Đường Thiền lối cũ…

 Thiền quán, phương pháp tu tập chủ đạo đưa thái tử Tất Đạt Đa lên ngôi vị Vô thượng Bồ đề. Từ xưa đến nay, nhờ nương vào phương pháp tu này mà lịch sử phát triển Phật giáo được tô điểm thêm tên tuổi của nhiều vị xuất trần thượng sĩ. Với Phật giáo nói chung, khi nói đến thiền quán, dường như trong mỗi chúng ta đều nghĩ đến phương pháp tu gần với cội nguồn.

Duyên Thiền hé lộ.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ khá sớm và tư tưởng Thiền học đã băt đầu hé lộ trong những tác phẩm cũng như tư tưởng của Mâu Tử, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương… Mãi đến thế kỷ XIII, khi Trần Nhân Tôn bỏ ngôi, xuất gia, chứng quả thì Thiền học Việt Nam đã khẳng định những giá trị ưu việt cua mình. Xuyên qua dòng sử Việt cũng như tư tưởng của dân tộc, thời đại, pháp Thiền được lưu lộ từ thời nhà Trần có thể coi đó là tinh hoa của Thiền học, của Phật giáo Việt Nam, của tư tưởng dân tộc. Tìm về với nguồn cội Thiền học này là một thao thức khôn nguôi của thầy chúng tôi, Thiền sư Thích Thanh Từ.

Ở Việt Nam trước những năm 1960, tư liệu về Thiền học rất hiếm hoi và thiếu thốn. Có lẽ do thời gian, chiến tranh và biến thiên của lịch sư, nên nguồn tài liệu ấy đã bị mai một. Đi tìm những tư liệu hướng dẫn về thiền tập lúc bấy giờ là một cố gắng không mệt mỏi của thầy chúng tôi.

Sau một thời gian nghiên tầm kinh điển và những tư liệu Thiền học rải rác đây đó cùng những kinh điển chuyên về thiền trong Đại tạng kinh, thầy đã về núi Lớn – Vũng Tàu, dựng một thiền thất nhỏ, gọi là Thiền thất Pháp Lạc để nhập thất quyết tu.

Trải qua thời gian dài chuyên tâm nỗ lực, vào thang 12 năm 1968, thầy xuất thất và bắt đầu hướng dẫn Tăng Ni thực hành theo phương pháp Thiền tập mà thầy đã lãnh hội trong thời gian nhập thất. Kể từ đây, với thệ nguyện hoằng thâm, thầy bước đầu tập chúng và dạy phương pháp tu thiền theo sở chứng của Ngài.

Do nguồn thiền tự mình lãnh ngộ, không người ấn chứng, nên thầy dạy chúng tôi cần phải y cứ vào kinh điển. Chính vì lẽ này mà anh em chúng tôi, những thiền sinh buổi đầu của Ngài, ngoài giờ thiền tập, còn phải học các kinh điển Đại thừa như Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa…

Có thể nói rằng, trong giai đoạn này, phương pháp cũng như đường lối tu thiền của Ngài phần lớn vẫn còn mang âm hưởng và dấu ấn của các Thiền sư Trung Hoa.

Uyên nguyên dòng thiền Việt

Mong mỏi nghiên tầm kinh điển, tư liệu về Thiền học tại Việt Nam là chí nguyện canh cánh bên lòng của thầy, đặc biệt là mối ưu tư sâu đậm về sự hưng vong của dòng thiền Việt.

Trải qua nhiều chuyến du khảo về các vùng đất phát tích Thiền học tại miền Bắc Việt Nam, cộng với những chuyến điền dã của hàng cao đệ, môn đồ, tư liệu về Thiền học Việt Nam đã dần hội đủ. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để thầy hướng tới mục tiêu khôi phục dòng Thiền Trúc Lâm – Yên Tử. Điều này đã được thể hiện qua việc vận dụng khéo léo và nhuần nhuyễn cương lĩnh: “Phản quan tự kỷ” theo lời dạy của Tuệ Trung Thượng sĩ đối với Trần Nhân Tông gần 700 năm trước. Có thể nói, đây là hạt nhân nền tảng, là cơ sở lý luận của dòng thiền mà thầy đã gia tâm gầy dựng.

Theo Thiền sư, trước khi nhận biết chơn tâm, người sơ cơ cần phải thực hành theo các bước như quán sổ tức, tùy tức, và đi theo các bước như biết vọng không theo v.v…

Trong một thời gian dài, phương pháp tu thiền của Ngài tuy vẫn nhất quán về nguyên tắc nhưng có sự vận dụng uyển chuyển, tùy duyên. Mãi cho đến khoảng đầu năm 2005, phương pháp tu, hay nói chính xác hơn là cương lĩnh thiền tập, đã được Thiền sư Thích Thanh Từ định hình cho thiền sinh tại các thiền viện trực thuộc. Thực chất, đây chính là phương pháp nhận ra chân tâm thông qua pháp thức tọa thiền.

Có thể tóm tắt cương lĩnh tu thiền của Thiền sư Thích Thanh Từ qua các bước sau đây:

a) Quy sáu căn về chân tâm (Giới)

Gồm có sáu: 1- Mắt biết thấy là chơn tâm; 2- Tai biết nghe là chơn tâm; 3- Thân biết xúc chạm là chơn tâm; 4- Mũi biết ngửi mùi là chơn tâm; 5- Lưỡi biết nếm vị là chơn tâm; 6- Ý biết pháp trần là chơn tâm.

Mục thứ 6, tức ý biết pháp trần là chơn tâm được vận dụng trong khi thiền tọa, còn các yếu tố kia được vận dụng trong sinh hoạt, đời sống.

b) Tu khi nhận ra chân tâm (Định)

Đây là giai đoạn tự nhắc mình phải sống với chơn tâm hiện tiền. Tức là khi đi đứng nằm ngồi đều nhận biết chơn tâm hiện tiền. Trong các oai nghi, gìn giữ liên tục chơn tâm hiện tiền. Khi được thuần thục, liền chuyển qua giai đoạn thứ ba, thể nhập chơn tâm.

c) Thể nhập chân tâm (Tuệ)

Thường biết chân tâm rõ ràng, vô niệm. Công phu như vậy cho đến khi sống được với chơn tâm vô niệm thì niệm cũng buông luôn. Bấy giờ chỉ còn chân tâm hiện tiền thênh thang trùm khắp.

Trên đây là cương lĩnh tu thiền do thiền sư hướng dẫn, tuy nhiên, tùy theo căn tánh, tâm tư, điều kiện của mỗi đối tượng mà có sự cân nhắc, tùy duyên khai ngộ khác nhau.

Nguồn Thiền đã phát

Kể từ tháng 12 năm 1968, với tâm nguyện thắp sáng ngọn đèn thiền, Thiền sư Thích Thanh Từ đã rảo gót vân du từ Nam chí Bắc. Tính đến hôm nay, môn đồ xuất gia của Ngài có trên 1.000 người, rải đều trên 20 thiền viện khắp cả nước và hàng vạn Phật tử tại gia. Hiện nay, dù tuổi đã trên 80 nhưng Thiền sư vẫn tùy cơ hóa duyên vô ngại, hầu khơi sáng và tiếp nối ngọn đèn thiền đã được khởi phát từ chư Phật, chư Tổ. Sự hiện hữu, tùy cơ hóa độ của Thiền sư mãi đến nay vẫn như nhiên, như hình ảnh được mô tả trong bài thơ “Mộng” được Ngài cảm tác từ hơn 20 năm trước:

Gá thân mộng,

Dạo cảnh mộng.

Mộng tan rồi,

Cười vỡ mộng.

Ghi lời mộng,

Nhắn khách mộng.

Biết được mộng,

Tỉnh cơn mộng.

Có thể nói, trải qua 40 năm hình thành và phát triển (1968-2008), với tâm nguyện phục hoạt dòng thiền có sự liên hệ chặt chẽ với sự hưng vong và phát triển của lịch sư Việt Nam – dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, Thiền sư Thích Thanh Từ đã ghi đậm dấu son không phai mờ trong lịch sử phát triển Thiền tông Việt Nam. 

Chúc Phú ghi

Đường Thiền lối cũ...
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH