Ngày Tết về chùa ăn “bánh đúc… có xương”

GN Xuân – Vào đầu năm mới ông bà xưa đã truyền dạy: “Mùng một nhà cha, mùng hai nhà vợ, mùng ba nhà thầy”. Và cứ như vậy thì ngày mùng ba Tết tôi lại về chùa nhà.

Gọi “chùa nhà” vì đó là nơi từ nhỏ tôi đã có căn lành với Tam bảo. Ngày xuân trước là lễ Phật, vấn an chúc Tết bổn sư và tận hưởng nét đẹp đầy thanh tịnh của chùa. Đời thường hữu duyên đến chùa đã khó mà đến còn được ở lại dùng cơm chay thì hạnh phúc lắm, ta mới biết căn lành của ta lớn lắm…
Những rau củ quả hiền lành qua đôi tay nhiệt tâm công quả của các cô nhà bếp bỗng lung linh, hấp dẫn… Các thầy và Phật tử thường đến chùa thưởng thức các món chay đều khen ngợi và nói vui rằng: “Các hoa hậu nồi niêu xoong chảo nấu ăn có tâm nên ngon lắm!”…

Bánh đúc ngày xuân

Hôm đó nhà chùa còn đãi Phật tử thêm một món đặc biệt là bánh đúc chế biến bằng gạo lứt. Một cô trong đội nhà bếp giới thiệu rằng:

– Gạo lứt là thực phẩm nhiều chất dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe. Không những thơm ngon mà gạo lứt còn có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu khác để tạo nên những món bánh hấp dẫn. Bánh đúc gạo lứt là sự kết hợp hoàn hảo giữa bánh đúc truyền thống và hương thơm tinh túy của hạt ngọc quê hương. Bánh của nhà chùa không dùng hàn the độc hại, đặc biệt bánh ăn nguội mới ngon và chấm với tương thì tuyệt hảo vì nó béo và ngậy lạ lùng…

Quả thật bánh đúc của nhà chùa ngon thật. Mặt bánh bóng láng, bánh không cứng và không mềm nhão bởi kinh nghiệm bột bánh được pha đúng độ lỏng. Đẹp nhất là nước da sẫm hồng của bánh do làm bằng gạo lứt đỏ pha với nước vôi ăn trầu hồng… Hòa với mùi thơm của đậu phộng rang và dầu phộng khử,  lát bánh phảng phất mùi thơm của lá chuối hấp, mùi vôi trầu, tất cả đã quyện thành một hương vị độc đáo, không lẫn với loại bánh nào khác. Đó chính là cái ngon rất riêng của bánh đúc gạo lứt…

Nhiều người trong nhà ăn lúc đó thưởng thức bánh đúc đang xuýt xoa khen thì sư trụ trì xuất hiện. Sư ân cần thăm hỏi từng người về cuộc sống và cả cảm nhận về bữa chay đầu năm. Một cô Phật tử buột miệng khen rằng: Bánh đúc nhà chùa ngon và lạ quá thầy ơi!
Nghe vậy thầy cười thật tươi và nói rằng: Bánh đúc nhà chùa là “bánh đúc có xương” mà… không ngon sao được!

Ngạc nhiên, cô Phật tử hỏi thầy rằng: Con mới ăn rồi, ngon quá… mà đâu có thấy xương xẩu gì đâu thầy?!

Thầy lại cười thật tươi và giải thích: Người đời ví rằng “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng…”. Đó là bánh đúc thế gian, còn bánh đúc nhà chùa thì thương hết. Cái gì thế gian không thương, không nhận thì pháp Phật, nhà chùa thương nhận hết. Là người học Phật ta phải biết thực hành kham nhẫn, rộng mở hạnh Từ bi của nhà Phật. Bánh đúc có xương của nhà chùa có khác gì học và thực hành theo hạnh của ngài Di Lặc: “Bụng lớn năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ/ Lòng từ thường xả, xả những điều khôn xả của thế gian!”.

Nghe thầy dạy xong, mọi người như vỡ òa, không ngờ chỉ qua chiếc bánh đơn sơ mà tiềm ẩn những ý nghĩa cao sâu, dễ hiểu và thú vị như vậy. Còn phần “lì xì” năm mới nào quý giá hơn bài pháp ngắn mà thầy vừa dạy…

Ngoài sân những khóm hoa rực rỡ dưới nắng xuân và trong tâm mọi người như vừa được một luồng sáng chiếu qua làm tâm hồn bỗng lấp lánh như mùa xuân của ánh đạo vàng…

Hoàng Dũng Hùng
(Tác giả đoạt giải Ấn tượng cuộc thi viết Bến bờ nhân gian)

Ngày Tết về chùa ăn “bánh đúc… có xương”
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH