Nghệ thuật Phật giáo trong mỹ cảm người Việt xưa và nay

Ảnh Minh HọaPhật giáo vào Việt Nam từ đầu Tây lịch  với sự ra đời của trung tâm Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), một trung tâm lớn của Phật giáo lúc bấy giờ.

Theo nhà sư Ðàm Thiên thì: “Xứ Giao Châu có đường thông sang Thiên Trúc. Phật giáo truyền vào Trung Hoa chưa phổ cập đến Giang Ðông mà xứ ấy đã xây ở Luy Lâu hơn 20 bảo tháp, độ được hơn 500 tăng và dịch được 15 bộ kinh rồi”. Phật giáo Việt Nam giai đoạn đầu mang mầu sắc của Phật giáo Tiểu thừa, Nam tông; với Buddha, người Việt gọi là “Bụt” và trong trí tưởng tượng của người dân, “Bụt” như một vị thần, có mặt ở khắp nơi, sẵn sàng xuất hiện cứu giúp người tốt và trừng trị kẻ xấu. Sang thế kỷ IV và V, Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ðại thừa Bắc tông, từ đó Buddha được phiên âm là Phật, thay thế cho “Bụt”, và trở nên quen thuộc với người dân Việt cho đến tận ngày nay. Cùng với sự phát triển của đạo Phật ở Việt Nam là sự ra đời, hình thành, phát triển của nghệ thuật Phật giáo, gắn liền với nhiều triều đại phong kiến, và mang nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau: sự chuẩn mực, lý tưởng của nghệ thuật Phật giáo thời Lý, vẻ khỏe khoắn, hiện thực của nghệ thuật Phật giáo thời Trần, rồi đến sự dung dị, đầy biểu cảm của những thế kỷ sau này. Song dù ở giai đoạn nào, nghệ thuật Phật giáo cũng góp phần bộc lộ mỹ cảm của người Việt, để làm thành nghệ thuật Phật giáo Việt Nam.

Phật giáo là một tôn giáo lớn trên thế giới, khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã được cư dân nông nghiệp lúa nước ở Việt Nam “bản địa hóa”, và từng bước dung hợp với tín ngưỡng sùng bái tự nhiên của văn hóa nông nghiệp. Với người Việt, sự gắn bó với tự nhiên là sự ứng xử lâu dài và bền chặt, người Việt thờ Tứ pháp (mây, mưa, sấm, chớp) và những “lực lượng siêu nhiên” đó được gắn với các nữ thần (bà Dâu, bà Ðậu, bà Tướng, bà Dàn). Phần nào đó có thể nói, tín ngưỡng thờ nữ thần đã tác động đến tinh thần Phật giáo ở Việt Nam, thông qua nét đẹp dịu dàng nữ tính của các pho tượng Phật. Từ pho tượng Adiđà chùa Phật Tích của thế kỷ thứ XI đến những pho tượng của thế kỷ 17. Sau này, vẻ đẹp nữ tính trở thành một tiêu chí thẩm mỹ của Mỹ thuật Phật giáo Việt Nam.
Phật Adiđà là biểu tượng niềm vui sướng loại trừ khổ đau, là siêu lực của lòng nhân từ bác ái. Ở chùa Phật Tích, tượng Adiđà được tạc bằng đá xanh, cao 1,87 m, ngồi trên một khối hộp cao 90 cm. Với nội dung “tâm định”, đó là hình ảnh Ðức Phật thiền định trên một tòa sen,  áo cà sa chảy mềm trên tấm thân, mặt hơi cúi xuống. Phật toát lên vẻ đẹp của sự siêu thoát, từ bi bác ái của giáo lý nhà Phật. Bên cạnh đó có những sắc thái riêng của Việt Nam, mềm mại, tròn trịa, khuôn mặt thanh khiết với vầng trán đều đặn, lông mày mảnh và cong, đôi mắt mơ màng hơi cúi xuống, miệng thoảng một nụ cười kín đáo, gương mặt của Ðức Phật toát lên vẻ đẹp đôn hậu, dịu dàng. Ðặc biệt hơn nữa, là tượng Phật Quan Âm. Quan Âm ở Ấn Ðộ là nam giới nhưng sang đến Việt Nam là Phật Bà. Quan Âm là biểu tượng cho sự cứu vớt nên được các nghệ nhân Việt Nam xây dựng hình tượng Quan Âm với nhiều tay, nhiều mắt mà dân gian vẫn gọi là Phật Bà nghìn tay nghìn mắt. Nhiều mắt để nhìn thấu được nỗi đau của chúng sinh, nhiều tay để có thể cứu vớt chúng sinh khỏi kiếp đời đau khổ. Tượng Quan Âm ở Việt Nam ra đời vào khoảng thế kỷ 16, với những tác phẩm tiêu biểu như Quan Âm chùa Hạ, Quan Âm chùa Ða Tốn, Quan Âm chùa Bối Khê. Những pho tượng này là một sự sáng tạo cao của các nghệ nhân Việt Nam trong việc biểu tượng hóa khát vọng của người dân, đó là sự cứu vớt. Tinh thần đó được hoàn thiện trong vẻ đẹp tạo hình của tượng Quan Âm thế kỷ 17 như: Quan Âm chùa Trăm Gian, Quan Âm Nam Hải chùa Cả,… và đỉnh cao của tượng Quan Âm thế kỷ này là Quan Âm chùa Bút Tháp.
Quan Âm chùa Bút Tháp hay còn gọi là “Quan Âm thiên thủ thiên nhãn” (Quan Âm nghìn tay nghìn mắt), là một pho tượng ngồi cao 2m với 42 cánh tay lớn và 952 cánh tay nhỏ, toàn bộ pho tượng cao 3,7m bằng gỗ phủ sơn. Tác phẩm được làm bởi Trương tiên sinh với niên đại ghi rõ là năm 1656. Tượng thể hiện Ðức Phật trong tư thế ngồi thiền định: một đôi tay lớn đặt trên lòng, một đôi tay chắp trước ngực, 38 cánh tay kia đưa lên như một đóa sen nở. Ngoài 42 cánh tay lớn thon tròn mềm mại, 952 cánh tay nhỏ tạo thành bảy vòng tay mở rộng dần trên các vòng tròn đồng tâm khép kín, trên mỗi bàn tay là một con mắt. Ðầu của tượng Quan Âm được ghép lại bởi bốn tầng với mười một khuôn mặt, trên cùng là hình ảnh của Phật Adiđà. Hình ảnh đó tượng trưng cho truyền thuyết Quan Âm suy nghĩ quá nhiều nên đầu vỡ ra thành nhiều mảnh rồi được Ðức Adiđà dùng phép thuật gắn lại những mảnh vỡ đó. Trên đỉnh cao nhất có hai con chim thần hai đầu người. Quan Âm ngồi trên một tòa sen được đội bởi một “con quỷ”. Pho tượng là sự lý tưởng hóa và mang tính tượng trưng cao. Cũng như những pho tượng khác ở Việt Nam, pho tượng này cũng mang một vẻ đẹp dịu dàng, phảng phất một nét đẹp nội tâm, trang phục không quá kiểu cách cầu kỳ, với những lớp áo rộng buông rủ mềm mại.
Trong tinh thần hội nhập của thế kỷ 21, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, nước ta đang trên đường CNH, HÐH. Song nhà chùa vẫn như chốn bình yên để nhiều người lui tới. Vì vậy mà mỹ cảm trong nghệ thuật Phật giáo xưa vẫn ít nhiều còn đọng lại trong tâm thức của ngày hôm nay. Nhiều ngôi chùa lớn đã được trùng tu, xây dựng lại, cùng với đó là những ngôi chùa và pho tượng Phật hết sức quy mô. Gần đây có ba pho Tam Thế ở chùa Bái Ðính (Ninh Bình) với chất liệu đồng nguyên khối, cao 7,2 m, nặng 50 tấn. Ba pho Tam Thế thể hiện ước mơ về cái đẹp của sự hướng thiện, của tinh thần từ bi, bác ái. Vẫn là biểu cảm của cái đẹp đầy đặn, phúc hậu nhưng hình như cái đẹp ở đây đã được chau chuốt cầu kỳ hơn, kiểu cách hơn những pho tượng xưa. Nét dung dị xưa được thay bằng vẻ lộng lẫy, sang hơn. Phải chăng, hình tượng nghệ thuật được chi phối bởi không gian và thời gian nên sự thay đổi mỹ cảm đó là lẽ tự nhiên trong sự vận hành của văn hóa dân tộc?

ÐOÀN HỒNG LƯ ( ND)

Nghệ thuật Phật giáo trong mỹ cảm người Việt xưa và nay
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH