GN – Có lẽ do một thiện duyên nào đó trong quá khứ nên dù mới gặp lần đầu, thầy trụ trì ngôi chùa rất to đẹp này mời tôi đến bộ ghế trường kỷ ngồi rồi lấy trà bánh ra đãi đằng và vui vẻ chuyện trò cùng tôi khá lâu. Ngoài những câu hỏi xã giao, những chuyện liên quan đến Phật sự, thầy kể cho tôi nghe về nhân duyên và cuộc đời tu hành của thầy…
Ảnh minh họa
Thầy vốn xuất thân từ gia đình có thể nói không biết gì nhiều về Phật pháp. Nhưng bấy giờ là thời chiến tranh, khi thầy sắp đến tuổi quân dịch, muốn con không bị bắt đi lính, cha thầy đã tìm cách gởi thầy vào một ngôi chùa trong quận để xuất gia thành Tăng sĩ.
Thầy kể rằng trong thời gian đó, trong vùng này có một người đàn bà thường bị vong của một cậu bé nhập vào, nên người ta gọi bà là Cậu. Bà này coi bói rất giỏi, nói rất đúng về quá khứ, vị lai của nhiều người nên rất nổi tiếng trong vùng; lính tráng, sĩ quan, công chức, dân chúng kéo nhau đến xem rất đông. Trước khi đưa con vào chùa xuất gia, cha thầy có dẫn thầy đến nhờ Cậu xem. Chưa kịp trình bày thì Cậu nói liền, thằng này vô chùa tu được, còn hậu vận bị che mất rồi, không thấy gì cả, nhưng cứ vô chùa tu đi! Thế là thầy được gia đình cho vào chùa tu từ dạo ấy…
Đến khi miền Nam được giải phóng, chính quyền quốc gia sụp đổ, từng đoàn người reo hò, cờ xí rợp trời mừng cách mạng thành công thì do nhiều lý do và hoàn cảnh khác nhau, trong chùa mười mấy Tăng sĩ cũng lột bỏ áo tu, trở về nhà cưới vợ, sinh con, sống một cuộc sống cư sĩ bình thường. Riêng thầy, thầy quyết định ở lại!
Vị sư trụ trì ngạc nhiên hỏi:
– Ủa, sao con không về luôn đi?
Thầy chắp tay trả lời:
– Dạ, con ở lại tu với thầy.
Từ đó, chùa chỉ còn có hai thầy trò, một trẻ, một già, trải qua bao gian khó, cực nhọc, đói kém do mất mùa, dịch rầy nâu hoành hành ở những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, khó khăn đủ chuyện nhưng cả hai thầy trò vẫn kiên trì theo bước chân của Đức Phật. Rồi vị sư trụ trì cũng viên tịch, thầy vẫn kiên trì tiếp bước con đường tu hành cho tới ngày nay. Được Tam bảo hộ trì, thầy và Phật tử cùng chung tay xây dựng nên ngôi chùa khang trang tươi đẹp này. Hiện Phật tử và dân chúng trong vùng về nương ngôi chùa này tu học, sống tốt đời đẹp đạo ngày càng đông.
Nghe thầy kể chuyện, lòng tôi xúc động lạ thường! Nhớ lại một mẩu chuyện trong kinh Phật, đại để là có một buổi, dù các đại đệ tử đã ba lần cầu thỉnh mong Đức Phật Thích Ca giảng pháp nhưng cả ba lần Ngài đều từ chối. Mãi cho đến khi số Tăng sĩ không kiên trì tu học bỏ về hết, Ngài mới bắt đầu giảng pháp, với câu khởi đầu:
– Bây giờ hạt lép đã hết, chỉ còn những hạt chắc. Ta sẽ vì đó mà giảng pháp vi diệu…
Giã từ thầy ra về, tôi ngẫm nghĩ: Đến với Phật pháp thì nhiều, nhưng muốn thành hạt chắc như lời Đức Phật Thích Ca dạy thì người Phật tử phải có đủ tín-hạnh-nguyện hay tâm và hạnh với Tam bảo nặng sâu, nếu không sẽ như hạt lép trôi đi không có ích lợi gì trên đường đạo, đường đời.
Hương Đức