GN – Lúc tôi còn khỏe, mỗi tuần vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật, tôi thường về tỉnh, các xã vùng sâu vùng xa, phụ trách các lớp học Phật pháp. Và đến những chùa quê, ít Tăng chúng, thấy cảnh bề bộn, tôi thường lao vào dọn dẹp, lau chùi, tổng vệ sinh, thậm chí giặt giũ quần áo, mùng mền cho thầy trụ trì đau yếu.
Tôi bắc ghế leo lên tượng Phật cao, lấy khăn sạch nhúng nước lau bụi. Tôi xuống bếp chà sạch bong những cái nồi đen thui vì khói củi. Tôi tranh thủ nửa ngày là đủ làm cho chùa sạch đẹp, sau đó bước vào lớp học giảng bài cho các em. Giảng xong một buổi là di chuyển đến chùa khác.
Cứ thế, chỉ hai ngày cuối tuần là tôi dạy được 2 lớp, nếu có thêm công tác tổng vệ sinh cho chùa thì tôi mừng lắm, xong vác ba-lô đón xe trở lại Sài Gòn người mệt nhoài nhưng lòng hân hoan vô kể. Hết chùa này tới chùa khác, tôi đến hăm hở, nhiệt tình, rồi đi không hề vướng bận.
Ảnh minh họa
Tôi nghĩ, mình đi tới chùa nào cũng thấy đó là “chùa của mình”, nên không ngại làm hết sức. Nhưng rồi mình cũng thấy đó “không phải chùa của mình” nên từ giã, không chấp chặt, không tiếc nuối. Nếu ngược lại, mình thấy đó là “chùa của người khác” thì mình sẽ không thèm quan tâm, không thèm chăm sóc, và rồi khi cái ngã sở nổi lên thì mình lại muốn chiếm hữu, cho rằng chùa đó là “của mình”, không muốn ai đụng tới, xảy ra tranh chấp. Thật sự, chúng ta nên sống với cái nhìn tích cực, đến thì nhiệt tình, đi thì thong dong, có như vậy lòng mới thảnh thơi mà rũ bỏ bụi trần.
Tôi nói như vậy bởi tôi quan sát thấy có một số vị xuất gia lẫn Phật tử tại gia hình như còn ứng xử với chùa chiền theo cách khác. Nói ra thì tôi sợ bị tội, nhưng đó là sự thật. Một số vị khi ở chùa, ở chúng thì không nhiệt tình chăm sóc ngôi tự viện, không vui vẻ chấp tác, không phục vụ đại chúng, cứ coi cái chùa như của ai chứ không phải của mình. Đến khi không có nơi nương tựa, hoặc không ai giao chùa thì đâm ra buồn giận rằng sao mình không được quan tâm, không được trọng dụng. Các vị quên đó là nhân quả. Khi mình nhiệt thành chăm sóc chùa và đại chúng thì tự khắc mình được giao chùa, được trụ trì.
Tôi từng quen biết nhiều thầy khi trẻ tuổi hết sức vất vả, vui vẻ cống hiến, tới tuổi trung niên được giao chùa để trụ trì, thậm chí đến 2, 3 ngôi, phải từ chối bớt. Mà dù không được trụ trì thì vị ấy cũng thong dong sống và tu, cứ làm tròn bổn phận rồi phủi tay tự tại. Cho nên, khi ở trong chúng, vị ấy lại được kính nể.
Với Phật tử cũng vậy, nhiều vị nhiệt tình với chùa nhưng lại chấp chặt đó là “của mình”, không muốn người khác chen vào tổ chức sự kiện, hoặc công quả, thậm chí còn chi phối luôn vị trụ trì. Cho nên từ “công quả” vị ấy trở thành “công thần”, làm phiền lòng kẻ khác, và bản thân vị ấy cũng bị cột trói không thể nào thõng tay mà đi được. Đi chùa càng lâu, cái ngã sở càng lớn, chừng nào mới trở thành “vô ngã” đúng như lời Phật dạy.
Vì vậy, tôi cố gắng lúc cống hiến thì coi đó là “của mình” để hết lòng hết dạ, còn xong việc thì coi đó “không phải của mình” để đừng bị trói buộc. Cố gắng, cố gắng, bởi trong tôi vẫn là một chúng sanh với khối chủng tử, tập khí nhiều đời nhiều kiếp, mình cứ nhắc hoài như vậy để mình đừng có đi lạc lối…
Diệu Kim