Huyền năng

GN – Cứ mỗi khi gần đến các dịp lễ hội của bà con Khmer, tôi đều lên chùa Botum Kiri Rangsay(1) để thỉnh chuyện cùng sư Phát.

Có thể nói chùa Botum Kiri Rangsay hay còn gọi là chùa Khedol là ngôi chùa Khmer đẹp và nổi tiếng nhất của xứ Tây Ninh. Sư Phát người quê Trà Vinh, làm trụ trì ở đây đã lâu. Vì là chỗ thân quen, nên tôi có việc gì cần thì sư đều tận tình giúp đỡ.
Khe Don – Cánh đồng của gió
Chùa Botum Kiri Rangsay hay còn gọi là chùa Khedol

Một buổi sáng trước lễ Sel Donta vừa rồi, tôi ghé chùa thăm sư và nhân dịp hỏi sư về sự chênh lệch giữa lịch Khmer và âm lịch Việt Nam. Sư rót trà mời tôi, xong sư lấy cuốn lịch Khmer ra chỉ cho tôi sự chênh lệch và điểm dị biệt về các tháng trong năm, đồng thời sư cũng chỉ cho tôi những nét tương đồng về nghi lễ Phật giáo giữa hai dân tộc. Tôi và sư đang trò chuyện vui vẻ thì từ ngoài cổng chùa có đôi vợ chồng trẻ bồng đứa bé chừng bốn tháng tuổi đang khóc ngất chạy vào. Người mẹ ôm con, còn người cha quỳ xuống trước mặt sư thi lễ và nói.

– Thưa sư, ngài giúp con của con với. Nó đã khóc suốt từ đêm qua tới giờ, làm cách nào cũng không chịu nín!

Sư Phát bảo:

– Anh hãy ẵm cháu. Còn mẹ cháu thì tạm đi ra ngoài kia đi!

Người phụ nữ hiểu ý sư liền giao con cho chồng, rồi đi thẳng ra phía bóng cây trước sân đứng chờ. Sau đó sư liền vào tịnh xá thắp nhang bái Phật và đọc kinh. Chừng hai phút sau sư trở ra tay cầm một hộp dầu sáp. Đứa bé trên tay cha vẫn khóc tím tái. Nhưng huyền diệu thay, sư Phát lấy ngón tay trỏ quệt một tí dầu sáp vừa lẩm nhẩm đọc kinh vừa xức vào giữa tam tinh đứa bé, lập tức đứa bé nín khóc ngay, mặt mày dần tươi lại như người vừa trải qua một cơn mê loạn vậy! Xong sư cười nhẹ đầy vẻ từ bi và nói với người đàn ông.

– Anh cho cháu uống tí nước, rồi kêu mẹ cho cháu bú đi. Đem hộp dầu này về, khi nào cháu có khóc thì xức cho cháu như sư đã làm.

Đợi hai vợ chồng trẻ về rồi tôi mới hỏi sư Phát.

– Bùa ngải Khmer phải không sư?

Sư cười, xua tay và nói.

– Không phải đâu ! Đó là sự trì chú và cách chữa bệnh cổ truyền mà thôi!

Thì ra việc này thường được làm tại các ngôi chùa của người Khmer do vị sư cả trì chú vào sáp, dầu, để Phật tử dùng được an vui, làm ăn hanh thông và đời sống hạnh phúc. Các sư cầu phước cho Phật tử với nhiều lời chúc phúc từ kinh Pali rất linh ứng và phước huệ.

Tôi hỏi sư Phát.

– Knạ,(2) không hiểu làm cách nào để được huyền năng như vậy?

Sư giảng giải cho tôi đại khái thế này. Hiện nay, không ít người hành nghề mê tín dị đoan và cũng không ít người từng nói về bùa ngải Khmer đầy huyền bí và sợ hãi. Thực ra, nếu có điều kiện trải nghiệm mới thấy bà con Khmer rất chân chất, hiền lành, thật thà. Họ một lòng tín ngưỡng Phật giáo, luôn làm theo đạo hiếu. Con trai lớn lên vào chùa tu ba năm để trả hiếu lễ ông bà cha mẹ. Còn vấn đề bùa chú với người Khmer như một bản sắc văn hóa tâm linh đại diện cho dân tộc này. Bùa không phải để hại người, mà là liệu pháp tâm lý để cầu an vui, xin thần Phật hộ trì, che chở.

Mỗi dịp lễ Tết, các vị sư cả thường làm phép trì chú vào những sợi chỉ màu đỏ. Sau đó cắt ra cho mỗi Phật tử một đoạn ngắn đeo tay để trừ tà ma, xua tan mọi điều không may trong năm cũ. Nói đúng hơn đó là sự nương nhờ tha lực của Đức Phật để tìm sự bình yên trong cuộc sống. Nhà ai có đám cưới, đám ma, đám giỗ, xây nhà mới, chuyển nhà, mở cửa hàng đều thỉnh sư về đọc chú để mong sự giải thoát hay cầu phúc, chúc phúc, xin được mọi điều thuận lợi. Sắc thái bùa chú thật ra chỉ là nét tâm linh tùy theo từng suy nghĩ của mỗi con người mà thôi.

Gần gũi với sư Phát nhiều năm tôi rất kính trọng, biết sư là một đấng chân tu, luôn đong đầy từ bi. Sư chỉ giúp người chứ hoàn toàn không bao giờ vì mục đích trục lợi. Việc sư làm là sự kết hợp giữa liệu pháp tâm linh và cách chữa bệnh cổ truyền chứ không phải là vấn đề mê tín. Vì đối với người tu Phật chân chính, dị đoan mê tín là đồng nghĩa với lầm lạc u mê, mà u mê là một trong những con đường dẫn đến mọi điều xấu ác. Chỉ có ánh sáng của trí tuệ và lòng từ bi mới giúp chúng sinh giải thoát ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau nơi cuộc sống đầy dẫy những phức tạp này.

Hoài Chi

…………………….

(1) Chùa Botum Kiri Rangsay nay thuộc xã Thạnh Tân, TP.Tây Ninh

(2) Knạ: Tiếng xưng hô của Phật tử với sư một cách tôn kính.

Huyền năng
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH