GN – Tôi rất ngưỡng mộ gia đình người bạn vốn là một Phật tử thuần thành. Mỗi sáng trước khi hai vợ chồng anh đi làm, đứa con gái đi học, cả nhà cùng nhau thọ trì một thời kinh ngắn.
Sau khi dâng hương và đảnh lễ Tam bảo trước bàn thờ Phật của gia đình, mọi người ngồi xếp bằng và đọc vừa đủ nghe một bài kinh ngắn, không chuông, không mõ, đọc chậm rãi, khoan thai và thành kính.
Trong ảnh, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đưa con mình tới chùa Quán Sứ (Hà Nội)
trong mùa lễ Vu lan PL.2559. Ông đã ân cần chỉ con mình chắp tay, trang nghiêm lễ Phật – Ảnh: Zing
Buổi tối trước khi gia đình đi ngủ hoặc ai nấy làm việc riêng của mình, cả nhà lại thọ trì một bài kinh ngắn dành cho buổi tối, với nghi thức cũng giống như thời kinh ban sáng. Anh nói: “Phải thường đọc đi đọc lại lời Phật dạy để nhớ thực hành thì Phật pháp mới đi vào cuộc sống của mình, lúc đó mình mới có an lạc”.
Ngày rằm và 30 âm lịch mỗi tháng, người bạn đều đưa con đi chùa lễ Phật, mua sách Phật cho cả nhà đọc. Người bạn cho con tiền và dạy con cúng dường Tam bảo, bố thí cho người ăn xin… Mỗi việc làm người bạn đều giải thích ý nghĩa cho con hiểu và động viên, khuyến khích để sau này con làm nhiều hơn.
Cứ đến khóa tu định kỳ chùa tổ chức cho lứa tuổi thanh thiếu niên thì người bạn cho con gái tham gia. Anh nói: “Cho con tham gia để được quý thầy, quý cô dạy bảo thêm, đồng thời cũng kết duyên với nhiều bạn bè tốt. Qua các khóa tu, con của mình học được rất nhiều điều bổ ích giúp hình thành những đức tính tốt như: lòng biết ơn, tình yêu thương, biết cư xử tử tế với mọi người, biết bao dung tha thứ, lòng kiên nhẫn, có trách nhiệm đối với bản thân và gia đình, xã hội. Trẻ cũng được dạy biết cách phân biệt đâu là điều tốt nên làm và đâu là điều xấu không nên làm, có nhận thức về luật nhân quả và có niềm tin nơi điều thiện. Nền nếp đạo đức, cách ứng xử của những người xung quanh ảnh hưởng rất nhiều đến chúng”.
Việc giáo dục, định hướng từ nhỏ rất có ích cho trẻ. Tạo cho chúng môi trường sống và học tập, lao động lành mạnh có ý nghĩa rất lớn đối với sự trưởng thành và hoàn thiện nhân cách của chúng về sau. Khi lớn lên chắc chắn chúng trở thành người hữu dụng.
Tôi nghĩ, ngày nay người theo đạo Phật rất nhiều, nếu như ai cũng sống theo lời Phật dạy, ứng dụng Phật pháp vào đời sống thì xã hội sẽ bớt đi những nỗi khổ niềm đau. Nếu mọi nhà đều hướng con em mình theo đời sống đạo đức, trí tuệ của Phật, theo tinh thần từ bi của Phật thì thế hệ tương lai sẽ xây dựng một thế giới tốt đẹp.
Tuy nhiên, đa phần chỉ quan tâm nhiều đến sinh hoạt tín ngưỡng mà không ứng dụng Phật pháp vào đời sống để tìm thấy những giá trị hạnh phúc đích thực và lợi ích cho nhiều người. Đức Phật từ bi lân mẫn đối với tất cả chúng sinh, Ngài đã ban cho chúng sinh rất nhiều “vị thuốc hay” có giá trị trị liệu những nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời. Nhưng phần lớn chúng ta lại quên đi những “vị thuốc hay” này, vì vậy mà không hình thành được “Phật chất” nơi mình, nơi mọi người, không xây dựng được một thế giới tốt đẹp. Tự bản thân mỗi người cũng không tháo gỡ được những khúc mắc trong đời sống, không giải quyết được những vấn đề mang lại nỗi khổ niềm đau.
Là một người mộ đạo Phật, dù Phật tử hay không phải Phật tử, nếu không nghiên cứu giáo điển, không ứng dụng Phật pháp vào đời sống của mình thì vẫn không thấy được giá trị to lớn của đạo Phật. Niềm tin chỉ an ủi, vỗ về, xoa dịu nỗi khổ đau trong nhất thời chứ không xóa bỏ nỗi đau một cách triệt để. Chỉ có trí tuệ và công phu tu tập, hành trì mới tận trừ nguồn gốc của khổ đau.
Hành trì lời Phật dạy là cách duy nhất để đạt được mục đích an lạc hạnh phúc trong hiện tại và mai sau. Vì thế, mọi người cần thực hành, khuyến khích người khác thực hành, dẫn dắt người thân và con em mình thực hành lời Phật dạy để cùng nhau xây dựng một thế giới an vui, hạnh phúc.
Diệu Thể