Ân tình

GN – Khi má tôi còn, mỗi lần tôi từ Việt Nam về thăm gia đình ở Mỹ, bà luôn muốn tôi đổi ý, không trở lại Việt Nam nữa. Má lo lắng nói, “Con ở bên đó có một mình, anh chị em đều ở bên này. Có gì thì ai lo cho con? Có gì con nương tựa vào ai?”. “Có gì” của má bao gồm rất nhiều thứ: bệnh hoạn, thiếu thốn, tai nạn, cướp giựt, vân vân và vân vân.

Tôi cảm ơn vô vàn cuộc sống. Tôi cảm ơn vô vàn những người quen
hay không quen đã gián tiếp hay trực tiếp giúp đỡ tôi – Ảnh minh họa

Đúng là đối với cái nhìn của nhiều người ở Mỹ, ở Việt Nam có bao nhiêu hiểm họa – có tên và không tên – rình rập, đe dọa mạng sống con người từng phút giây. Nhiều người bạn hỏi tôi: “Chị không sợ không khí ô nhiễm sao? Thực phẩm tiêm hóa chất? Xe cộ ồn ào, náo loạn? Bệnh viện thiếu thuốc men? Cái giả, cái ác đang lộng hành…?”. Đúng là nếu tôi có thể tự trả lời hết những thắc mắc đó, thì chắc tôi cũng không dám bước chân về thăm, nói gì đến sinh sống ở đó.

Khi chọn lựa trở về, tôi cũng tự biết mình đang đặt cược với cuộc đời. Có thể tôi trụ được mà cũng có thể không. Nhưng tôi nghĩ người ta sống được thì mình sống được. Có thể hơi khó khăn hơn vì mình đã quen với bao tiện nghi ở xứ người. Nhưng cái chính là mình muốn làm gì với cuộc đời còn lại của mình? Đi làm kiếm tiền. Có tiền thì đi du lịch, đi mua sắm, rồi lại đi kiếm tiền tiếp. Cuộc sống đó có mang lại cho tôi sự bình an, hạnh phúc không? Tôi từng hỏi mình đêm ngày như thế trong mấy chục năm sống ở xứ người, trong những lúc hạnh phúc, cũng như khổ đau.

Chắc chắn là một mình tôi không thể làm điều đó, nếu tôi không có sự trợ lực của chư Phật. Nếu tôi không biết đến Phật pháp. Không biết suy gẫm về cuộc đời của Đức Phật: Một vị hoàng tử ở lầu vàng điện ngọc mà một bước đã từ bỏ tất cả, dễ dàng như mái tóc Ngài cắt xuống. Quay lưng với vợ con, những thứ mà người phàm phu coi như mạng sống của mình, sợi dây luyến ái ràng rịt khó thể gỡ ra…

Tấm gương sáng Ngài để lại như khí trời lồng lộng, làm sao tôi không hít thở được chút hương nồng vào buồng phổi của mình? Như ánh sáng bao phủ bầu trời, làm sao mắt tôi không thấy ánh hào quang? Đúng vậy, nếu không có duyên lành từ bao kiếp trước, tôi sẽ không tìm đường đến với Phật giáo. Không nghe được, hiểu được phần nào giáo lý của Ngài, làm sao tôi biết buông, biết đủ, biết sống có lý tưởng, biết sống vì người khác.

Tôi không biết với người khác thì sao, nhưng với tôi, rõ ràng Phật pháp nhiệm mầu dường bao. Những điều má tôi, gia đình, bạn bè lo lắng cho tôi không phải là vô căn cứ. Vậy mà hình như khi chúng xảy đến cho tôi thì đã được bàn tay nhân ái của chư Phật che chắn phần nào.

Căn nhà nhỏ tôi mới xây, mới vào ở, mới bắt điện. Một tối chập điện, khi tôi đang ở nhà một mình, lại đang tắm. Vậy mà tôi nghe được tiếng gỗ cháy. Khi tôi chạy ra, lửa đã bốc cao ở một góc nhà. Ai đã giúp tôi nghe được tiếng lửa cháy trên gỗ kịp thời? 

Đi cứu trợ, nhiều lần chúng tôi phải ngồi trên những chiếc ghe nhỏ tròng trành khi người ta lên xuống. Không biết lội, tôi rất sợ té sông. Vậy mà có một ngày, một người với thiện ý, thấy tôi loay hoay tìm cách đứng lên, đã nắm tay tôi kéo lên. Anh ta không ngờ tôi nặng ký, nên lảo đảo, thế là ghe lật, may mà ghe đã cặp bờ. Chỉ phải uống tí nước sình… Tôi cũng đã bị té xe, nhưng may quá không có xe tải trọng lớn ở phía sau. Tôi cũng đã bị giựt bóp, nhưng may quá, kéo lại kịp… Những may mắn đó tôi không cho là chuyện tình cờ.

Lúc quyết định bỏ việc, tôi cũng không biết mình sẽ xoay xở làm sao khi hết tiền dành dụm… mà vẫn còn phải sống? Một người đã chế giễu, “Thì ra ngồi bán xôi ở lề đường…”. Rồi tiền đâu để làm từ thiện? Liệu tôi có kêu gọi được ai không? Làm sao người ta tin tưởng những điều tôi nói? 

Nghĩa là tôi cũng có hàng trăm câu tự vấn về bao vấn đề của cuộc sống ở quê hương? Một lần nữa, tôi lại nghiệm thấy sự nhiệm mầu của Phật pháp. Trong lãnh vực này, chư Phật cũng sắp bày mọi thứ cho tôi. Trong mười năm, không kiếm được đồng nào, sống bằng tất cả tiền tiết kiệm của mình, tôi không bị đau bệnh ngặt nghèo phải tốn kém nhiều tiền bạc. Khi hết tiền thì vừa lúc được lãnh lương hưu, dầu ít ỏi nhưng cũng đủ sống và phần nào giúp đỡ người khác.

Rồi cũng do duyên lành, có những nhà hảo tâm rất rộng lượng, gõ cửa nhà tôi, dầu trước đó không quen biết. Tôi không biết nói hoa mỹ, nhưng người ta cũng nghe được, tin được. Nhờ những người bạn này mà hai mươi năm qua chúng tôi xây được hàng trăm lớp học, hàng chục chiếc cầu. Hàng trăm xe đạp, hàng ngàn món quà đến được với học sinh, người nghèo… Bạn hãy nói đi, nếu không phải có sự ‘nhúng tay’ của chư Phật, không có nhân quả của những thiện tâm thì có mơ tôi cũng không tưởng là mình trụ được ở quê hương, nói gì đến những chuyện khác.

Lại còn chuyện dịch sách… Cũng không phải là do sức tôi. Khi tôi bắt đầu dịch quyển sách đầu tiên của Ni sư Ayya Khema, tôi đã khấn nguyện Ni sư giúp sức, vì trình độ hiểu biết về giáo lý của tôi chỉ là con số không. Tôi đã nhiều lần phải ngưng lại vì lý do đó. Vậy mà rồi với sự giúp sức của chư Thiên, chư Bồ-tát, tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ.

Rồi cũng qua nhân duyên dịch sách mà tôi quen biết thêm nhiều bạn đạo. Có nhiều người tôi chưa một lần gặp gỡ cũng gửi thư sách tấn, góp phần ấn tống sách. Lại có bạn bỏ công sức dò sửa từng chữ sai chính tả của tôi (người mà thời đi học đã bị cô giáo văn phê vào học bạ: Nhiều lỗi chính tả quá…). Lại có chị bạn thỉnh thoảng lại gửi cho tôi bánh, mì, bì chay,… “để em lấy sức làm từ thiện”.

Tôi cảm ơn vô vàn cuộc sống. Tôi cảm ơn vô vàn những người quen hay không quen đã gián tiếp hay trực tiếp giúp đỡ tôi để tôi có thể sống theo lời Phật dạy.  

Má ơi, hãy yên lòng vì con đang được chư Phật hộ trì. Vì con đã gieo trồng được hạt giống Phật giáo từ nhiều đời kiếp. Vì con nguyện sẽ mãi được làm con của Đức Phật từ bi.

Diệu Liên-Lý Thu Linh

Ân tình
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH