GN – Bữa cơm gia đình ngày cuối năm được xem là bữa cơm truyền thống của người Việt. Vào những ngày cuối tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), mỗi gia đình đều trang trọng đặt lên bàn thờ tổ tiên một bình hoa rực rỡ (ý nghĩa nhất là mai hoặc đào, vốn được xem là biểu tượng của mùa xuân) và một mâm ngũ quả.
Mâm ngũ quả gồm năm loại trái cây, hoặc năm loại trái có màu sắc khác nhau, có nơi dùng các loại trái có tên kết thành một câu ước nguyện, như cầu (mãng cầu), vừa (dừa), đủ (đu đủ), xài (xoài) có nghĩa là mong ước năm mới có tài lộc đủ đầy, cuộc sống sung túc.
Mâm quả ngày Tết, dù có bao nhiêu loại trái cây cũng không thiếu quả dưa đỏ (dưa hấu) có dán một chữ “Phước” hoặc “Lộc” thật to với ước mong năm mới được nhiều phước lộc. Cành mai, cành đào, dưa hấu là một trong những biểu tượng của ngày Tết. Ngày xưa sắp đến Tết mới có dưa hấu (không như bây giờ mùa nào cũng có), vì thế tôi thường gọi dưa hấu là dưa xuân.
Ngoài cành mai và dưa hấu, gia đình tôi còn có thông lệ chưng hoa vạn thọ cúng tổ tiên ông bà vào ngày Tết. Mùi hương hoa vạn thọ trở nên quen thuộc với tôi trong những ngày xuân. Đây là loài hoa có nét đẹp bình thường giản dị, không rực rỡ kiêu sa nhưng hương đậm đà đặc thù không lẫn với bất cứ loài hoa nào.
Người Việt từ ngàn xưa đã có truyền thống thờ cúng tổ tiên (ông bà), truyền thống ấy vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Vào ngày cuối năm, con cháu thành tâm làm một mâm cơm canh dâng lên cúng cửu huyền thất tổ, tưởng niệm tổ tiên, nhắc nhở nhau về ân đức sinh thành dưỡng dục của ông bà cha mẹ, về công lao, sự nghiệp của tiền nhân trong dòng tộc, gia đình. Đây là một phong tục đẹp, một truyền thống quý báu, nó có ý nghĩa nhắc nhở mọi người phải luôn nhớ về nguồn cội, luôn nuôi dưỡng tinh thần tri ân báo ân.
Những gia đình Phật tử còn có bàn thờ Phật phía trước hoặc phía bên trên so với bàn thờ tổ tiên. Trên bàn thờ Phật có đầy đủ hương đèn, hoa quả trang nghiêm. Mâm cơm chay cúng Phật và mâm cơm cúng tổ tiên ông bà ngày cuối năm được dâng lên trong niềm thành kính. Cúng Phật xong (cúng Phật vào khoảng từ 11 đến 12 giờ trưa) là thời khắc cúng “rước ông bà” về vui Tết với gia đình.
Đối với người Phật tử, lễ cúng Phật cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó là thời khắc người con Phật hướng về bậc Đạo sư, đấng Cha lành, thể hiện tâm thành nhớ ơn bậc đã khơi nguồn tuệ giác, thắp lên ánh sáng chân lý soi rọi cho đời mình và muôn loại chúng sinh, bậc đã dẫn dắt mình trở về với nguồn mạch tâm linh cao quý. Đối với người Phật tử, tổ tiên ông bà, cha mẹ là những người đã cho mình thân mạng bằng xương bằng thịt, còn Đức Phật và các bậc thầy tổ là người đã cho mình pháp thân, huệ mạng.
Sau lễ cúng Phật và cúng gia tiên, mọi người quây quần ngồi bên nhau dùng bữa cơm gia đình ngày cuối năm trong bầu không khí vui vẻ ấm cúng. Có thể nói đây là bữa cơm gia đình quan trọng và thiêng liêng nhất, đã trở thành truyền thống trong văn hóa của người Việt. Bởi vì bữa cơm ngày cuối năm là bữa cơm đoàn viên, sum họp, mọi người dù đi đâu cũng về đoàn tụ với gia đình để ngồi lại với nhau trong bữa cơm này. Trong bữa cơm ngày cuối năm, mọi người có dịp ôn lại những ân tình nghĩa cảm, thắt chặt thêm tình thương tình thân, nhắc nhau nghe những kỷ niệm vui buồn, thăm hỏi nhau và kể cho nhau nghe về mình sau những tháng ngày xa gia đình, xa quê hương vì cuộc mưu sinh nơi đất khách. Dù ở đâu, làm gì, bận rộn thế nào, người ta cũng tranh thủ thời gian về dự buổi cơm gia đình ngày cuối năm, về để chung vui ba ngày Tết. Một năm dài dành hết thời gian cho công việc, cho sự nghiệp, cuộc sống bận rộn không mấy lúc ngồi lại với nhau trong không khí thân tình, ít có cơ hội nhớ lại những kỷ niệm gia đình, ôn lại những truyền thống quý báu. Ngày Tết cho người ta cơ hội trở về với nhau, trở về với cội nguồn mà đôi khi người ta lãng quên vì vòng xoáy cuộc đời cứ xô đi mãi. Những tình cảm gia đình thiêng liêng quý báu cũng sống lại, mãnh liệt hơn trong niềm vui đoàn viên ngày Tết.
Trong ngày Tết, thắp ba nén hương dâng lên Đức Phật, tổ tiên ông bà, chính là bắc nhịp cầu thông cảm, gởi tấm lòng mình đến các bậc đã dày công sinh thành, dưỡng dục, dạy dỗ, khai tâm mở trí cho mình, thể hiện sự tri ân, là hướng tâm thành trở về nguồn cội, là trải lòng mình chan hòa với nguồn mạch tâm linh.
Hạnh Đức