GNO – Nếu bạn là một người Huế, người miền Trung chắc có lẽ sẽ không xa lạ gì với chiếc bánh hạt sen. Trước khi mà những chiếc bánh công nghiệp được đựng trong hộp thiếc là những món hàng xa xỉ, chị em tôi ngày thơ ấu muốn được ăn bánh hạt sen phải chờ đến những ngày giỗ chạp và khi Tết về.
Những viên “kẹo sen” được làm trong dịp Tết – Ảnh: Nguyên Hân
Giờ đây, khi mà thị trường có rất nhiều các loại bánh với nhiều mẫu mã, hình thức bắt mắt sang trọng, thì dì và em tôi vẫn cặm cụi, tỉ mẫn làm từng chiếc bánh hạt sen – được vo tròn như những viên bi với nguyên liệu được thay thế hạt sen bằng đậu trắng.
Đậu trắng được trồng tại vùng đất Lâm Đồng, gần Tết là mùa thu hoạch, đậu mới thu hoạch làm bánh sẽ dẻo và bùi hơn.
Theo đó, đậu được chọn lựa kỹ càng từng hạt, ngâm nở, bóc vỏ và nấu chín, xong xay nhuyễn. Đường tán (đường bát) chặt nhỏ, nấu tan, lọc sạch cặn mía còn sót lại, sau đó trộn cùng với đậu xay nhuyễn. Giáo đậu trên lửa vừa cho đến khi tới đường là có thể nhồi thành khối và vo viên. Kế đó sẽ được sấy trên bếp than ấm tầm 8-12 tiếng.
Nhìn từng chiếc bánh được gói gọn gàng trên mảnh giấy cắt tua rua chắc ai cũng cảm nhận được đó là một sự kỳ công, khéo léo. Bánh làm với đường tán thì công làm tăng hơn nhưng bù lại bánh mềm và rất mịn, vị ngọt thơm – lành.
Bánh hạt sen và trà – Ảnh: Nguyên Hân
Có những người không mấy hảo ngọt nhưng khi nếm vị bánh đậu trắng vẫn cảm thấy an tâm với thành phần nguyên liệu rõ ràng là đậu trắng và đường thô.
Bánh đậu trắng có thể thay thế những viên kẹo là quà vặt cho trẻ nhỏ, có những người vẫn gọi là kẹo sen. Người lớn nhâm nhi bánh đậu, thưởng trà rất thích hợp, nhất là những buổi uống trà đàm đạo.
Nguyên Hân