LTS: Được bắt nhịp và bám rễ trên mảnh đất Tây phương từ khá sớm, phương pháp thiền do Thiền sư Nhất Hạnh hướng dẫn đã tạo nên một ảnh hưởng rất lớn trong xu hướng tu tập của nhiều giới, nhiều người.
Trong khuôn khổ phác thảo một bức tranh chung về Thiền học Việt Nam đương đại, NSGN xin trân trọng giới thiệu cuộc phỏng vấn với Thiền sư Nhất Hạnh xoay quanh chủ đề về Thiền phái mà Thiền sư chính là người khai phát thành công tại Tây phương và nhiều quốc gia trên thế giới. NSGN
– Phóng viên: Xin Thiền sư cho biết, nhân duyên nào khiến Thiền sư chọn pháp môn tu Thiền trong đường hướng tu tập của mình?
– Thiền sư Nhất Hạnh: Hồi còn là học Tăng, tôi đã có dịp thực tập các phép Chỉ và Quán của thầy Trí Giả, các pháp quán Ngũ Ðình Tâm, và phép niệm Phật, nhưng một phần vì sự học hỏi còn chưa được sâu sắc, một phần vì sự hướng dẫn của các vị thầy y chỉ lúc ấy còn sơ sài, nên kết quả không có gì đáng kể. Lớn lên, tôi có dịp nghiên cứu về Thiền Tổ Sư, Thiền Công Án, Thiền Mặc Chiếu, và cũng đã cố gắng đem ra thực tập, nhưng cũng không đạt được những kết quả mình mong muốn. Mãi đến khi phải đối diện với các tình trạng chiến tranh, đất nước chia đôi, mẹ mất, sa sút tinh thần, mất ngủ, tôi mới quyết liệt nắm lấy pháp môn An Ban Thủ Ý mà thực tập để sống sót. Nhờ đem thiền Ðông độ trở về tắm ở dòng suối của Phật giáo Nguyên thỉ nên tôi mới tinh lọc được giá trị chân thật của Phật giáo Ðại thừa. Những thiền kinh căn bản của Nguyên thỉ như Niệm Xứ, Niệm Thân, An Ban Thủ Ý, A Lê Xá, An Nan Thuyết v.v… trong Hán tạng cũng như trong Pali tạng đã được tôi nghiên cứu kỹ lưỡng để đem ra thực tập. Giáo nghĩa hiện pháp lạc trú, các phép điều thân, điều tức, nhận diện cảm thọ, cảm xúc, quán chiếu tự tính các pháp v.v… hiện ra như một bó đuốc soi đường. Lúc bấy giờ tôi mới thấy được tính cách thiết dụng các kinh điển đại thừa như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Kim Cương, và tính cách nhất trí giữa hai truyền thống Nguyên thỉ và Ðại thừa. Tác phẩm nhỏ bé Bông Hồng Cài Áo là hoa trái đầu tiên của sự thực tập ấy. Tác phẩm Phép Lạ của Sự Tỉnh Thức, xuất bản lần đầu tại Việt Nam và Hoa Kỳ năm 1974 là chứng tích của sự thực tập, 1956-1972 là giai đoạn thai nghén và hình thành Thiền Làng Mai.
– Thưa, quan điểm về Thiền của Ngài là gì, và nền tảng lý luận về phương pháp ấy?
– Thiền sư Nhất Hạnh: Tôi nghĩ, bất cứ pháp môn nào có sử dụng năng lượng của Niệm và của Ðịnh đều mang tính chất thiền, kể cả các pháp môn Niệm Bụt và Trì Chú. Niệm và Ðịnh nếu thực sự có mặt thì sẽ đem tới Tuệ. Tuệ luôn luôn làm phát khởi Từ và Bi. Chính Tuệ sẽ tháo gỡ được những khó khăn của bản thân và giúp tháo gỡ những khó khăn của những người khác. Thiền có công năng chuyển hóa và trị liệu cho mình và cho người. Giải thoát trước hết là vượt thoát các tâm hành giận hờn, bế tắc, lo lắng, sợ hãi, tuyệt vọng, những khó khăn trong nội tâm và trong hoàn cảnh, giải tỏa được hiểu lầm, thực hiện được hòa giải và tha thứ. Vì vậy, thiền phải có tính cách thực dụng. Mình tháo gỡ được cho mình rồi mình mới có khả năng giúp người khác tháo gỡ. Công phu cũng như thành quả phải tập trung cả vào giờ phút hiện tại. Ðọc lại Lâm Tế Lục, mình mới thấy được rõ ràng cái quan trọng của giây phút hiện tại: tùy xứ tác chủ, lập xứ tắc chân, phép lạ là đi ngay trên mặt đất. Vì lý do đó cho nên Thiền có thể đi đôi tuyệt hảo với Tịnh: nếu tâm có Niệm và Ðịnh thì Tịnh Ðộ hiện tiền, không cần đi tìm Tịnh Ðộ ở tương lai và ở một nơi nào khác. Giáo lý Duy Tâm Tịnh Ðộ đã cung cấp nền tảng cho sự thực tập này: nếu tâm tịnh là độ tịnh, ở đâu mình cũng có thể ngồi ở tịnh độ, đi trong tịnh độ. Có tịnh độ bây giờ thì chắc chắn cũng có tịnh độ trong tương lai. Vì vậy người tu thiền cảm thấy thoải mái khi trì tụng bài sám: Nương tựa A Di Ðà, trong bản môn mầu nhiệm (Nhật Tụng Thiền Môn 2000). Các vị tổ sư như Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ đều có nói: Di Ðà là tự tính, là pháp thân của chính ta, không phải là một thực tại nằm bên ngoài.
– Nếu như có thể, xin khái quát phương thức tu tập căn bản của dòng Thiền mà Thiền sư hướng dẫn – bao gồm những gì, quá trình tu tập và cùng những ích lợi cụ thể thiết thực của nó trong đời sống hiện đại?
– Thiền sư Nhất Hạnh: Sự thực tập của giới xuất gia và cả của giới không xuất gia là nắm cho vững hơi thở, bước chân và an trú trong giây phút hiện tại để nhận diện tất cả những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống để được nuôi dưỡng, nhận diện những khổ đau để làm vơi nhẹ và cuối cùng để chuyển hóa và trị liệu: năng lượng để làm các công việc này là Niệm và Ðịnh. Mỗi giây phút của sự thực tập hằng ngày là để chế tác Niệm và Ðịnh. Niệm và Ðịnh đưa tới hiểu (Tuệ) và thương (Từ và Bi). Chính cái vốn liếng hiểu và thương ấy giúp mình tháo gỡ được những khó khăn cho mình và cho người. Các khóa tu tổ chức hoặc 90 ngày, 21 ngày, 7 ngày, 5 ngày, 3 ngày hay 1 ngày đều là để thực tập chế tác niệm, định và tuệ; những giờ ngồi thiền, đi thiền, chấp tác, pháp đàm, địa xúc, làm mới, xướng tụng… đều nhắm vào mục đích ấy. Phương pháp lắng nghe và ái ngữ giúp mình điều chỉnh tri giác sai lầm, giúp người khác điều chỉnh tri giác sai lầm, phục hồi tình huynh đệ, nuôi dưỡng hiểu và thương. Những khóa tu như thế đã được tổ chức khắp nơi, thường thường phải thuê các trường Ðại Học trong dịp Hè mới có đủ chỗ cho cả ngàn thiền sinh về tu tập trong nhiều ngày. Năng lượng hùng hậu của một tăng thân có tu có học lâu ngày rất cần thiết cho sự thành công của những khóa tu lớn như thế. Ít nhất phải có một tăng thân gồm có 60 vị vừa xuất gia vừa tại gia mới hướng dẫn được một khóa tu như thế. Khóa nào cũng chứng kiến sự chuyển hóa của những cặp vợ chồng, cha con, mẹ con, đem lại hòa giải, tha thứ, hạnh phúc. Sau những khóa tu như thế ai cũng muốn khi trở về địa phương thành lập một tăng thân để tiếp tục nuôi dưỡng sự thực tập cho bền bỉ. Hiện có cả hàng ngàn tăng thân như thế tại các nước Âu, Mỹ, Á và Úc. Các thành phố lớn như New York, London, Los Angeles đều có ít nhất mười tăng thân. Tăng thân là những nhóm người thực tập theo pháp môn Làng Mai, thường được gọi là Communities of Mindful Living. Từ Ðiển Làng Mai cũng như các web sites trang nhà liên hệ tới Làng đều cung cấp địa chỉ của những tăng thân như thế để mọi người có thể tìm tới tham dự.
Thiền sinh thực tập theo pháp môn Làng Mai đều thọ trì Năm Giới và Giới Tiếp Hiện. Trong pháp tu Làng Mai, Niệm là bản chất của Giới. Cho nên vị nào thực tập Năm Giới và Mười Bốn Giới và các Uy Nghi cho vững vàng thì vị ấy sẽ dễ thành công hơn trong công phu thiền tập. Có những khóa tu được tổ chức cho những giới chức nghiệp đặc biệt như các vị chuyên về Tâm Lý Trị Liệu, các vị Giáo Chức, các vị chuyên về Bảo Hộ Sinh Môi, các vị chuyên về ngành An Ninh, các vị Văn Nghệ Sĩ, Diễn viên và Sản xuất Ðiện Ảnh, các vị Doanh Nhân, các vị Dân Biểu Quốc Hội v.. v… Trước khi mở những khóa đặc biệt như thế, mình phải học hỏi về những khó khăn và khổ đau của họ để có thể đưa ra những pháp môn thực tập thích hợp và hữu hiệu.
– Phương pháp tu Thiền mà Thiền sư đang hướng dẫn có thể gọi là gì?
– Thiền sư Nhất Hạnh: Làng Mai chưa từng có ý đặt tên cho sự thực tập của mình. Các bạn thiền sinh Tây phương khi viết và nói về Làng Mai hay dùng danh từ “Thiền Làng Mai” hoặc “In the tradition of Thích Nhất Hạnh”. Có một hôm nhìn lại tôi bỗng ngạc nhiên thấy sao mà pháp môn Làng Mai đi đúng con đường Thiền Sư Tăng Hội đã vạch cách đây 18 thế kỷ quá: sử dụng các kinh thiền nguyên thỉ làm nền tảng cho sự thực tập, nhưng với tinh thần của Phật giáo Ðại Thừa! (Thiền Sư Tăng Hội có nói : An Ban là đại thừa của chư Phật, có mục đích cứu độ chúng sanh). Tôi cũng thấy sao mà pháp môn tu tập Làng Mai trung thực với tinh thần Lâm Tế Lục một cách không ngờ được như thế! Ðây là tình cờ hay là có chủ ý? Có chủ ý thì tôi thấy mình chưa bao giờ có chủ ý, nhưng tình cờ thì tôi không tin là tình cờ được. Không có cái gì tình cờ. Phải có những động lực nào thúc đẩy trong chiều sâu tâm thức. Tôi nghĩ đó là năng lượng dẫn dắt của chư vị tổ sư.
– Xin Thiền sư cho biết sự phát triển hiện nay của dòng Thiền do thiền sư hướng dẫn, trên thế giới và Việt Nam?
– Thiền sư Nhất Hạnh: Cho đến ngày 06.08.2008, chúng tôi đã độ được 515 người xuất gia của 31 quốc tịch, và đào tạo được suýt soát 300 vị giáo thọ vừa xuất gia, vừa tại gia. Số lượng này còn quá ít không thể thỏa mãn được những nhu cầu khắp nơi. Có những trung tâm tu học đã được thiết lập tại Tây Phương : Các Tu Viện Bích Nham (Nữu Ước), Lộc Uyển (Cali), Rừng Phong, Thanh Sơn, (Vermont), Mộc Lan (Mississipi) ở Hoa Kỳ, Làng Cây Phong ở Canada, Làng Sen Búp, Làng Trúc Xanh ở Úc, các trung tâm Từ Thị ở Bavaria, Trung Tâm Suối Thương ở Berlin (Ðức). Pháp môn Làng Mai hiện đang được thực tập ở ít nhất là 50 quốc gia. Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu (The European Institute of Applied Buddhism) gọi tắt là EIAB vừa được thiết lập ở Ðức để góp phần đào tạo thêm các vị Giáo Thọ.
-Liên hệ giữa Thiền và Giáo như thế nào trong pháp môn Làng Mai ?
– Thiền sư Nhất Hạnh: Nhìn vào cách học và thực tập ở Làng Mai ta có thể thấy được sự nhất trí của Thiền và Giáo một cách rõ ràng. Các kiến thức về Duy Biểu do các tác phẩm Duy Thức Học cung cấp, các kiến thức về A Tỳ Ðạt Ma do các bộ Luận như Câu Xá, Thành Thật, Thanh Tịnh Ðạo, Giải Thoát Ðạo v..v.. đều có ích lợi cho sự thực tập Thiền bởi vì chúng giúp cho hành giả biết rõ hơn về cách vận hành của tâm thức. Thiền sư Thường Chiếu ngày xưa đã nói: “Biết rõ về cách vận hành của tâm thức thì sự thực tập trở nên dễ dàng hơn”. Các kinh điển lớn của Ðại Thừa như Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Bảo Tích, Pháp Hoa đều đóng một vai trò quan trọng trong thiền tập. Khi học các kinh này, thiền sinh luôn luôn phải đặt câu hỏi: Những giáo lý uyên thâm trong kinh này phải được áp dụng như thế nào để tháo gỡ những khó khăn nội tâm mà hành giả đang mắc phải ? Cho nên giữa cái học và cái hành có một liên hệ rất thân thiết. Sách Nhật Tụng Thiền Môn có một buổi Công Phu Niệm Bụt với màu sắc Tịnh Ðộ Tông và một buổi Công Phu Thí Thực có màu sắc Mật Tông. Hành giả cảm thấy thoải mái với cả hai truyền thống này. Chắc quý vị còn nhớ là năm 2007 các thiền sinh Làng Mai đã tham dự các Ðại Trai Ðàn Chẩn Tế Bình Ðẳng tại Ba Miền Việt Nam với rất nhiều thoải mái trong có các buổi thiền tọa, thiền hành, pháp thoại… Các kiến thức về khoa sinh học mới, nhất là về khoa thần kinh não bộ, về khoa lượng tử học cũng như kinh nghiệm của các trường phái tâm lý trị liệu Tây Phương cũng đóng góp rất nhiều cho sự giảng dạy và thực tập ở Làng Mai. Thiền Làng Mai không có tính trừu tượng, trái lại rất cụ thể: thiền sinh nào cũng đều thực tập thiền hướng dẫn một thời gian mới có thể tự quán chiếu một mình; Các sách tập thiền căn bản như Sen Búp Từng Cánh Hé, Phép Lạ của sự Tỉnh Thức, Từng Bước Nở Hoa Sen, Chỉ Nam Thiền Tập cho Người Trẻ v…v… đều có thể được sử dụng như những thiền phổ cho người mới bắt đầu thực tập. Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu với các khuôn viên của Viện ở Ðức, Pháp, Hoa Kỳ v..v.. có mở những khóa tu thiền rất thực tiễn cho thiền sinh như những khóa tu dành cho những người đang khổ đau vì mất người thân, cho những người vừa khám phá ra rằng mình có bệnh nan y, cho những cặp cha con vợ chồng đang có khó khăn trong việc truyền thông, cho những cặp nam nữ đang có dự tính kết hôn v..v.. Những khóa tu ấy rất thực dụng và đều đi về hướng Ðạo Phật Nhập Thế, ai cũng có thể ghi tên theo học và thực tập mà không nhất thiết cần phải là Phật tử.
-Thiền sư nhận định gì về tình hình tu tập ở Việt Nam hiện nay? Phương pháp tu hành của Ngài đóng góp như thế nào cho vấn đề tu tập ấy và tương lai của nó?
– Thiền sư Nhất Hạnh: Cái học của chúng ta hiện rất từ chương. Tôi rất mong Phật giáo Việt Nam sớm đi về hướng nhập thế và thực dụng để có thể đóng góp cụ thể cho hạnh phúc dân tộc và đất nước. Cái học và cái hành phải đi song song (hành giải tương ưng). Rất mong tại các Viện Phật Học, các vị giáo thọ và các học tăng được thực tập với nhau, sống với nhau, ngồi thiền, bái sám, đi thiền hành, ăn cơm chánh niệm, chấp tác với nhau… như trong truyền thống các tu viện ngày xưa. Có như thế người học tăng mới tiếp nhận được từ kinh nghiệm và phong cách của các bậc thầy của mình. Hy vọng pháp môn Làng Mai có thể đóng góp một phần nhỏ vào hướng đi ấy. Chúng ta có thể tổ chức cho các vị giáo thọ và sinh viên các Viện Phật Học, thỉnh thoảng về các tu viện Làng Mai tại Âu Mỹ hay tại Việt Nam để thăm viếng, cắm trại và quán sát cách học, cách tu của những nơi này. Có thể đó là một trong những phương thức vui tươi nhất để tìm hiểu và đối thoại mang ích lợi cho cả hai phía truyền thống.
Chúc Phú – Quảng Kiến(thực hiện)
(*) Tựa đề của NSGN Theo, Nguyệt San Giác Ngộ số 150/ tháng 9/2008