chỗ này và sống được với nó là Ðốn ngộ, là Kiến tánh. Bản thân Lục tổ được như vậy, song khi dạy người Ngài cũng có phương tiện.

Lục tổ vì phương tiện lập Tam vô: Vô niệm làm tông, Vô tướng làm thể, Vô trụ làm bổn. Theo Lục tổ giải: Ðối trên các pháp mỗi niệm không trụ, tức là không phược, đây là lấy Vô trụ làm gốc. Ngoài lìa tất cả tướng gọi là Vô tướng, hay lìa tướng tức là pháp thể thanh tịnh, đây là lấy Vô tướng làm thể. Ðối trên các cảnh tâm không nhiễm, gọi là Vô niệm (Kinh Pháp Bảo Ðàn, phẩm Ðịnh Huệ). Không nhiễm các pháp, không kẹt các tướng, không dính mắc các pháp, đây là chủ trương của Lục tổ. Không nhiễm, không kẹt, không dính, ngay khi tiếp xúc với sáu trần là thiền định. Không phải chạy trốn cảnh trần, rồi sau tâm mới an định như các lối thiền  định khác.

Tháp Huệ Quang thờ sơ tổ Trúc Lâm ( Yên tử)

Sơ tổ Trúc Lâm (1258-1308)
Vua Trần Nhân Tông lúc còn làm Thái tử đã thông suốt Thiền tông do sự giáo dục của Tuệ Trung Thượng sĩ. Sau khi bỏ ngôi đi xuất gia, lấy hiệu là Hương Vân Ðại Ðầu-đà, Ngài hòa hội các phái thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Ðường đã truyền bá trên đất nước Việt Nam, lập thành phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. Ðây là phái thiền hoàn toàn Việt Nam. Ở đây chúng tôi chỉ chắt lọc một vài nét nổi bật trong sự chỉ dạy của Ngài để làm tiêu chuẩn, đó là bài kệ Hữu Cú Vô Cú:
Hữu cú vô cú 
Ðằng khô thọ đảo 
Cơ cá nạp tăng
Chàng đầu khái não. 
Hữu cú vô cú 
Thể lộ kim phong 
Hằng hà sa số 
Phạm nhẫn thương phong. 
Hữu cú vô cú 
Lập tông lập chỉ  
Ðả ngỏa toản qui
Ðăng sơn thiệp thủy. 
Hữu cú vô cú 
Phi hữu phi vô 
Khắc chu cầu kiếm 
Sách ký án đồ.
Hữu cú vô cú
Hỗ bất hồi hỗ
Lạp tuyết hài hoa 
Thủ chu đãi thố.  
Hữu cú vô cú
Tự cổ tự kim 
Chấp chỉ vong nguyệt
Bình địa lục trầm.
Hữu cú vô cú  
Như thị như thị  
Bát tự đả khai 
Toàn vô bả tỹ.
Hữu cú vô cú  
Cố tả cố hữu   
A thích thích địa  
Náo quát quát địa.
Hữu cú vô cú 
Ðao đao phạ phạ  
Tiệt đoạn cát đằng  
Bỉ thử khoái hoạt.
Phiên dịch:
Câu có câu không
Bìm khô cây ngã
Mấy kẻ nạp tăng
U đầu sứt trán.
Câu có câu không
Thể bày gió thu
Hằng hà sa số
Va đao chạm bén.
Câu có câu không
Lập tông lập chỉ
Ðập ngói dùi rùa
Trèo non lội nước.
Câu có câu không
Chẳng có chẳng không
Khắc thuyền mò kiếm
Tìm ngựa bản đồ.
Câu có câu không
Hồi hỗ hay không
Nón tuyết giày hoa
Ôm cây đợi thỏ.
Câu có câu không
Tư xưa tự nay
Nhìn tay quên trăng
Ðất bằng chết chìm.
Câu có câu không
Như thế như thế
Chữ bát mở ra
Sao không nắm mũi.
Câu có câu không
Ngó tả ngó hữu
Lau chau mồm mép
Ồn ào náo động.
Câu có câu không
Ðau đáu lo sợ
Cắt đứt sắn bìm
Ðó đây vui thích.

Qua bài kệ này chúng ta thấy Ngài phản đối cái chấp hai bên biểu trưng bằng Có và Không. Song cái chấp hai bên có vô số loại: có không, phải quấy, hơn thua, tốt xấu, thắng bại, hay dở, lành dữ v.v… Chính cái chấp hai bên là mầm tranh đấu, là nhân phiền não, kết quả khổ đau không thấy chân lý.
Cho nên 9 đoạn trong bài kệ này, Ngài vừa quở trách, vừa chỉ dạy rất đầy đủ. Như đoạn một: “Mấy kẻ nạp tăng, u đầu sứt trán”, đoạn hai: “Hằng hà sa số, va đao chạm bén”, đoạn ba: “Ðập ngói dùi rùa, trèo non lội nước”, đoạn bốn: “Khắc thuyền mò kiếm, tìm ngựa bản đồ”, đoạn năm: “Nón tuyết giày hoa, ôm cây đợi thỏ”, đoạn sáu: “Nhìn tay quên trăng, đất băng chết chìm”, đoạn bảy: “Chữ bát mở ra, sao không nắm mũi”, đoạn tám: “Lau chau mồm mép, ồn ào náo động”, đoạn chín: “Cắt đứt sắn bìm, đó đây vui thích”.
Ðoạn một và hai, Ngài quở người chấp hai bên là tự chuốc khổ vào mình. Ðoạn ba và bốn, Ngài chê kẻ chấp hai bên là dại khờ, chỉ nhọc nhằn luống công. Ðoạn năm và sáu, Ngài trách những phương tiện tạm bợ mà người vì cố chấp hai bên nên không thấy chân lý. Ðoạn bảy và tám, Ngài chỉ thẳng chân lý ngay trước mắt như lỗ mũi nằm sẵn dưới chân mày mà người ta không nhận, cứ lý luận ồn ào vô ích. Ðoạn chín, Ngài nói ai dứt chấp hai bên mới thật vui thích. Ngay đoạn chín này hẳn là chỗ Nhị tổ trình kiến giải bằng ba lễ mà không có một lời. Không kẹt hai bên là căn bản của Thiền tông, cũng chính là cốt tủy của Phật giáo.
Lại một bài kệ kết thúc bài phú “Cư Trần Lạc Ðạo” của Sơ tổ Trúc Lâm là cô đọng những gì Lục tổ đã thấy và ứng dụng:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Ðối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Ðói đến thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu, thôi tìm kiếm
Ðối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.

Chỉ hai câu chót trong bài kệ cũng đủ kết thúc chỗ sở ngộ và mục tiêu dạy tu hành của Lục tổ một cách kỳ diệu. Thấy hòn ngọc sẵn có trong nhà, chính là chỗ Lục tổ thốt lên “Ðâu ngờ tánh mình vốn tự thanh tịnh!…” Thiền là đối cảnh không tâm thì làm gì có niệm nhiễm, là vô niệm; không tâm thì đâu kẹt cảnh bên ngoài, là lìa tướng tức vô tướng; không tâm thì lấy gì để dính mắc, là vô trụ. Một câu kết này đã bao gồm cả Vô niệm, Vô tướng, Vô trụ hay Tông, Thể, Bổn của Lục tổ dạy. Thiền là đối cảnh không nhiễm, không kẹt, không mắc, chính đây là chủ trương của Lục tổ. Ngài Trúc Lâm Ðầu-đà đã ứng dụng tuyệt vời chỗ thấy của Nhị tổ, chỗ ngộ và hành của Lục tổ. Chúng ta là kẻ hậu học, tự hãnh diện ở Việt Nam xuất phát một phái thiền trọn vẹn mang dấu ấn của chư Tổ tiền bối và dung hội tài tình đường lối tu hành của người xưa, làm kim chỉ nam cho hành giả Việt Nam chúng ta.

DUNG HỢP
Chúng tôi dung hợp pháp tu của ba vị Tổ trên thành một lối tu cụ thể như sau:
* Nơi Nhị tổ, chúng tôi ứng dụng pháp an tâm. Nghĩa là biết rõ tâm suy tưởng lâu nay là hư ảo, không để nó đánh lừa, lôi dẫn chúng ta chạy theo trần cảnh, nên nói “Vọng tưởng không theo”. Mỗi khi nó dấy lên đều biết rõ như vậy. Một khi hành giả nhận diện bản chất hư ảo của chúng thì chúng tự biến mất. Khi tọa thiền cũng như lúc tiếp duyên xúc cảnh đều thấy rõ, không lầm chúng. Ðến bao giờ được như Nhị Tổ nói “Ðoạn hết các duyên mà rõ ràng thường biết, nói không thể đến là đạt kết quả”.
Tuy nhiên vọng tưởng này không phải dễ lắng, dứt cái này khởi cái khác liên miên không dừng. Hành giả phải bền chí theo dõi, soi sáng mãi chúng mới từ từ thưa dần. Nhận vọng tưởng hư ảo làm tâm mình là mê lầm, biết vọng tưởng hư dối không thật là tỉnh giác. Lối tu này là dùng “cái dụng của trí để phá si mê”, chớ không có pháp gì dùng để đè bẹp, nên nói “pháp an tâm mà không có pháp”. Khi hết si mê vọng tưởng lặng thì trí dụng cũng dừng, như trong mười mục chăn trâu, khi trâu mất thì người chăn cũng không còn. Trí dụng hết đối trị, liền hội nhập trí thể.
* Với Lục tổ, chúng tôi ứng dụng sáu căn không dính mắc sáu trần làm hướng tiến tu. Ðó là câu “Bất ưng trụ sắc sanh tâm…” trong kinh Kim Cang được Ngũ tổ giảng cho Lục tổ. Nhưng làm sao căn không dính trần? Ðương nhiên phải dùng trí tuệ Bát-nhã quán chiếu, thấy các pháp duyên hợp hư dối như huyễn như hóa. Vì thế trong kinh Pháp Bảo Ðàn, sau phẩm Hành Do là đến phẩm Bát-nhã. Nhờ trí tuệ Bát-nhã soi rọi thấy rõ các pháp duyên sanh, không có chủ thể (vô ngã), không cố định (vô thường) nên tâm không nhiễm trước sắc… do đó căn, cảnh không dính mắc nhau. Căn, cảnh không dính mắc nhau là Vô niệm, Vô tướng, Vô trụ, đó là chủ trương của Lục tổ.
Lại có một cách khác, nếu hành giả kiến tánh như Lục tổ, hằng sống với Thể tánh bất sanh bất diệt của mình thì còn gì bận bịu với vọng tưởng hư dối, với sáu trần giả hợp. Ði đứng nằm ngồi không lúc nào rời Tự tánh chính mình. Ðược thế thì ung dung tự tại, nên nói “đói ăn khát uống”.
* Ðến Sơ tổ Trúc Lâm, trong bài kệ “Câu Có Câu Không”, đoạn thứ tư nói “Nón tuyết giày hoa, ôm cây đợi thỏ”, là tinh thần Bát-nhã của Lục tổ. Các pháp hư giả như nón tuyết, như đôi giày bằng hoa, tạm có rồi tan mất, mới thấy đẹp rồi héo xàu, có gì lâu bền. Nếu chấp giữ nó là người ngu, như kẻ “ôm cây đợi thỏ”. Toàn thể pháp đối đãi đều không thật, do phương tiện bày lập, giống như dây sắn dây bìm, một phen cắt đứt chúng mới là an vui tự tại. Ðấy là tinh thần hai câu kết của bài kệ “Cắt đứt sắn bìm, đó đây vui thích”. Vừa dấy niệm là đối đãi, vừa thốt lời là đối đãi, nếu dứt hết đối đãi thì còn niệm nào để khởi, còn lời gì để nói. Ðây là hằng sống thật với thiền.

Phần sau ở hai câu kệ “Trong nhà có báu thôi tìm kiếm. Ðối cảnh không tâm chớ hỏi Thiền”, là hình ảnh Lục tổ thốt lên “Ðâu ngờ tánh mình vốn tự thanh tịnh!…”. Thấu triệt tánh mình như thấy hòn ngọc quí vô giá có sẵn trong nhà, còn gì phải tìm kiếm đâu xa. Thấy tánh mình thanh tịnh, chẳng sanh chẳng diệt, so với thân vô thường tạm bợ và tâm vọng tưởng hư ảo thì thân tâm này còn có giá trị gì. Trong không chấp thân, không chấp vọng tưởng làm mình, ngoài đối cảnh không còn dính mắc, chính đây là chủ yếu của Thiền tông, cũng là cội nguồn của Phật pháp. Ở đây chúng tôi lấy “Ðôi cảnh không tâm” làm tiêu chuẩn tu hành. Không tâm là không tâm vọng tưởng chạy đuổi theo ngoại trần, chớ chẳng phải không tâm là vô tri vô giác như cây gỗ. Không tâm hư ảo sanh diệt mà vẫn có tâm hằng giác hằng tri, bất sanh bât diệt. Ðây là chỗ giải thoát sanh tử của người tu Phật.
Nhị tổ Huệ Khả sau khi ngộ đạo vẫn được Tổ Ðạt-ma giới thiệu bốn quyển kinh Lăng-già để ấn tâm. Lục tổ Huệ Năng nghe giảng kinh Kim Cang ngộ đạo. Thế là đủ minh chưng Thiền tông không rời Kinh, vì Thiền là tâm của Phật, Kinh là miệng của Phật. Ðức Phật tâm miệng không khác thì Thiền và Giáo làm sao tách rời được. Cho nên chúng tôi chủ trương “Thiền, Giáo đồng hành”.
Ðể thấy rõ nét lối dung hợp pháp tu qua ba vị Tổ trên, chúng tôi cô đọng lại bằng những lối tu:
1. Biết vọng không theo, vì vọng tưởng là những tâm niệm hư ảo.
2. Ðối cảnh không tâm, vì nó là tướng duyên hợp giả dối tạm bợ.
3. Không kẹt hai bên, vì đối đãi là không thật.
4. Hằng sống với cái thật, không theo cái giả, vì giả là luân hồi, thật là giải thoát.
Ðây là bốn phương tiện chúng tôi tạm lập để hướng dẫn người tu. Tùy theo căn cơ trình độ nhanh chậm, cao thấp của hành giả mà lối ứng dụng có khác. Cũng có thể bốn lối tu này, hành giả linh động ứng dụng theo thứ tự từ pháp thứ nhất đến pháp thứ tư để tu hành cũng tốt. Những nét cô đọng trên là kết thúc bài này của chúng tôi. 

(Trích trong Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ 20, Thích Thanh Từ, 1998, tr. 46-61)

Sự dung hợp từ ba vị Tổ Huệ Khả,Huệ Năng và Sơ tổ Trúc Lâm
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH