NSGN – Luang Por Liem Thitadhammo (1), một Tăng sĩ Phật giáo theo truyền thống tu trong rừng (Forest Monastery), sinh ở tỉnh Sri Saket thuộc Đông bắc Thái Lan vào ngày 5 tháng 11, 1941. Sau khi thọ đại giới ở tuổi 20, ngài tu học ở một số chùa làng khắp vùng Đông bắc cho đến khi gia nhập hệ phái tu trong rừng năm 1969. Ngài tu học dưới sự hướng dẫn của cao tăng Luang Pu Chah (Ajaan Chah).
Dưới đây là các bài pháp ngắn ngài giảng trong chuyến viếng thăm Úc.
Ngài Luang Por Liem Thitadhammo
Bản chất của tâm
Bên cạnh thực tại vật lý, còn có thực tại của tâm. Tâm không có hình tướng, nhưng nó có một số đặc tính để tự biểu lộ trong các trạng thái của hạnh phúc, khổ đau, lúng túng hay tự tại. Đức Phật gọi chúng là tâm pháp (nāma dhammā), còn ta gọi chúng là “tâm”.
Tâm chỉ là sự biểu hiện của nāma dhammā. Ta không thể nói tâm thiện hay “hoàn toàn xấu”. Tất cả tùy thuộc vào cách ta tiếp nhận sự vật và cách ta liên kết với cách sự vật có mặt. Cũng giống như các thành tố vật lý ta thấy trong thiên nhiên, thí dụ: sỏi, đá, cát hay cây, ngay cả núi non, sông nước. Nước chỉ là nguồn lực hữu ích cho cuộc sống nếu nó đã được thanh lọc, sẵn sàng cho ta sử dụng. Nếu ta khéo sử dụng các quy trình, biến đổi và phát triển, các nguồn lực này sẽ hữu ích. Đó là cách mà Đức Phật đã nhìn tâm con người, như một thành tố tự nhiên, cần được phát triển và chỉnh sửa.
Tâm ở trạng thái thiên nhiên không được thanh lọc giống như nước chưa được sát trùng, còn đầy bụi bẩn. Có những chất độc nguy hiểm pha trộn trong nāma dhammā, vì thế ta cần nỗ lực để thanh lọc và phát triển tâm.
Sự phát triển của tâm
Sự phát triển của tâm – hay sự phát triển của các trạng thái của tâm – đòi hỏi ta phải tự đặt mình vào các điều kiện thích hợp – những điều kiện không làm phiền não phát sinh. Ta tự đặt mình vào thực tại của giây phút hiện tại, và ta sống cẩn trọng, tỉnh thức để tự bảo vệ mình.
Khi ta suy tưởng, quán chiếu về những gì phù hợp hay không phù hợp, ta biết được những gì nguy hiểm và bất lợi, vì những thứ này tự chúng là như thế. Rõ ràng như thế. Ta luôn trải qua những điều đó. Thí dụ các trạng thái tâm bất thiện hay phiền não. Mọi người đều biết quá rõ các cảm giác này ra sao…
Hướng đến chân trời mới
Đức Phật dạy rằng những gì chúng ta đã làm để phát triển và hỗ trợ các điều thiện sẽ đem lại cho ta cảm giác của sự phồn thịnh và tiến bộ. Làm được như thế, ta có thể nói mình “sẽ đến một chân trời mới” hay đơn giản là “lên Niết-bàn”.
“Niết-bàn” ở đây có nghĩa là một thế giới ở đó con người sống với trạng thái tâm tích cực. Thế giới của tâm tích cực ý chỉ tâm không còn bất mãn, không còn có các hành vi bất thiện, như là tham, sân và si – tâm đó giúp ta trải nghiệm được hạnh phúc.
Tất cả tùy thuộc vào chúng ta. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy ta phải biết cách tự phát triển và sửa mình. Để mọi thứ thuận theo tự nhiên không có nhiều lợi ích cho ta. Ta có thể so sánh chúng với các tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu mộc. Nếu ta không mài giũa, uốn nắn chúng theo khuôn mẫu, thì thiên nhiên không đem lại lợi ích gì. Thí dụ mái nhà nơi ta sống có thể che chở ta khỏi nắng, mưa, nóng, và lạnh là nhờ đã có sự xây dựng và phát triển.
Con người sinh ra không phải hoàn hảo tự ban đầu. Tất cả những gì ta có được chỉ có thể xảy ra vì ta đã xây đắp dần dần, chỉ vì ta đã có học vấn, có rèn luyện. Với kiến thức và huân tập qua thời gian ta có được khả năng để chuyển đổi sự vật theo nhiều cách khác nhau. Tùy thuộc vào chúng ta trong việc tạo cho mình sự hiểu biết bản thân theo một cái nhìn cởi mở hơn, trong sự cẩn trọng – một cách chân thật và đúng đắn. Rồi thì ta sẽ thấy rằng ta đang hướng đến một chân trời mới.
Chế ngự ma vương
Có những lúc trong khi tu tập, chúng ta phải đối mặt với các vấn đề, các trạng thái tâm uế nhiễm, do cách ta phản ứng trong cõi dục, nơi có ba cô gái con ma vương đến quấy phá ta. (“Cô Rāga”, “Cô Arati” và “Cô Taṇhā (2)”).
Trong những lúc đó, hãy bình tĩnh, và tự hỏi bản thân: Các áp lực này chúng từ đâu tới, dưới hình thức nào? Tất cả đều đến qua sự suy tưởng của tâm ta. Chúng là thức ăn tâm linh do ta tự chế biến cho mình, chúng là các hành uẩn (saṅkhāras(3)). Đây là điều quan trọng chúng ta cần thấu hiểu. Nếu không, nghi hoặc và lo âu mà ta cảm nhận (về bản thân và phương cách tu hành) có thể trở nên quá mãnh liệt đến độ ta có thể nghĩ là tốt hơn nên đứng dậy bỏ đi hay nên giảm thiểu nỗ lực tinh tấn để đạt được giác ngộ.
Chúng ta có khuynh hướng buông bỏ tất cả, nhưng vẫn còn chút luyến lưu tận sâu thẳm trong ta, khuyên ta không nên đầu hàng. Bạn có biết hình ảnh Đức Phật được biểu hiện thế nào trong tư thế chế ngự ma vương? Ý nghĩa thực sự của tư thế, hành vi đó là gì? Thân Đức Phật dường như đang trong tư thế muốn đứng lên: gối nhô lên, nhưng tay vẫn ấn nó xuống. Dường như Ngài nói rằng, “Hãy khoan, chờ một chút, hãy để ta quán sát kỹ trước”. Đó là thái độ chúng ta cần có khi ở vào hoàn cảnh này.
4-2019
——————-
(1) Ở Thái Lan “Luang Por” là danh hiệu cao quý dành cho các Trưởng lão Tăng, có nghĩa là “Sư phụ”. Tương tự, các danh hiệu như “Luang Pu” hay “Venerable Grandfather” được dùng cho các vị cao niên, và hàm ý cao quý hơn, đáng tôn kính hơn nữa. “Thita” là từ Pali, có thể được dịch là “vững bền” và đồng nghĩa với Niết-bàn. Pháp hiệu của ngài Luang Por Liem “Thitadhammo” có lẽ ám chỉ “tri kiến trong sự bền vững của các giới pháp”.
(2) Māra: Mỗi cô gái tượng trưng cho một uế nhiễm: rāga: dục, arati: sân, taṇhā: tham.
(3) Ở đây có nghĩa: hành uẩn.
Luang Por Liem
(Diệu Liên Lý Thu Linh trích dịch theo NO WORRIES, Nguồn: “Luang Por Liem NO WORRRIES”, HolyBooks.com)