Tháp Tường Long (Đồ Sơn-Hải Phòng) sẽ được phỏng dựng theo kiến trúc thời Lý dựa trên dấu nền và các di vật đã xuất lộ qua 3 đợt khảo cổ từ 1978 đến nay. Ngày 21/6, Viện Khảo cổ học đã có báo cáo kết quả và đưa ra những đề xuất mới về ngôi tháp Tường Long này.
Bảo vệ dấu móng kè tháp cổ…
2 phương án phỏng dựng tháp Tường Long.
Hai lần khai quật khảo cổ trước (năm 1978 và năm 1998) chỉ mới tìm thấy nền móng của ngôi tháp cổ xây bằng gạch, có kết cấu ba tầng giật cấp, tầng dưới cùng có kích thước 7.86m x 7.86m. Khi dự án phỏng dựng, tôn tạo tháp Tường Long, chùa Tháp được phê duyệt và đưa vào danh mục các công trình hoàn thành kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, quận Đồ Sơn đã chủ động đề nghị nghiên cứu, khai quật tìm kiếm dấu tích nền chùa (chùa Vân Bản – chùa Tháp), xác định dấu tích khảo cổ học tại vị trí dự kiến sẽ xây dựng chùa Tháp, phỏng dựng tháp Tường Long và bổ sung các nguồn tư liệu phục vụ cho việc phỏng dựng.
Móng kè bảo vệ tháp Tường Long.Mục tiêu tìm dấu tích nền chùa Vân Bảo – chùa Tháp đã không thành công. Các hố khai quật thăm dò đặt xung quanh nền móng tháp Tường Long và ngôi chùa hiện tại đã tìm thấy một số đoạn móng kè bằng đá rất kiên cố, chắc chắn, có lẫn gạch, sành, sứ thời Lý (vật liệu xây dựng tháp Tường Long được dùng lại), nên không thể là dấu tích chùa. Tạm thời, đoàn khai quật dự đoán đây là lớp móng kè hình thành vào thời Trần, hoặc thời Lê, với mục đích bảo vệ nền móng tháp Tường Long.
Cũng không tìm thấy dấu tích khảo cổ nào tại vị trí dự kiến phỏng dựng tháp Tường Long, nhưng trong không gian khá rộng định xây dựng ngôi chùa mới thì có một số hố khai quật xuất hiện dấu tích kè móng. Để bảo vệ dấu tích khảo cổ học này, Viện Khảo cổ học đề xuất ngôi chùa mới nên lùi vị trí một chút về phía đông hoặc nếu bất khả kháng thì phải gia cố tốt nền móng bên trên khi xây chùa để bảo vệ nguyên trạng dấu tích KCH ở dưới.
Riêng với mục tiêu tìm thêm nguồn tư liệu phục vụ cho việc phỏng dựng tháp Tường Long, lần khai quật này đã xác định được quy mô của móng kè bảo vệ tháp Tường Long thời Lý, đã tìm thấy rất nhiều các vật liệu xây dựng tháp, chủ yếu làm từ đất nung như gạch xây có in chữ “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” (1057), các loại gạch trang trí, gạch thỏi, ngói hoa sen nhiều kích cỡ (có thể dự đoán dùng để lợp cho các tầng khác nhau), và rất nhiều các vật trang trí (Phượng chầu, mảnh vỡ của con Kinnari, uyên ương…). Chỉ có một số ít vật liệu bằng đá như đá núi để kè móng, đá xây tháp có chạm hình rồng, lá đề bằng đá…
Những dấu chỉ ít ỏi
Mô hình tháp Lý tại Hoàng thành Thăng Long (ảnh trái) và gạch xây tháp Tường Long.
PGS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện KCH, cho biết: từ tư liệu thư tịch cổ đến hiện trạng khai quật cho chúng ta rất ít thông tin về tháp Tường Long. Chỉ phần chân đế tháp 3 tầng là bằng chứng xác thực nhất, còn việc xác định dáng hình, chiều cao, kết cấu tầng tháp đều không có bằng chứng xác thực. Lượng hiện vật dù rất nhiều nhưng chỉ là những mảnh vỡ, không thể hình dung chính xác về ngôi tháp Tường Long ngày xưa.
Chính vì thế nên chỉ có thể phỏng dựng tháp Tường Long dựa trên các nguồn tư liệu ít ỏi về tháp xây thời Lý: tháp Chương Sơn, Long Đọi (Hà Nam), tháp chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Theo đó, tháp thời Lý đều là tháp thờ Phật có phẩm tước cao nhất, loại tháp cao nhiều tầng, là những công trình do nhà vua xây dựng, có kích thước khá lớn với chân đế hình vuông, và đều được trang trí hoa văn rất tinh tế phủ kín mọi diện tích kể cả sân nền tháp với các đề tài phong phú (Apsara, Kinnari, phượng, rồng, uyên ương, hoa sen, hoa cúc, sóng nước, mây trời…).
Từ những dấu tích tìm thấy tại di chỉ Tường Long, PGS Tống Trung Tín cho biết: Đã tìm thấy mảnh tượng Phật giống của chùa Phật Tích, đã kết luận vật liệu xây dựng chủ yếu bằng đất nung. Quy mô chân đế 7.86m, móng gối trực tiếp lên phần đá gốc, lớp kè bao ngoài 15.8 m theo đúng kết quả khai quật.
Mặt khác, trên các mảnh gạch thời Lý tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long cũng hé lộ mô hình tháp Lý nhiều tầng, dáng thon cao.
Từ những dấu chỉ ít ỏi như vậy, chỉ có thể xác định tháp Tường Long là ngôi Phật tháp thời Lý, chất liệu gạch là chủ yếu và kích thước móng đã xác định qua dấu nền KCH. Những thông số cơ bản khác như kiến trúc nổi cao bao nhiêu tầng, mái tháp cong như thế nào, các họa tiết chạm trổ, trang trí ra sao… đều không rõ.
Tháp Tường Long 9 tầng hay 13 tầng?
Phù điêu Uyên ương, di vật Tường Long.PGS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện KCH Việt Nam đã “cân nhắc” đề xuất chọn tháp 13 tầng vì đây là tháp thờ Phật phẩm tước cao nhất (theo Niết Bàn kinh), thay vì là 9 tầng theo bài thơ Tháp Sơn hoài cổ (Cửu cấp phù đồ hóa kiếp bôi) có thể chỉ mang tính phiếm chỉ. Chiều cao của tháp được đề xuất theo ghi chép của Đại Nam nhất thống chí là khoảng 100 thước cổ (tương đương 30.30m).
Tháp sẽ có chân đế 3 tầng giật cấp, tầng khám đặt tượng Phật, đỉnh tháp hình bút sen thon chất liệu đồng. Riêng về trang trí, phương án đề xuất lựa chọn vài hoa văn thật đơn giản của thời Lý để trang trí, chứ không mô phỏng chi tiết tất cả trang trí thời Lý vì quá tỉ mỉ, không đủ tư liệu khôi phục được bố cục, đề tài cũng như “thần thái” mỹ thuật Lý càng chỉ gây phản cảm.
Tuy đánh giá cao kết quả khai quật khảo cổ và nhiều đề xuất xung quanh việc phỏng dựng tháp Tường Long, đề xuất về số tầng, chiều cao cũng như trang trí tháp của Viện đã “vấp” phải những phản biện rất mạnh mẽ trong hội thảo. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng không thể trang trí tháp quá sơ sài, mà phải chọn ra những hoa văn tiêu biểu nhất của thời Lý để phục dựng.
Nhà sử học Ngô Đăng Lợi (Chủ tịch Hội Sử học Hải Phòng) ủng hộ phương án 9 tầng theo tư liệu của các nhà sử học Hoàng Xuân Hãn, Phan Huy Chú.
Thượng tọa Thích Quảng Tùng cũng “khẳng định” tháp phải 9 tầng tiêu biểu cho “Cửu phẩm liên hoa”, và khẳng định sẽ trang trí tượng Phật cả 9 tầng tháp, “Tháp sẽ thờ Phật A di đà. Tôi đã đặt làm một bức tượng Phật ngọc ở Myanmar, sẽ là tượng Phật ngọc đặc biệt nhất Việt Nam. Phải phục chế lại các hoa văn họa tiết thời Lý. Chùa Tháp chúng tôi đang xây cũng hoàn toàn theo phong cách, tinh thần của đạo Phật thời Lý, khi Mật tông và Tịnh độ tông thịnh hành“.
TS Lê Đình Phụng thì đề nghị phải tham khảo các tháp Chăm-pa và tháp thời Đường, bởi các công trình tháp của Thăng Long ảnh hưởng văn hóa Chămpa rất mạnh mẽ, sau khi Lý Thánh Tông đánh thắng Chămpa, 5000 nghệ nhân của Chămpa được đưa về Thăng Long, trực tiếp tham gia làm các công trình. Theo ông, tháp Dương Long bằng gạch cao 40 m đã được công nhận là kiến trúc tháp gạch cao nhất Đông Nam Á, còn tháp gạch của Myanmar chỉ cao 12 – 18m, tháp Chămpa cùng niên đại cũng chỉ có tháp Lý Sơn 24m. Vì thế, TS Phụng đề xuất chọn tháp cao 9 tầng, cao khoảng 17 – 18m thì phù hợp hơn.
Riêng GS Hà Văn Khoán “ủng hộ” phương án tháp cao 13 tầng, có đường nét của kiến trúc Chăm pa. Còn nhiều chuyên gia cho rằng chưa thể kết luận về số tầng của tháp, vì cần những cơ sở khoa học vững chắc hơn, như TS Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo.
“Chấp nhận sự phản biện gay gắt”
GS Lưu Trần Tiêu (Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia Việt Nam) còn băn khoăn về cơ sở cho việc phỏng dựng, “Cần khai thác tối đa tư liệu của riêng tháp Tường Long, chứ không thể chỉ xây một ngôi tháp mô phỏng tháp Lý chung chung. Tư liệu lịch sử không nhiều thì phải khai thác tư liệu khảo cổ. Chỉ từ những tư liệu đã có thì chưa thể khẳng định về độ cao, số tầng. Cần nghiên cứu kỹ lưỡng các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng. Về trang trí tháp cũng chỉ nên dùng tối đa những họa tiết có được từ đào khảo cổ ở đây, nhưng không nên đơn giản quá. Chưa kể, xây tháp trên đồi cao (90m), hướng gió mạnh, độ ẩm muối biển cao… nên phải tính toán về kỹ thuật ngay trong quá trình thiết kế để chịu lực tốt, chống sét đánh, chứ không thể xây chỉ theo cảm tính. Dự án bảo tồn tại chỗ nền tháp cổ phải làm song song với việc phỏng dựng tháp mới”.
Phản biện lại những phản biện, PGS Tống Trung Tín “trước sau” vẫn bảo vệ tháp cao 13 tầng, vì chưa khai quật hết đã có hiện vật uyên ương thuộc 12 kích cỡ, đầu ngói hoa sen dùng trang trí cũng đã có 7 kích cỡ, lại đã có thực tế sống là tháp Phổ Minh thờ Phật cao 13 tầng.
Nhà nghiên cứu Trịnh Minh Hiên, người đã tham gia lần khai quật tháp Tường Long trước đây lại “đau đáu” nhiều hơn với việc bảo vệ nền móng tháp Tường Long cổ đã bị phơi sương, phơi nắng bao nhiêu năm. Ông cho biết đã đề xuất phải làm bảo tàng tại chỗ bảo vệ chân tháp từ năm 1998, nhưng không làm được vì thiếu kinh phí. “Không có lý gì chúng ta cứ giữ mãi ngôi chùa cũ và các tăng xê đào trong thời chiến đều đang xâm hại di tích rất nặng. Phải giải quyết “món nợ” với tháp cổ Tường Long, đó mới là gốc gác cần bảo tồn nguyên vẹn”, ông Hiên trăn trở.
Cả Bí thư và Chủ tịch quận Đồ Sơn đều khẳng định sẽ không “bỏ quên” việc bảo tồn tại chỗ tháp Tường Long song song với việc xây dựng tháp. “Chúng tôi cũng không quên mục tiêu tìm chùa Vân Bản – chùa Tháp. Trong quá trình xây dựng chùa, tháp, nếu gặp dấu tích khảo cổ, chúng tôi sẽ dừng lại để báo cáo“, Bí thư Lê Khắc Nam hứa. Còn chủ tịch Hoàng Đình Bình thì rất tha thiết mong các nhà khoa học cho “đáp án” về kiến trúc cũng như trang trí tháp, bởi áp lực thời gian phải hoàn thành kịp dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, bởi chính 1000 năm Thăng Long là duyên may để tháp Tường Long được phỏng dựng. “Trong dự án sơ bộ đã được phê duyệt, chúng tôi đã đề xuất tháp cao 13 tầng, cao 32m“.
GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho rằng: “Không thể dùng kết quả biểu quyết trong trường hợp này, đa số không thể quyết định chân lý” và ông đề nghị: Viện Khảo cổ học, Viện nghiên cứu tôn giáo và Thành hội Phật giáo Hải Phòng phải phối hợp để nghiên cứu đầy đủ tư liệu, đưa ra phương án tối ưu về số tầng và chiều cao của tháp. Dựa vào kết quả khảo cổ học, nhưng đơn vị thiết kế sẽ phải tính toán kỹ lưỡng về điều kiện khí hậu, địa chất… của khu vực để quyết định về mặt công nghệ cho việc phỏng dựng tháp.
Không chỉ tập trung bảo tồn di tích gốc, GS Phan Huy Lê cho rằng cần phải sớm lập quy hoạch tổng thể cho đỉnh Mẫu Sơn (núi Tháp) để tạo sự hài hòa kiến trúc cổ – mới với cảnh quan thiên nhiên. “là công trình phỏng dựng đầu tiên, nên tháp Tường Long sẽ phải chấp nhận sự phản biện gay gắt“, GS Lê thừa nhận.
Khánh Linh ( Vietnam net)