Nhiều di tích đang bị xâm hại

Hiện trạng không ít di tích tại TPHCM xuống cấp đang là mối quan tâm của nhiều người và các cơ quan chức năng. Thời gian qua, ngành văn hóa TPHCM cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp của các ban ngành hữu quan để tiến hành trùng tu một số di tích. Để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, ngoài những khó khăn về kinh phí, phục dựng di tích, vấn đề đáng quan tâm là ý thức giữ gìn, bảo vệ di tích của người dân vẫn còn kém.

Khu bảo tháp di tích chùa Giác Viên bị người dân biến thành điểm tập kết rác, xà bần, phơi quần áo. Ảnh: MINH AN

Phần lớn các di tích đều nhếch nhác

Di tích Chùa Ông (còn gọi là Nghĩa An hội quán, nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận 5) mỗi ngày phải chịu đựng hàng trăm người và xe nhồi nhét, chen chân nhau ngay trong sân chùa. Không chỉ diễn ra cảnh người xe chen lấn gây ồn ào, nhiều người thiếu ý thức còn bấm còi inh ỏi dù ngay cổng chùa đã có tấm biển ghi “Đề nghị không đậu xe trước cửa chùa”. Cạnh bên chùa là một trường tiểu học, có lối đi riêng, nhưng ngày nào cũng như ngày ấy, các phụ huynh cứ vô tư chen nhau chạy, đậu xe ngay trong khuôn viên chùa để đưa đón con em. Một người giữ xe ở đây cho biết, tình trạng này đã diễn ra từ lâu nay, nhưng không thấy chính quyền địa phương can thiệp để lập lại trật tự chốn tôn nghiêm.

Đến di tích lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (ở quận Bình Thạnh) cũng gặp cảnh nhếch nhác tương tự, thậm chí còn tệ hơn. Trước khu vực cổng lăng trên đường Vũ Tùng là hàng chục hộ dân lấn chiếm, bày biện đủ mặt hàng để buôn bán, rác và nước thải được họ vô tư xả tại chỗ khiến khu vực cổng lăng rất mất vệ sinh. Còn phía đường Trịnh Hoài Đức, ngay khu cổng đã bị người dân chiếm dụng làm bãi giữ xe, cạnh bên là điểm tập kết rác thải của một số tiểu thương chợ Bà Chiểu, rất mất vệ sinh, thường xuyên bốc mùi hôi thối. Khu lăng Lê Văn Duyệt có 4 tuyến đường bao quanh thì cả 4 đoạn đường này đều bị người dân và các phương tiện vây quanh buôn bán và xả rác…

Một trường hợp khác cũng thiếu mỹ quan và gây cảm giác khó chịu cho khách hành hương khi đến thưởng lãm là di tích Việt Nam quốc tự, đường 3-2, quận 10. Án ngữ ngay cổng khu di tích có cả chục mặt hàng bày bán trên xe đẩy, trên lề đường rất lộn xộn. Khách vừa đến cổng khu di tích là ngay lập tức đã bị cánh hàng rong bao vây, chèo kéo, thậm chí đội quân này còn quay sang chửi nhau chí chóe vì… tranh giành khách.

Xâm hại, lấn chiếm bất hợp pháp

Chúng tôi đến di tích chùa Giác Lâm (đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình), ngôi chùa cổ nhất ở TPHCM, vào buổi trưa. Ngôi chùa đã có đến 265 tuổi, hiện vẫn còn lưu giữ 113 pho tượng cổ (được chế tác từ đầu thế kỷ 18), 19 bức hoành phi, 86 câu đối, một số bàn thờ và đồ thờ cổ. Chùa Giác Lâm đã được Bộ VH-TT chứng nhận là di tích lịch sử văn hóa ngày 16-11-1988. Dù đã được nhà chùa dốc sức bảo quản, gìn giữ nhưng ngôi chùa vẫn không tránh khỏi tình trạng xuống cấp, hư hại, một số cột gỗ và pho tượng cổ đã bị mối mọt xâm hại, vỡ nứt… Tuy nhiên, điều tâm tư nhất là từ nhiều năm nay đã xảy ra tình trạng một số người dân xung quanh xâm lấn khuôn viên chùa. Đại đức Thích Từ Trí, Phó trụ trì chùa Giác Lâm cho biết, nhà chùa cố gắng giữ gìn và phát huy giá trị của di tích đã được Nhà nước khoanh vùng bảo vệ nhưng hiện nay vẫn tồn tại 4 căn nhà (phía đường Lạc Long Quân) xây cất với diện tích hàng trăm m2 lấn sâu vào khuôn viên chùa…

Đến di tích chùa Giác Viên (quận 11) mà báo chí đã từng đề cập, chúng tôi chứng kiến tình trạng bị xâm hại, xuống cấp còn nặng nề hơn. Cổng vào chùa chỉ còn đúng 2 trụ xi măng trơ trọi, cạnh đó là khu bảo tháp hoang tàn, người dân xung quanh còn biến khu này thành điểm tập kết rác, vô số các loại xà bần và làm nơi… phơi quần áo.

Trong số các di tích lịch sử văn hóa tại TPHCM, tình trạng bị xâm hại nặng nề nhất có lẽ phải kể đến chùa Phụng Sơn (còn gọi là chùa Gò, tọa lạc trên đường 3-2, phường 2, quận 11). Trao đổi với chúng tôi chiều ngày 6-10, trụ trì chùa Phụng Sơn, Thượng tọa Thích Trí Định cho hay: “Tình trạng người vô gia cư tập trung sinh hoạt, xả rác, trộm cắp, gây mất an ninh trật tự ở chùa trước đây giờ đã bớt đi rất nhiều. Ngoài sự quan tâm của các ban ngành địa phương, một phần nhà chùa cũng linh hoạt, tự tổ chức các hoạt động (hội tương tế từ thiện, bãi xe ban đêm hoàn toàn miễn phí, khu vực cho người dân tập thể dục…) để người dân cùng tham gia và có ý thức bảo quản di tích”. Theo thống kê của UBND quận 11 tại buổi làm việc với đoàn giám sát thuộc Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và các ban ngành của TPHCM, hiện có đến 132 hộ dân đang xây dựng lấn chiếm, cư ngụ bất hợp pháp trên khuôn viên của di tích chùa Gò. Tại buổi làm việc này, UBND TPHCM cũng đã giao UBND quận 11 thực hiện việc khảo sát, lập dự án và có kế hoạch đền bù, giải tỏa di dời các hộ này để giải quyết dứt điểm tình trạng xâm hại di tích trong thời gian sớm nhất.

Minh An – Minh Thư (Sggp)

Nhiều di tích đang bị xâm hại
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH