GNO – Thế giới trẻ con luôn đầy ắp những niềm vui và sự tưởng tượng. Những niềm vui tuổi thơ ấy, luôn gắn với từng thời khắc ý nghĩa trong năm, trong đó có ngày Tết Đoan ngọ, còn gì vui hơn là được tròn xoe đôi mắt nhìn lên cây sào đầu làng, với bao chùm bánh trái cứ treo lủng lẳng. Thích thú nhất là được nhâm nhi từng chiếc bánh ú tro vàng như mật.
Bánh ú tro: dấu hiệu của ngày Tết Đoan ngọ
Có một điều thật lạ, dù thời gian cứ mãi trôi, tết này nối tết kia, rồi bao điều đổi thay, nhưng cảm xúc về những ngày tết, ngày vui trong năm vẫn giữ nguyên vẹn. Tôi vẫn còn cảm giác bồi hồi bổi hổi mong chờ. Từ dịp chờ ăn bát cơm gạo mới của mẹ, cho đến lần lượt từng dịp lễ, tết.
Những chiếc bánh quê mộc mạc, chân chất như người dân quê. Tôi thích ngắm nhìn nhất là những chiếc bánh tổ, xâu bánh ít hay đó là chùm bánh ú tro. Những chiếc bánh đậm đà tình quê. Nó không sặc sỡ màu sắc như những loại bánh quảng cáo, hay đa dạng kiểu cách như những chiếc bánh có trong các siêu thị.
Bánh ú tro thường có hình chóp, và đây là loại bánh giản dị từ cái tên gọi, cho đến cách làm bánh. Nó không nổi trội và xuất hiện thường xuyên như bánh chưng, bánh tét nhưng từ lâu bánh ú tro góp phần quan trọng vào nét đẹp văn hóa của người miền Trung. Nghe mẹ kể rằng, bánh ú tro là thức ăn dễ làm, cũng là thức ăn gắn với những lần chạy giặc, tha phương cầu thực trước đây. Thời hiện đại, nó không có mặt thường xuyên, mà chỉ lặng lẽ xuất hiện vào mỗi dịp Tết Đoan ngọ trong mâm cơm của mỗi gia đình.
Đây là loại bánh truyền thống và cách làm bánh ú tro khá đơn giản, không cầu kỳ, từ cách chọn nguyên liệu cho đến cách luộc bánh. Chỉ cần đôi bàn tay người làm khéo léo, và tỉ mẩn một chút.
Nguyên liệu làm bánh ú tro chủ yếu là nếp. Chọn loại nếp to hạt, chắc mẩy, phơi ít nhất là hai nắng. Nước tro ngâm nếp, là tro đốt từ những loại rơm khô nếp, vỏ bưởi. Đổ tro vào chậu, để tro thấm nước và chờ tro lắng xuống, sau đó lấy phần nước trong rồi đổ nếp vào ngâm một đêm, sau đó vớt ra. Lá gói bánh là lá dong lau sạch trước khi gói. Cho lượng nếp vừa đủ vào chiếc lá rồi gói lại, và bẻ mép hai đầu bánh sao cho thật đẹp, buộc lạt cho chặt.
Bánh gói xong, buộc thành từng chùm, mỗi chùm mười bánh rồi bắt đầu luộc. Kinh nghiệm luộc bánh thơm ngon và chín đều của mẹ tôi, đó là khi luộc phải canh chừng trong khoảng thời gian một cây hương. Cứ như thế hết lớp này đến lớp khác, bánh được sắp xếp gọn gàng, ngay ngắn vào trong nồi để luộc rồi vớt ra. Luộc bánh thật đơn giản, nhưng với tôi đó mà công việc thú vị nhất mỗi khi dịp Tết Đoan ngọ về.
Bánh ú tro luộc xong, mẹ thường mở cho tôi xem một chiếc – chiếc bánh chín vàng ươm của nếp ngâm tro, và sau đó lần lượt được sắp xếp từng chùm ra dĩa, như những kim tự tháp thu nhỏ, để thờ cúng ông bà tổ tiên.
Hương vị của bánh ú tro thơm ngon, nó không có vị béo như bánh chưng, bánh tét. Và cách thưởng thức bánh ú tro khác hẳn với hai loại bánh kia. Đó là khi ăn phải kèm theo mật ong hoặc đường. Bánh tro ăn nguội. Bánh tro vị lạt, dễ tiêu, màu vàng trong, mềm dẻo như miếng thạch rau câu. Trên hết, loại bánh ấy gắn bó với tuổi thơ của mỗi người.
Thân Thị Thanh Trâm