GN – Từ khi còn là một cậu bé Oanh vũ (đoàn sinh Gia đình Phật tử), mỗi lần đi chùa, tôi rất thích nghe ba hồi chuông trống Bát-nhã.
Không hiểu bản hòa âm chuông trống ấy có điều chi hấp dẫn, chỉ kéo dài khoảng dăm ba phút thôi mà khiến tôi mê mẩn, và mãi đến bây giờ tuổi lục tuần tôi cũng vẫn còn thích nghe bản hòa âm vi diệu ấy.
Một vị thầy thỉnh trống trong nghi thức chuông trống Bát-nhã – Ảnh minh họa
Tuổi thơ tôi gắn liền với ngôi chùa cổ Đông Hà (Quảng Trị) và GĐPT Phước Huệ. Nơi đây, có huynh trưởng nhạc sĩ Hằng Vang, tác giả ca khúc Ánh đạo vàng mà không Phật tử nào không thuộc: “Từ ngàn xưa, vương thành Ca-tỳ-la-vệ/ Tất-đạt-đa, Thái tử con vua Tịnh Phạn…”. Có Huynh trưởng là nhà thơ Phạm Văn Bình đã đóng vai Thái tử Tất-đạt-đa cùng với chị Trâm, huynh trưởng Oanh vũ nữ, đóng vai công chúa Da-du-đà-la, anh chị đã diễn rất hay trong đêm văn nghệ Phật đản năm xưa ở thị xã nhỏ bé ngày ấy. Ấn tượng nhất đối với tôi là bác Giáo đánh đàn nguyệt rất điêu luyện, nhưng đặc biệt hơn cả là tôi thích nghe bác thỉnh trống Bát-nhã.
Thỉnh chuông thì có vẻ dễ, chỉ thỉnh từng tiếng một nhưng thỉnh trống thì khó hơn nhiều, khi thì ba tiếng, khi thì bốn tiếng; hai dùi cùng thức trống một tiếng “tờ-rùm” hơi so le nhưng vẫn tính một. Bắt đầu ba hồi chuông trống Bát-nhã, tiếng chuông ngân vang từng tiếng một rồi nhanh dần. Tiếng trống chậm, to, dứt khoát rồi nhanh dần như thúc giục khách hồng trần mau chóng quay về với Phật. Rồi tiếng trống nhỏ dần và từ từ im bặt giữa thinh không, trả lại sự lặng yên cho đại chúng đang hướng về Đức Từ phụ. Tiếng kinh kệ cất lên như một bản hợp xướng âm thanh trong veo, róc rách như tiếng suối mây hồng đỉnh Ngự xa xăm.
Hồi đó tôi thích nghe ba hồi chuông trống Bát-nhã nhưng chưa biết hết ý nghĩa đầy đủ của tiếng chuông trống diệu kỳ này. Về sau, tôi mới được anh Thường trong đạo tràng niệm Phật giải thích cho tôi hiểu tận tường. Anh cũng giống như bác Giáo ngày xưa, là người thỉnh trống Bát-nhã của khóa tu, anh hiểu rõ ý nghĩa chuông trống.
Chuông trống là những pháp khí tượng trưng cho Chánh pháp. Thỉnh chuông trống theo bài kệ Bát-nhã hội, ai cũng có thể học và làm một cách dễ dàng. Người thỉnh chuông trống vừa đánh vừa nhẩm theo bài kệ như sau:
Bát-nhã hội/ Thỉnh Phật thượng đường/ Đại chúng đồng văn/ Bát nhã âm/ Phổ nguyện pháp giới/ Chúng hữu tình/ Nhập Bát-nhã/ Ba-la-mật môn.
Tạm dịch là:
Hội Bát-nhã/ Thỉnh Phật lên tòa/ Đại chúng đều nghe/ Âm Bát-nhã/ Nguyện khắp pháp giới/ Chúng hữu tình/ Nhập Bát-nhã/ Chứng Ba-la-mật.
Chuông trống Bát-nhã thường dùng trong các lễ lớn của Phật giáo, ngoài ra còn dùng để cung đón chư Tăng.
Từ bé tôi đã thích nghe ba hồi chuông trống Bát-nhã vi diệu ấy, nhưng thật sự chỉ gần đây mới biết rõ ý nghĩa may nhờ có anh Thường, người thỉnh trống Bát-nhã của khóa tu giải thích cho. Giờ đây, khi có ai đó hỏi về ý nghĩa chuông trống Bát-nhã tôi đã có thể giải đáp giúp họ.
Lê Đàn