Quay đầu là bờ

GN – Nhiều người dân ở quê tôi đều có chung nhận xét: Ông Tâm là người nữ tính, nặng về khẩu nghiệp, bởi ông ghét bia rượu, thuốc lá, không thích bóng đá…, chỉ thích tán gẫu, chơi đùa với “phái đẹp” và nói toàn những chuyện trên trời dưới đất, ông thường tụm dăm tụm bảy với mấy bà ngoài chợ hoặc bất kỳ ở đâu để bàn thế sự.

Hễ làng trên xóm dưới hoặc gia đình nào có chuyện to tiếng, cãi vã, gây gổ, đánh nhau… ông đều biết rất rõ, và sẵn sàng tường thuật lại cho những ai có nhu cầu theo lối “tam sao thất bản”. Ông có tài kể chuyện, tùy theo tính chất câu chuyện mà ông thay đổi giọng điệu, âm thanh, kết hợp với cử chỉ, điệu bộ… rất thu hút người nghe. Khi bị chỉ trích là người đàn ông không đứng đắn, người thị phi, ông lại lớn tiếng bảo vệ quan điểm sống của mình: Đó là sở thích của riêng tui, đừng nói làm chi cho mệt, vô ích, tui chẳng nghe đâu!

Một hôm có hai chị ở khác xóm cãi vã om xòm, suýt đánh nhau đã kéo đến nhà ông để đối chất, nhằm phân rõ đúng sai. Thế là ông một phen bị vạch mặt vì tội thêu dệt, nhiều chuyện. Đã có không ít ngôn từ nhằm mỉa mai, chế giễu sự thiếu đứng đắn dành cho ông, nào là “con đỉa hai vòi”, “trung tâm rắc rối”. Vợ ông cũng hổ thẹn lây, bà cũng nhiều lần kịch liệt phê phán: “Tất cả tại ông, người ta mắng nhau, gây hiềm khích, chia rẽ, xáo trộn tình cảm cũng do cái miệng loa của ông mà ra, từ nay ông hãy bỏ cái tính xấu ấy đi cho mẹ con tui nhờ”. Mỗi lần bị vợ “lên lớp” ông chỉ im lặng, cười khẽ, mím môi rồi lủi thủi vào nhà tìm việc làm cho đỡ thẹn.

Nhưng từ hôm chùa làng có Thầy về trụ trì, người ta thấy ông thưa dần việc tụm dăm tụm ba với chị em, ít lân la đây đó để thị phi đàm tiếu. Thỉnh thoảng ông lại đến chùa giúp Thầy những việc lặt vặt như cuốc đất, làm cỏ, quét nhà… Như có cơ duyên với Phật pháp, ông cảm thấy thích đi chùa. Vườn nhà hễ có bó rau, trái bí, củ khoai ông đều mang đến biếu Thầy lấy thảo. Vợ ông mừng thầm trong bụng vì thấy ông dần thay đổi tính nết, quan tâm đến công việc nhà nhiều hơn, ít nói lời cay độc, xóc xỉa, những chuyện rắc rối phiền toái đâu đâu cũng không còn xảy ra trong gia đình như trước đây. Bà cảm nhận một cuộc sống bình yên đang bắt đầu…

Đặc biệt, ngay sau lễ nhập tự, ông tình nguyện công quả nhận nấu cơm cho Thầy. Nghĩa cử tốt đẹp đó đã làm cho nhiều người trong và ngoài đạo Phật lâu nay vốn không ưa thích ông cũng phải trố mắt nhìn nhau, ngạc nhiên và thán phục. Và thực sự, ông đã làm rất tốt công việc của mình. Vài tháng sau, Thầy trụ trì gọi ông lại, bảo: “Cảm ơn anh đã giúp Thầy trong giai đoạn khó khăn nhất, bây giờ chùa đã có phần ổn định Thầy không dám làm phiền anh nhiều nữa”.

Ông bộc bạch phát nguyện: “Thầy cứ yên tâm, việc nấu nướng bếp núc con quen rồi! Thầy cho con được làm công quả để bòn chút phước”. Thế là ông tiếp tục lo cơm nước cho Thầy trong sự ngỡ ngàng lẫn thán phục của nhiều Phật tử.

Có lần Thầy đi họp trên Giáo hội tỉnh nên báo không dùng cơm trưa, thế là ông yên tâm đi dự lễ tân gia của một người bạn. Mới vào tiệc chừng 15 phút, chuông điện thoại reo: “Anh Tâm à! Kế hoạch thay đổi nên trưa ni Thầy về ăn cơm nghen!”. Bỏ tiệc nửa chừng, ông tức tốc phóng xe về để lo cơm nước cho Thầy. Sự nhiệt tình và lòng trung hậu của ông đã làm cảm động đến nhiều người trong chùa, trong thôn và cả chính Thầy trụ trì.

Gần đây, một bác trong khuôn hội tình cờ đi chợ gặp vợ ông, chia sẻ: “Ông Tâm dạo này khác lắm, thay đổi toàn diện, quay ngoắt 360 độ luôn”. Được khen đúng lúc, vợ ông như mở cờ trong bụng, bà cảm thấy giải tỏa phần nào nỗi ấm ức lâu nay về chồng, cười tủm tỉm: “Cảm ơn bác! Nhà con tiến bộ như ngày nay là nhờ sự dìu dắt của Thầy trụ trì đó ạ!”. Hai người nắm chặt tay nhau, tiếp tục câu chuyện về sự chuyển hóa tích cực người đàn ông nhiều chuyện, và tâm họ cùng hướng về ngôi chùa làng đang ngày càng khởi sắc… 

Võ Văn Dần

Quay đầu là bờ
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH