Tường rào phía sau chùa Một Cột là tiếp nối khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng ở nơi này, cũng nham nhở tro bụi, dấu vết của việc hóa vàng, đốt rác cùng với những mảnh vỡ của bát, chai lọ, bình, vại v.v…, khiến cả cảnh quan lẫn môi trường đều bị ảnh hưởng
Nhân dịp bạn tôi cùng người thân về nước dự Hội nghị những người Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi cùng nhau đến thăm chùa Một Cột, di tích Quốc gia nổi tiếng, để biết thêm về biểu tượng của Thủ đô văn hiến cả ngàn năm qua bên thềm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội ra sao.
Chiều chủ nhật, nắng vàng thật rực rỡ, nhưng thời tiết vẫn lạnh. Chúng tôi hòa vào dòng người đủ mọi quốc tịch, đặt bước đến ngôi chùa có nhiều nét độc đáo nhất Việt Nam với bao niềm háo hức. Để rồi, đã thật ngạc nhiên khi thấy ở đây dường như vẫn chưa có vẻ thực sự chuẩn bị đón ngày Đại lễ 1.000 năm tuổi, dẫu trong thời điểm Hà Nội đang náo nức chuẩn bị bước vào thời điểm trọng đại.
Ngay cổng chùa, loang lổ một tấm biển đã bị tróc lở với hàng chữ: “Di tích đã xếp hạng, cấm vi phạm”. Trước sân ngôi chùa linh thiêng, mấy quán hàng bán hoa quả, bánh kẹo với lôm côm đủ các thùng chứa hàng, bàn ghế nhấp nhô, ô dù các kiểu, in đủ loại quảng cáo từ Lavie đến Trà xanh, đầy vẻ tạm bợ.
Chùa Một Cột – biểu tượng của Thủ đô Hà Nội
Đã thế, phía dưới một chiếc ô cũ kỹ và rách nát, là một đống rác lớn đặt ngay khu vực trước bờ rào bao quanh chùa, sát các ghế đá dành cho du khách nghỉ chân. Không hiểu ai nghĩ ra và cho phép tập kết rác ở một vị trí phản cảm như thế, trong khi đây không phải là nơi thích hợp cho việc này?
Rõ ràng là, chỉ ngay những điều đầu tiên đập vào mắt, đã làm mất đi vẻ tôn nghiêm của ngôi chùa vốn không chỉ dân chúng, mà các bậc vua chúa của các vương triều suốt ngàn năm qua đều sùng kính linh thiêng.
Tường rào phía sau ngôi chùa là tiếp nối khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng ở nơi này, cũng nham nhở tro bụi, dấu vết của việc hóa vàng, đốt rác cùng với những mảnh vỡ của bát, chai lọ, bình, vại v.v…, khiến cả cảnh quan lẫn môi trường đều bị ảnh hưởng.
Trong khi ở các ngôi chùa, hay những nơi được thờ cúng khác, hiện đã đươc chú ý xây dựng các lò hóa vàng hương, vừa gọn sạch, vừa vệ sinh môi trường, thì ở ngôi chùa thiêng này, chểnh vểnh chiếc lư đã đầy ắp chân hương, mà có thể dễ dàng hình dung đươc, nếu đốt lên, sẽ khói bụi ra sao!
Các thông tin về ngôi chùa dành cho khách cũng thật ít ỏi. Ở cổng chùa, một tấm biển nhỏ giới thiệu sơ lược về di tích, chỉ vỏn vẹn 11 dòng bằng tiếng Việt và cũng tương tự số dòng như thế bằng tiếng Anh và tiếng Pháp.
Không nên tập kết rác ngay nơi du khách nghỉ chân
Nếu chỉ căn cứ vào những dòng chữ “tiết kiệm” này, chắc chắn, du khách không thể hiểu vì sao ngôi chùa lại là biểu tượng của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, cũng như có giá trị trong đời sống tâm linh của người Việt như thế nào. Khách nước ngoài đi theo tour và có hướng dẫn viên thì còn hiểu biết về chùa, còn khá đông khách tham quan tự do thì chỉ “ngó nghiêng” và thông tin về ngôi chùa chỉ dừng lại ở 11 dòng chữ trên tấm biển.
Chị bạn tôi muốn có các thông tin đầy đủ và chính xác về ngôi chùa, để mang ra nước ngoài làm kỷ niệm, cũng là để “khoe” với bạn bè về một di tích lịch sử nổi tiếng từ bao đời, nhưng việc tìm kiếm một tờ rơi giới thiệu về chùa quả không dễ dàng.
Trong khu vực di tích, duy nhất bên lối vào chùa lễ Phật, có một tờ giấy ghi dòng chữ “Quầy thông tin” đặt trên chiếc tủ kính, nhưng thực tế thì chiếc tủ trống trơn, cũng không có ai để hỏi han, chúng tôi mới được một người đàn ông đang tưới cây ở chùa cho biết: Ở đây, không cửa hàng nào bán tờ rơi giới thiệu về chùa Một Cột, chỉ có “Quầy thông tin” ở cửa chùa bán cuốn sách về chùa, nhưng hôm nay thì… không bán.
Tôi gặp anh Phạm Hồng Cường, DKT 49, DH7, Đại học Hàng Hải từ Hải Phòng lần đầu đến thăm chùa Một Cột, cũng không hiểu vì sao ngôi chùa lại được dựng trên mặt nước và vì sao mà ngôi chùa lại đươc các triều vua đất Việt tôn sùng thành kính? Người Việt đã “ngơ ngác” vậy, nói chi người nước ngoài đến Việt Nam?
Cô bạn tôi sống ở châu Âu nhiều năm và đã đi du lịch khá nhiều nước, nên không giấu đươc sự ngạc nhiên. Cô cho biết, ở các nước, với một di tích không chỉ độc đáo về mặt kiến trúc, mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của cả một dân tộc như thế này, thường thu hút du khách cả trong nước lẫn quốc tế. Do đó, các thông tin về di tích thường được chuẩn bị rất sẵn, nhằm quảng bá và hút khách đến đó nhiều hơn, để khi hiểu rồi, mỗi du khách sẽ chính là những người tiếp thị quan trọng sau khi trở về đất nước. Song ở đây, dường như còn không dễ dàng cho du khách nếu muốn tìm hiểu.
Ở nhiều nước, tại các di tích, đa phần đều phát miễn phí tờ rơi in thông tin cơ bản về di tích như một hình thức quảng cáo. Cũng không thể thiếu biển giới thiệu chi tiết như: Bản đồ về di tích, các điểm nhấn về lịch sử của di tích bằng 2 thứ tiếng: Tiếng địa phương và tiếng Anh. Các di tích còn có website riêng để giúp du khách tìm hiểu thông tin qua mạng.
Ngoài ra, các di tích, danh thắng đều có một trung tâm thông tin, các quầy sách báo và đồ lưu niệm về chính nơi ấy, chưa kể các quầy của tư nhân. Ở các điểm di tích, danh thắng, luôn đầy đủ các thông tin, để du khách có thể tìm kiếm bất kỳ thông tin nào về nơi mình đến mà không phải quá mất công như ở ta. Đó không chỉ là giúp du khách, mà là cách quảng bá hữu hiệu cho chính địa danh đó, để lượng khách không ngừng tăng lên.
Mong muốn rằng, chùa Một Cột sẽ được quan tâm hơn về nhiều mặt, để xứng với danh tiếng ngôi chùa nghìn năm tuổi “có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam” tự hào sánh vai cùng Thăng Long – Hà Nội bước vào ngày Đại lễ.
Chùa Một Cột (còn gọi là Diên Hựu) là ngôi chùa đươc xác lập kỷ lục “có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam”, hiện thuộc phường Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Chùa chỉ có một gian nằm trên một cột đá ở giữa hồ Linh Chiểu, được xây dựng vào mùa đông năm 1049, theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028-1054) và gợi ý thiết kế của sư Thiền Tuệ. Chùa là một Quốc tự, hàng tháng cứ rằm, mồng một, vua đến đặt lễ cầu phúc.
Khi chưa có hoàng tử, vua Lý Thái Tông thường đến đó cầu nguyện. Một đêm nằm mộng thấy Phật Bà Quan Âm mời lên trên lầu, ôm một đứa bé đặt vào lòng vua và liền đó, hoàng hậu có mang hoàng tử. Vua bèn sửa thêm ngôi chùa Diên Hựu (phúc lành dài lâu) ở bên phải chùa Một Cột để mở rộng việc thờ cúng.
Năm 1105, vua Lý Nhân Tông cho sửa chùa và dựng trước sân 2 tháp lợp sứ trắng. Năm 1108, Nguyên phi Ỷ Lan sai đúc một cái chuông rất to, đặt tên là “Giác thế chung” (chuông thức tỉnh người đời), được xem là một trong tứ đại khí của Việt Nam thời đó. Chùa Một Cột được trùng tu vào khoảng 1840-1850, năm 1922 và được sửa chữa lại năm 1955.
Ngô Giả (CAND)