GN – Ngậm ngùi mà thức tỉnh và cảm thấy tự giận tôi đâu phải đợi đến lúc này mới hiểu lòng cha mẹ.
Chữ hiếu không những thấm nhuần trong ý thức của một dân tộc mà mang tính cả nhân loại, như một văn hóa truyền thống “làm người”. Với tôi, chữ hiếu đã hình dung lần qua chuyện kể về Nhị thập tứ hiếu của người Tàu từ khi còn bậc tiểu học. Ở những mẩu chuyện ấy, chữ hiếu được đặt trên chiếc kính lúp, phóng to đến mức cường điệu vì quá khó tả như “nước mắt cho măng, muỗi đốt thay người”, có thể vì quá mênh mông và tột cùng cao quý không thể tả xiết, bất khả tư nghì.
Lịch sử triều Nguyễn có vua Tự Đức, 36 năm trị vì trên ngai vàng, không có ngày nào không vào vấn an sức khỏe và lắng nghe lời dạy của mẹ. Ở Ấn Độ xa xôi, với hình ảnh đầy nước mắt khi chứng kiến người con ngoan mang tên Sanjay Kumar đã gánh cha mẹ đi bộ trên con đường 216 cây số đầy sỏi đá từ Ghaziabad đến thủ đô Delhi. Ngay trong kho tàng văn học nghệ thuật Việt Nam có rất nhiều nội dung hình thức ngợi ca tôn vinh về tình mẫu tử, về hiếu nghĩa, về đền ơn báo nghĩa. Khi đến với giáo lý nhà Phật, với tôi, ngày Vu lan như tiếng chuông nhắc nhở phận làm người chẳng dành riêng cho giai cấp nào hay cho một cộng đồng phân biệt nào.
Có một điều nào đó thật khó nói, thật đáng giận và cũng thật khó tả bởi tôi lắm lúc cho rằng những gì đang trong hiện hữu là điều hiển nhiên. Lắm lúc sống trong bon chen hơn thua được mất của đời thường mà chẳng tưởng lại những ai sinh ra mình với mang nặng đẻ đau, dắt bồng từng bước, dạy từng chút phân biệt lớn nhỏ đúng sai, rồi khi lớn khôn dứt áo ra đi với tự biện hộ “đủ lông đủ cánh bay tìm tương lai”. Khi lập gia đình, con cháu bên cạnh, tôi mới hiểu ra “Có sinh con mới hiểu lòng cha mẹ”.
Không phải tự dưng mà có thành. Duyên cho tôi gặp cha mẹ, duyên cho tôi hiện diện trên cõi đời này. Tất cả là duyên. Duyên và nghiệp gắn liền với nhau. Sinh ra trong cảnh phú lộc thì hả hê cười nói, bước ra từ cõi bần hàn thì mặc cảm chán chê. Phân bua với thế sự bằng câu “Hiền gặp lành, ác gặp dữ”. Than vãn trách cứ kiếp trước vụng tu nên phải chịu đắng cay thiệt thòi mà chẳng hề nghĩ suy cải sửa. Ai muốn vậy? Mẹ cha nào lại chẳng mong con thành nhân? Khi đã thành nhân, được người khác kính nể trọng vọng lại bảo rằng chính đi từ đôi chân của tôi và đem đó làm chân lý cuộc sống, một lý tưởng sống, ngụy tạo bằng một lối sống ích kỷ hẹp hòi“chẳng ai thương tôi bằng tôi” bởi quá tay thể hiện cái tôi để vướng mắc phiền não.
Ngẫm câu chuyện “chiếc xe đẩy” như đùa, kể về người đàn ông đặt người cha già của mình vào chiếc xe đẩy vào rừng bỏ mặc, đến khi về nhà, đứa con hỏi chiếc xe phải mang về lại để sau này con đem cha vào rừng cho dễ… Thấm thía mà hận cho cảnh người phủi ơn bỏ thường cha mẹ, xem cha mẹ già như vật cản đường, như “hàng mẫu” trưng bày che miệng thế gian! Mà dù thế nào đi nữa, nhìn mà xem, thú dữ không ăn thịt con. Thế thì, con người là sinh vật cao cấp, có lý trí, có tình cảm phân biệt rạch ròi lại chẳng hiểu thế nào là ơn đền nghĩa trả?
Sống có nghĩa là mang ơn. Mang ơn thì phải trả. Sự vay trả đôi khi dừng lại ở mức độ sòng phẳng trên bàn cân vật chất đời thường nhưng xét cho cùng cũng không thể trả được ở giá trị tinh thần. Chỉ một câu nói nhẹ nhàng cũng làm người đau bớt khổ, chỉ cần một ly nước ân cần bưng dâng cũng đã làm hoa nở miệng buồn.
Là người con Phật, tôi cố gắng sống với điều răn thực hiện ngũ giới. Không ông bà cha mẹ vợ chồng nào cho đến hàng xóm láng giềng ưa kẻ lừa gạt dối gian, cờ bạc rượu chè, giết người, trộm cắp, vô thủy vô chung, bất lành bất chánh… đó cũng là một cách trả ơn.
Phật dạy “Vạn hạnh hiếu vi tiên”, báo ân cha mẹ là bổn phận. Tôi kính yêu mẹ cha, con tôi nhìn vào đó mà lấy làm gương về sau. Cứ thế, đạo hiếu như đã biến thành luật đời người mà ai cũng chấp nhận.
Mùa Vu lan nghe kinh Pháp cú: “Vui thay hiếu kính mẹ/Vui thay hiếu kính cha”. Thương cha, thương mẹ lắm. Cha đã xa thật xa chỉ còn lại trong tâm tưởng. Mẹ giờ đã già như “chuối chín cây”. Dù biết tình yêu của tôi dành cho cha mẹ so với người xưa chỉ là cái mảnh móng tay nhỏ xíu!
Mấy chục cây số là gì với thời đại này mà lần khần khất hẹn về thăm? So gì một buổi đãi đằng say sưa mà không dành gởi đến mẹ hộp trà sâm vài chục bạc? Nhấc điện thoại rồi hỏi: “Trời quê mình lúc này mưa nhiều hay ít, mẹ có ngủ ngon không?”.
Thời gian chẳng chờ ai. Cha mẹ đâu có thời gian mà chờ vì chỉ biết ngắm nhìn trông vọng về tương lai của đứa con và cầu mong nó được hạnh phúc an lành.
Thế đấy. Ngậm ngùi mà thức tỉnh và cảm thấy tự giận tôi đâu phải đợi đến lúc này mới hiểu lòng cha mẹ.
Thục Độ