Một ngôi chùa Khmer là sự tổng hợp hài hòa về những yếu tố tạo hình, tạo dáng, điêu khắc, kiến trúc và hội họa. Chùa Khmer thường được xây dựng trên một khu đất khá rộng rãi, chung quanh trồng nhiều loại cây riêng có ở miền Nam như thốt nốt, dầu, sao…
Cổng chùa được trang trí hoa văn theo kiểu kiến trúc đền tháp Campuchia. Bên trong chùa là các khu vực kiến trúc khác như: khu chánh điện, sala, nhà tăng, nhà tu thiền định, nhà thiêu hương và những tháp thờ…
Mái chùa được uốn cao và làm bằng loại gỗ quý, những góc cạnh đều được trang trí và điêu khắc rất công phu. Chung quanh chùa có nhiều cột cao san sát nhau tạo ra một hình tượng vững chãi và kỳ bí. Ba lớp la thành bọc quanh chiến phần lớn sân chùa, khiến cho du khách tưởng tượng chùa được phân ra thành từng vùng riêng biệt. Đặc biệt nhất là những hình tượng Krud, tức là hình người đầu chim, một biểu trưng về “vật nhân nhất thể” được dùng trang trí trong chùa. Bên cạnh đó, trong điện thờ và nhà Tổ có nhiều bao lam được chạm trổ với nhiều màu sắc rực rỡ.
Mái chùa Luông Bassac (Ảnh: Thanh Nguyên)
Chánh điện giữa vị trí trung tâm của ngôi chùa, được xây dựng khá cao so với mặt đất để bật lên hình ảnh của chùa. Đây cũng là đặc điểm phân biệt với các ngôi chùa cổ truyền Việt Nam. Khác với những ngôi chùa Việt Nam và chùa Trung Hoa, bên trong chùa Khmer chỉ thờ đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, không thờ các vị Phật, Bồ tát khác. Toàn thể tượng và bệ tượng thường đặt phía sau một cái khuôn lớn, có chạm khắc những mẫu hoa văn tinh vi và thường quay về hướng đông, vì theo kinh điển Khmer cho rằng, Phật Tổ ở phương tây thì bao giờ cũng quay về hướng đông để phổ độ chúng sanh.
Chánh điện chùa Khleang (Ảnh: Thanh Nguyên)
Còn Sala là ngôi nhà xây đầu tiên khi dựng chùa, cũng là giảng đường của những sư sải, và là nơi tiếp khách trong những ngày đại lễ Phật Giáo.Trong sala, phần trung tâm vẫn có bàn thờ Phật nhưng đơn giản hơn. Những sala hiện có ở những ngôi chùa Khmer miền Nam Việt Nam hiện nay đều được xây dựng theo quy cách hiện đại, gồm phòng chính để cử hành lễ dâng cơm, nơi tổ chức sinh hoạt, phòng tiếp khách, nơi tổ chức phòng nhạc ngũ âm tế lễ.
Kiến trúc chùa Chén Kiểu (Ảnh: Thanh Nguyên)
Trong khu vực chung quanh chùa Khmer, thường có những loại tháp lớn nhỏ đủ kiểu và loại khác nhau. Đây là những tháp để cốt. Những loại tháp nầy thường được cấu trúc ba phần: chân tháp khá rộng, hình vuông, có một lỗ nhỏ để cốt của người quá cố vào; thân tháp có nhiều tầng, nhỏ từ dưới lên trên; đầu tháp là những mũi nhọn, trên đỉnh thường để đầu thần có bốn mặt gọi là “Maha Prum”. Phía trên đầu tượng nầy là cột sắt nhỏ, nhọn, có nhiều lông nhỏ. Còn những ngôi tháp lớn thì lưu lại cốt của các vị Sãi cả trong chùa, những người đã từng có công lao xây dựng và trùng tu chùa.
Những hình vẽ trang trí bên ngoài chùa Luôn Bassac (Ảnh: Thanh Nguyên)
Có thể nói, chùa Khmer ở Nam Bộ thật sự mang một giá trị nghệ thuật độc đáo, là những di tích quí của đất nước Việt Nam.
Thanh Nguyên tổng hợp (simplevietnam)