Cụm di tích lịch sử văn hoá đền thờ và lăng miếu vua Trần: Cần một biện pháp bảo vệ tổng thể

Trước lăng vua Trần Hiến Tông.Theo đánh giá của giới chuyên môn, hầu hết di vật còn lại tại đền An Sinh nơi thờ bát vị vua Trần và các lăng mộ vua Trần tại xã An Sinh, huyện Đông Triều đều mang giá trị lịch sử, văn hoá lớn lao, một số di vật còn biểu hiện nét riêng biệt chỉ có tại đây. Tầm quan trọng là thế song trong những năm gần đây công tác bảo vệ, bảo quản các di vật này chưa được quan tâm đúng mức, nhiều di vật đang có nguy cơ bị phá hoại, thất thoát.

Trong lịch sử, đền An Sinh được xây dựng với quy mô lớn; tuy nhiên trải qua thời gian, các công trình kiến trúc cổ đã bị huỷ hoại từ lâu, nhiều cổ vật cả trên mặt đất và dưới lòng đất, đã bị kẻ gian đào bới, đập phá hoặc lấy cắp. Những năm 1990, các nhà khảo cổ học vẫn còn ghi lại hình ảnh các tượng đá còn nguyên vẹn hình dáng, nghệ thuật điêu khắc, trang trí, song hiện nay phần nhiều đã bị đập vỡ làm biến dạng. Nhờ những cuộc khai quật gần đây một loạt các di vật đã được tìm thấy và tập trung tại đền. Hiện đền An Sinh đang lưu giữ nhiều tảng kê chân cột (bằng đá xanh và đá cát kết), thềm bậc đá, tượng đá, bia đá (1 bia thời Nguyễn, 2 bia thời Lê), bát hương đá, một số đồ đồng, đặc biệt còn khá nhiều vật liệu và cấu kiện trang trí kiến trúc bằng đất nung có niên đại cách xa ngày nay từ 200 đến 700 năm như mảnh tháp, gạch, ngói, tượng các linh thú v.v… Các hiện vật này số ít được đem trưng bày, còn lại chất đống ở góc nhà, góc vườn v.v… để mặc cho mưa nắng bào mòn…

Hệ thống các Lăng vua Trần bao gồm Khu Lăng Tư Phúc (thờ Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Giản Định), Thái lăng (thờ Trần Anh Tông), Mục lăng (thờ Trần Minh Tông), Ngải Sơn lăng (thờ Trần Hiến Tông), Phụ Sơn lăng (thờ Trần Dụ Tông), Nguyên lăng (thờ Trần Nghệ Tông), Đồng Hỷ lăng (thờ Trần Thuận Tông). Anh Kiều Đinh Sơn, cán bộ Ban Quản lý các di tích trọng điểm cho biết: Tại các lăng mộ này, qua khảo sát bề mặt thấy xuất lộ rất nhiều di vật, đặc biệt trong lòng đất thấy có nhiều di vật quý, mà qua đó có thể khám phá ra những nét mới về kiến trúc, nghệ thuật xây dựng cũng như quy mô công trình. Ví dụ như tại lăng Tư Phúc trên mặt đất thấy nhiều mảnh vỡ gạch, ngói có niên đại Trần, Lê, ngói ống úp nóc, góc mái, các chi tiết của đầu rồng, đồ sành sứ của nhiều thời kỳ; dưới lòng đất ở khu vực này thấy các tảng kê chân cột còn ở nguyên vị trí. Điều này cho thấy nếu tiến hành khai quật có thể tìm thấy mặt bằng kiến trúc cổ của lăng… Tại Ngải Sơn lăng có nhóm tượng quan hầu bằng đá như tượng người, linh thú… được coi là những tác phẩm nghệ thuật tạo hình hiếm hoi của thời Trần còn lại. Qua chúng, các nhà nghiên cứu có thể khắc hoạ rõ nét về nghệ thuật điêu khắc, phong cách tạo hình, điều mà từ trước đến nay vẫn chưa có nhiều cơ sở để khẳng định.

Tuy nhiên hiện nay hầu hết phần diện tích xuất lộ di vật của các lăng đều không thuộc khuôn viên lăng, gây khó khăn rất lớn trong quá trình khai quật, nghiên cứu hiện tại cũng như công tác trùng tu tôn tạo sau này. Chẳng hạn như diện tích này ở lăng Tư Phúc nằm trong sự quản lý của Lâm trường Đông Triều và được giao cho các hộ gia đình trồng cây ăn quả, lấy gỗ. Một số gia đình trong đó đã xây nhà kiên cố 2, 3 tầng. Khu vực xuất lộ di vật của Mục lăng hiện nằm hoàn toàn dưới lòng hồ. Trại Lốc, Ngải Sơn lăng, Phụ Sơn lăng, Nguyên lăng nằm trong diện tích đất thổ cư và đất vườn, đất giao khoán trong vòng 50 năm cho các hộ gia đình. Ngoài ra tại các lăng vua Trần, một phần các di vật trên mặt đất và trong lòng đất đã được phát hiện bị phá hoại nghiêm trọng. Ví dụ tại khu vực Ngải Sơn lăng, 2 pho tượng quan hầu bằng đá xanh trong tư thế đứng chắp tay trước ngực và tượng rùa đỡ bia đá đều bị mất phần đầu, thân gãy làm đôi, các tượng linh thú gồm chó, ngựa, voi đá v.v… đều bị đục đẽo, không còn nguyên vẹn. Theo những hộ dân sinh sống gần lăng cho biết hầu hết tượng trên bị huỷ hoại do bàn tay con người, trước đây phần lớn số tượng này đều còn nguyên vẹn hoặc chỉ bị nứt vỡ nhỏ. Mặc dù đã bị xâm hại ở mức trầm trọng, song đến nay công tác bảo quản số tượng này vẫn tỏ ra chậm chạp. Hiện các tượng quan hầu đá vẫn đang để ngổn ngang trong và ngoài khuôn viên lăng.

Ngoài các công trình kiến trúc trên, cụm di tích Đền thờ và Lăng miếu vua Trần còn phải kể đến đền Thái. Đây được coi là Thái miếu của vương triều Trần thờ Tam Thánh tổ Trần triều là Thái Tổ, Thái Tông và Thánh Tông hoàng đế. Qua khảo sát tại đây phát lộ nhiều di vật quý có niên đại từ thời Nhà Lê, Trần, Nguyễn, song hiện nay toàn bộ diện tích này cũng đã được giao cho người dân, trong quá trình người dân đào hố làm vườn đã làm xáo trộn, rất khó có thể nhận diện chính xác và đầy đủ các di vật…

Di vật tại cụm di tích Đền thờ và Lăng miếu vua Trần là những tư liệu hết sức quan trọng trong công tác nghiên cứu, trùng tu cũng như trưng bày, phát huy giá trị. Bởi vậy hơn lúc nào hết cần làm ngay các biện pháp bảo vệ, bảo quản di vật. Trước mắt nên thu gom, bảo quản di vật để tránh thất thoát. Đối với các di vật bị gãy vỡ nên gắn chắp lại theo đúng nguyên tắc phục chế cổ vật. Hiện nay nhiều di vật tại cụm di tích này đã được đưa vào các phòng trưng bày tại chỗ, tuy nhiên hình thức trưng bày còn lộn xộn, sơ sài, chưa tôn vinh được giá trị cho cổ vật… Đây là những điều mà cơ quan chức năng cần có biện pháp khắc phục ngay.

Việt Hoa (Quảng Ninh)

Cụm di tích lịch sử văn hoá đền thờ và lăng miếu vua Trần: Cần một biện pháp bảo vệ tổng thể
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH