Đức tin Tam bảo – nơi an trú tâm linh

GN – Sáng hôm ấy, tôi đang thưởng thức những làn gió mát bất chợt của Sài Gòn thì chuông điện thoại reo vang. Cầm điện thoại lên, trong ô vuông của màn hình hiển thị hai chữ: Hoàng B. Hoàng B là một người bạn thân của tôi sống ở một huyện miền núi, ẩn mình dưới rặng Trường Sơn sát biên giới Việt-Lào. Tôi nhấn nút nghe và bên kia giọng Hoàng B sang sảng, có vẻ vui lắm: A-lô, anh hả? Rồi Hoàng B bắt đầu câu chuyện, giọng nói đầy xúc động…

Hướng thượng để an lành… – Ảnh minh họa

Hoàng B kể lại cho tôi nghe, được sự đồng thuận, hoan hỷ của gia đình nên đã chính thức thỉnh tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm về an vị thờ phụng tại nhà. Theo Hoàng B, đây là sự thuận duyên trên cả tuyệt vời của thiên thời, địa lợi, nhân hòa giúp cho bạn tôi thực hiện được tâm nguyện mà bạn ấp ủ từ lâu, nuôi lớn một đức tin, mãi đến bây giờ mới thực hiện được. Cũng theo Hoàng B, đây thực sự là duyên lành, là niềm hạnh phúc viên mãn cho đại gia đình anh.

Hoàng B tiếp tục “bật mí”, từ nay em sẽ phát nguyện ăn lạt (ăn chay) mỗi tháng 4 ngày vào dịp 30 và mùng 1, 14 và ngày rằm hàng tháng. Theo tôi, đây cũng là quyết định đòi hỏi sự nỗ lực lớn, phải vượt qua những “nghịch duyên”, bởi lẽ Hoàng B đang là một giáo chức, có đảng tịch, nếu nhằm ngày ăn lạt mà phải tiếp khách, hoặc bè bạn rủ rê bù khú thì cũng khó ăn khó nói để lý giải với mọi người về sự thay đổi ẩm thực của mình. Nhưng Hoàng B đã xác quyết, dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào em vẫn dặn lòng kiêng giữ trong những ngày ăn lạt ấy thật trọn vẹn, chay tịnh đúng theo giáo luật của nhà Phật mà bản thân đã phát tâm thực hiện.

Như cởi tấm lòng, Hoàng B sa đà kể lể: “… Từ lâu người mình đã tham lam ăn uống, biết bao sinh vật đã tế thân, biến thành thực phẩm cho con người. Nay mỗi tháng em chỉ ăn lạt có mấy ngày thì bằng mọi giá em sẽ giữ trọn vẹn đúng tâm nguyện của mình!…”. Đây là suy nghĩ hướng thiện, chân thật, chính xác, tôi hoàn toàn đồng tình với tâm nguyện tốt đẹp ấy của Hoàng B. Bởi lẽ, dù gián tiếp hay trực tiếp, những thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày đều được chế biến từ các sinh vật cũng biết ham sống sợ chết như con người, nên việc ăn lạt cũng là một cách tịnh hóa khẩu nghiệp, cũng như tịnh hóa tâm hồn, thể hiện từ bi tâm, thiện lành… Hiệu quả rõ nhất là giảm được sự sát sanh hại vật diễn ra trong gia đình ít nhất là bốn ngày ăn lạt ấy, góp phần giảm nghiệp lực, gieo duyên lành.

Nói cách khác, đó cũng là thể hiện văn hóa ứng xử nhân văn sâu sắc, nhằm truyền đi tín hiệu an lạc, soi sáng tâm Bồ-đề nơi vùng đất của Hoàng B đang sinh sống và làm việc qua một thời đạn lửa chiến tranh kinh hoàng, có vô vàn mộ chí không tên là xác thân của những chiến binh từ hai phía đã nằm lại trong lòng đất lạnh. Dù biết chiến tranh đã đi qua gần 40 năm nhưng những hương hồn của hậu quả chiến tranh còn “ở lại”, tồn lưu đâu đó trên núi đồi, dưới suối khe!… Ở đó, thỉnh thoảng người dân địa phương vẫn vô tình khi đào xới, canh tác đã bắt gặp những nấm mồ tập thể đầy xác người.

Nỗi xúc động, cơn đau vò xé, cắn rứt lương tâm của Hoàng B nói riêng cũng như con người nói chung, một khi những dư âm hay đúng hơn là một nỗi ám ảnh không thôi của thời binh lửa đã đi qua. Hoàng B chọn 4 ngày ăn lạt trong một tháng để tịnh hóa thân tâm cũng là để cầu nguyện âm siêu dương thái; định hướng đức tin vào Tam bảo cũng là cách định hướng tâm hồn theo hướng thiện lành, từ bi và trí tuệ nhằm sống tốt đạo đẹp đời.

Khi văn minh khoa học ngày càng phát triển thì đời sống vật chất của con người ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Nhưng trong sự đầy đủ vật chất ấy, con người cũng rất cần đến đức tin tôn giáo như một nơi “an trú” của tâm linh, và đạo Bụt là một sự lựa chọn sâu sắc, thánh thiện của nhiều người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Vì thế, bạn tôi đã chọn một lối đi hướng trọn vẹn tín tâm vào Chánh pháp. Tôi mừng cho bạn!

Thanh Phương

Đức tin Tam bảo - nơi an trú tâm linh
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH