Giá nhiều mặt hàng giảm… nhỏ giọt

Dù xăng đã 5 lần giảm giá gần 8.000 đồng/lít trong hơn một tháng qua, tuy nhiên đến thời điểm này, một số mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng và các hãng vận tải mới “rón rén” giảm theo.

Giảm… nhỏ giọt

Trưa ngày 14/8, có mặt tại chợ Hòa Bình (quận 5), nhiều tiểu thương phấn khởi cho biết, một số mặt hàng như rau củ, trái cây đã hạ nhiệt nên khách đến mua sắm đông hơn. Như cà chua, khổ qua 25.000 đồng/kg (giảm 3.000-5.000 đồng so với tuần trước), cần tây giảm từ 43.000 đồng/kg xuống còn 37.000 đồng/kg; xà lách cuộn giảm từ 45.000 đồng/kg còn 39.000 đồng/kg; cải thảo giảm từ 19.000 đồng/kg xuống còn gần 17.000 đồng/kg; cà rốt Đà Lạt giảm sâu còn 19.000 đồng…

Một số mặt hàng tại chợ đã giảm giá từ 3.000 đến 5.000 đồng trong tuần qua ảnh: U.P

“Sức mua hai ngày cuối tuần đã tăng trở lại, một phần là người dân đã hết ăn chay trong ngày rằm tháng Bảy (lễ Vu Lan), phần khác là một số mặt hàng rau củ, trái cây đã hạ giá từ 3.000-5.000 đồng/kg nên hút khách hơn” – bà Lan, tiểu thương hàng rau củ quả, nói.

Đại diện Bến xe miền Đông cho biết, có 74/140 DN vận tải kê khai tăng giá tính từ đầu năm đến nay, nhưng hiện chỉ có một DN giảm giá. Đối với Bến xe miền Tây, hiện có 125 đơn vị vận tải đang hoạt động, sau đợt tăng giá nhiên liệu vào tháng 6, 7 thì có 16 đơn vị tăng giá vé từ 4-15%, nhưng hiện chỉ có 4 đơn vị giảm giá từ 6-12%.

Khảo sát tại một số chợ ở TPHCM như Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Tân Định (quận 1), Phú Lâm (quận 6), An Đông (quận 5)…, nhiều loại thực phẩm cũng hạ nhiệt so với tháng trước đó. Một số mặt hàng như thịt heo, trứng vịt, cá, dầu ăn… giảm nhẹ 5-8%, khoảng 3.000-8.000 đồng/kg.

“Tôi vừa mua thịt heo ba rọi rút sườn với giá 164.000 đồng/kg, giảm khoảng 8.000 đồng/kg so với tuần trước. Nhiều loại thủy hải sản cũng giảm giá như cá điêu hồng còn 52.000 đồng/kg. Tuy giá đã giảm nhưng chưa đồng đều trên nhiều mặt hàng, đa số tiểu thương tự giảm lời để giữ khách” – chị Hưng (ngụ TP Thủ Đức) cho biết.

Chị Lê Thị Trang, chủ tiệm tạp hóa trên đường Bà Lê Chân (quận 1) báo giá, dầu Neptune loại 1 lít được áp dụng từ tháng 8 có giá khoảng 56.900 đồng/lít, giảm 2% so với tháng 6, dầu Meizan giảm khoảng 9% còn gần 42.000 đồng/lít…, giảm sâu nhất là dầu ăn Orchid giảm 13% còn khoảng 36.200 đồng/lít.

Ông Trần Việt Huy, Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết, từ tháng 2 đến nay, cước vận tải biển quốc tế đã giảm. Cụ thể, container 20 feet vận chuyển từ Việt Nam đi EU cước giảm từ 7.000 USD xuống còn 4.000 USD; Việt Nam đi bờ Tây của Mỹ giảm từ 14.000 USD xuống còn 7.000 USD. Trong khi đó, cước vận tải trong nước từ miền Bắc đi miền Nam giá cao, ngược lại từ miền Nam đi miền Bắc giá thấp. Nguyên nhân là Trung Quốc siết chặt cửa khẩu nên hàng hóa xuất khẩu ít, nhiều xe hàng chở rỗng từ các tỉnh phía Nam ra phía Bắc nên giá sẽ thấp để kích cầu.

“Các loại mì gói, đường, bột ngọt… nhà cung cấp vẫn chưa thông báo giảm giá. Cách đây khoảng 2 tháng, nhiều đơn vị đã điều chỉnh giá hàng hoá tăng do chi phí vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào tăng theo giá xăng dầu. Giá xăng đã giảm gần 8.000 đồng/lít nhưng họ vẫn không hạ giá” – chị Trang nhìn nhận.

Sau khi đặt vé qua tổng đài ở Bến xe miền Tây, anh Lê Văn Hưng (ngụ huyện Bình Chánh) khá bất ngờ khi giá vé từ TPHCM đi Vũng Tàu đã giảm 10.000 đồng, còn 150.000 đồng/vé. “Chỉ trong vòng một tuần, giá đã được điều chỉnh giảm theo xăng nên tôi rất mừng. Mong nhiều nhà xe nhanh chóng giảm giá vé theo đúng cơ chế thị trường, chứ đừng mãi “lên giá rồi không giảm”, anh Hưng nói.

Tuy nhiên, số nhà xe giảm giá cước vẫn rất ít ỏi. Sau khi đặt 5 vé xe từ TPHCM đi An Giang cho cả gia đình từ hãng xe M.T, anh Đức Bình (ngụ quận Bình Tân) thở dài khi giá tới 230.000 đồng/vé. “Khi xăng lên giá, cước hãng này liền điều chỉnh tăng, nhưng hơn một tháng qua, xăng giảm giá 5 lần nhưng cước nhà xe này không thay đổi” – anh Bình nói.

Ai giám sát giá?

Khi xăng dầu nhiều lần giảm giá, nhiều bộ, ngành đã yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá hàng hóa trên thị trường. Tuy nhiên đến nay, giá cả nhiều mặt hàng chỉ giảm… nhỏ giọt khiến người dân sốt ruột.

Lý giải về việc giá hàng hóa chưa giảm ngay theo giá xăng, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho rằng, nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, nhất là nguồn nhập khẩu vẫn còn ở mức rất cao, cộng thêm chi phí lao động tăng. Tất cả các yếu tố đó làm cho giá cả hàng hóa tiêu dùng chưa thể đồng loạt giảm ngay mà cần có độ trễ và cần thêm sự điều chỉnh của giá nguyên liệu sản xuất khác.

“Giảm giá xăng dầu sẽ là điều kiện để điều chỉnh giá hàng hóa. Tuy nhiên, giá thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu, phân bón và nhiều nguyên liệu khác trong 2 năm qua tăng rất cao, ảnh hưởng đến việc tăng giá chung chứ không riêng xăng dầu. DN đang điều chỉnh tiết giảm các chi phí giá thành để giữ thị trường là vấn đề không chỉ người tiêu dùng quan tâm, mà chính DN cũng rất quan tâm” – ông Vũ nói.

Theo đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, đội QLTT tại TP Thủ Đức, các quận, huyện đã nỗ lực giám sát việc kinh doanh, buôn bán nhằm góp phần “kìm cương giá cả”, ổn định thị trường. Tuy vậy, việc kiểm tra cũng chỉ là xử lý phần ngọn. Để góp phần giảm giá hiệu quả như kỳ vọng cần sự phối hợp của nhiều bộ ngành, đơn vị, chứ không riêng lực lượng QLTT.

Nguồn: https://www.24h.com.vn/thi-truong-tieu-dung/gia-nhieu-mat-hang-giam-nho-giot-c52a1387027.html

ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH