Ảnh minh họa
GN – Thông thường, ta có xu hướng xử lý vấn đề theo cách “giận con rận, đốt cái áo”, có nghĩa là ta vội vàng muốn giải quyết ngay điều gì đó nên ta… buộc phải hy sinh.
Theo đó, ta quyết định bỏ luôn cái mà lẽ ra cần giữ lại, cái chẳng có tội tình chi trong sự vụ mà mình đang trải qua, đang phải gánh chịu. Và, phần thiệt thuộc về ta là chắc chắn.
Tức “con rận” phá bĩnh, cắn mình mà đem “đốt cái áo” thì con rận có thể sẽ bị “trừng trị” nhưng ta cũng không giữ lại được cái áo để mặc. Ta cũng bị thiệt hại trong tình huống thiếu khôn ngoan (nói theo ngôn ngữ thế gian), còn theo ngôn ngữ nhà Phật là thiếu từ bi và trí tuệ.
Sở dĩ, “giận con rận” mà ta đem “cái áo” đi đốt là bởi vì ta không nhận diện được đâu là đối tượng gây ra lầm lỗi cần chỉnh sửa, cần được điều chỉnh, hướng dẫn… Ta tưởng cái áo là nguyên nhân khiến mình bị cắn đốt, bị ngứa, ta tức cái áo sao… để con rận ẩn nấp làm chi, nhưng thực sự cái áo vô tri, có để cho ai lợi dụng đâu?
Ở chi tiết này, nghĩa bóng, có thể ta sẽ tìm thấy vô số lần vô cớ giận hờn, phiền não trong ta xuất phát từ việc “giận con rận, đốt cái áo” như vậy. Ví dụ, có lần nào đó vì quá bực ai đó hái trộm trái ổi, trái xoài nhà mình mà ta đã… chặt hết ổi hết xoài vườn nhà. Lẽ ra, thay vì chặt ổi, xoài do mình bỏ công, tốn sức vun trồng thì ta có thể tìm phương cách để bảo vệ tài sản, để kẻ trộm không thể hái của mình thì có phải là cách tích cực hơn không?
Rồi, có lần nào đó, vì giận mấy người dòm ngó người mình thương, ta đâm sân si mà đánh đấm họ hoặc về chì chiết người mình thương, ta quy chụp cái đẹp của người thương là cái lỗi khiến cho người ta ngắm nhìn. Lẽ ra, thay vì vậy, ta có thể tích cực mà nghĩ rằng, ta thật may mắn khi có người yêu (vợ/chồng) thật dễ thương, khiến ai cũng… thích nhìn. Rồi, ta “giữ” người yêu bằng cách sống thiệt tử tế với người ấy chứ không phải ghen tức (tầm bậy) rồi sinh tâm nóng nảy, khiến tình cảm bị đổ, vỡ, rồi hành xử thô bạo, nói năng hồ đồ gây mất điểm trong mắt nàng…
Nói chung, có vô số góc nhìn và cách ứng xử tốt đẹp hơn, dễ thương hơn, ôn hòa hơn là “đốt cái áo” vì “giận con rận” hoặc “giận cá chém thớt”.
Trong cuộc sống, ta sẽ có những sai lầm do tham-sân-si còn đó; nhưng sự sai lầm dại dột nhất có lẽ là khi không giải quyết được vấn đề nào đó rồi mình tìm cách phá hoại, hủy nó đi. Theo đó, khi chúng ta gặp khó khăn, thất bại, thất tình… rồi ta tìm cách chấm dứt cuộc đời mình hay cuộc đời người mình thương, từng quý mến – điều đó đồng nghĩa với ta đang hủy hoại tương lai của mình, niềm tin của người thân-thương mình và dội vào mênh mông xã hội những nỗi hoài nghi, lo sợ.
Cũng vậy, khi ta gặp hay nghe thấy, có biết một vài vị “đầu tròn, áo vuông” nào đó làm chuyện không đúng pháp Phật hoặc trái pháp luật. Thay vì nhận diện sự sai trái đó từ chính cá nhân người ấy mà tự tìm cách xa ra theo kiểu “không thân cận người xấu-ác” vì mình hiểu “gần mực thì đen” ta lại đi quy chụp đạo Phật hoặc Tăng đoàn… là không tốt, rồi quay lưng. Khi ấy, không những mình đánh mất niềm tin vì chuyện cá nhân này mà còn sinh tâm phỉ báng, nói xấu Tam bảo, đốt hết công đức gieo tạo từ xưa tới giờ; đồng thời chứng tỏ niềm tin chưa sâu chắc. Điều đó, cũng giống như xây nhà trên cát, thiếu một cái móng vững chãi để trụ lại thì xây càng cao thì càng dễ sụp.
Trở lại việc phỉ báng Tam bảo vì một ai đó làm sai – thiết nghĩ, tội tình ấy ta gieo và sẽ phải gánh, trả chắc dài lắm đó, có khi nhiều kiếp trầm luân ngục tù tối thẳm không chừng! Thay vì, làm điều mang nghĩa “giận con rận, đốt cái áo” như vậy, ta có thể trở thành Phật tử tốt, thuần thành, ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống một cách tốt đẹp, giúp mình chuyển hóa bớt tham, sân, si cũng như giúp người bớt khổ đau, oán, chấp – như thế có phải là từ bi và trí tuệ hơn không?
Lưu Đình Long