GN – Ông Nguyễn Tấn Phát, pháp danh Chánh Thành Quy, cư ngụ tại phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Trước đây ông là sĩ quan quân đội, mặc dù gia đình theo đạo Phật nhưng ông ít khi đi chùa, lễ Phật hay tụng kinh. Sau bệnh tai biến, ông nghĩ cuộc đời mình tới đây là chấm dứt nên sớm tối đi chùa lễ Phật, tụng kinh để nhờ chư Phật gia hộ cho ông được đi lại khỏe mạnh chứ không mong cầu gì hơn.
Phật tử Nguyễn Tấn Phát (bìa phải) – Ảnh: CV
Khi không còn làm việc nhà nước nữa, ông lui về trồng sen, hàng ngày nhổ ngó sen đem bán. Mới 52 tuổi, thân thể rất cường tráng, không bệnh hoạn gì, bỗng một hôm đang lúi cúi ở dưới ao để hái sen, chợt nghe trong người không khỏe, ông liền vội vã đi nhanh lên bờ. Vừa lên được tới bờ ao ông cảm thấy xây xẩm mặt mày, liền kêu cứu người làm vườn ở cạnh bên thì ngã quỵ xuống đất. Người nhà đưa ông đi cấp cứu thì mới biết bị tai biến, mang di chứng liệt nửa người, tay chân co quắp, cử động khó khăn. Ông Phát bồi hồi nhớ lại.
Ông bị bệnh tới nay cũng gần 10 năm, hiện tai biến đã vào giai đoạn hai. Ai cũng biết người bệnh tai biến nói năng đã khó huống hồ gì đọc tụng được kinh. Tuy nhiên ông Phát thì lại khác, rất cố gắng để đọc tụng theo các Sư cô. Để theo kịp tiếng tụng kinh với đạo tràng, trước khi chùa khai bộ kinh mới ông thường xin thỉnh một quyển để mang về nhà đọc trước cho thuộc mặt chữ, rồi sau đó vào chùa mới đọc tụng theo kịp mọi người.
Ông Phát còn chia sẻ rằng, nhờ tụng kinh Dược Sư nên ông thấy Đức Phật dạy rất đúng. Có lần ông nằm trong Bệnh viện Chợ Rẫy, dù mê man nhưng ông vẫn cố niệm Phật. Ông nghe như có tiếng người nói thì thầm bên tai và nhắc ông đừng có nhắm mắt lại. Ông mà nhắm mắt lại là đi luôn đấy! Ông hoảng sợ cố mở mắt ra thì mới biết mình đang nằm trong bệnh viện, mọi người xung quanh ai cũng đắp ga trắng. Nửa tỉnh nửa mê, ông cứ nghĩ mình đang từ cõi chết trở về. Nằm một hồi rất lâu sau ông mới định thần biết mình còn sống. Các con ông vui mừng khi thấy ông đã mở mắt và tỉnh lại. Kể từ đó trở đi ông càng tin Phật hơn, ông thấy Phật pháp rất nhiệm mầu, nên hàng ngày ông càng siêng năng tụng kinh niệm Phật.
Mặc dù bệnh tai biến đã ở giai đoạn hai nhưng ông vẫn cảm thấy người rất bình thường, chỉ có là đi lại khó khăn hơn, không còn nhanh nhẹn như ngày xưa. Hàng đêm, ông vẫn chèo chống đạp xe đi đến chùa tụng kinh. Ngày nào mà có khách đến chơi, không đi chùa tụng kinh được, khách ra về thì trời có tối cỡ nào ông cũng mở kinh ra tụng chứ ông không bỏ kinh một ngày nào cả.
Nếu ai mới vào chùa tụng kinh lần đầu, nghe giọng ông đọc kinh thì không ai nghĩ ông là người đang mang trong người chứng bệnh tai biến cả, vì giọng ông tụng đọc rất khỏe, nhiều khi còn to và mạnh hơn cả người không bệnh nữa là khác. Dù thân thể cử động khá khó khăn, người nhà có khuyên can ông thế nào đi nữa, mỗi tối trước 7 giờ là ông phải có mặt ở chùa để xếp kinh kệ cho mọi người tới đọc tụng. Những Phật tử thường đi chùa thấy ông bệnh nhưng rất tinh tấn, ai cũng nói với nhau: Ông Phát bệnh như vậy mà ông còn siêng năng đi chùa tụng kinh nên mình cũng phải cố gắng sắp xếp để mỗi tối đều được đến chùa tu học.
Cẩm Vàng