Đồng nghiệp

GN – Trong đời mình thế nào rồi cũng phải đi làm kiếm cơm. Và dĩ nhiên sẽ có những đồng nghiệp nơi mình làm việc. Vui buồn không nhỏ. Phiền não cũng vấn vương…

Tôi có cô học trò nay ra trường xin việc làm chưa được, nên về làm tạm nơi cửa hàng vật liệu xây dựng, với vị trí kế toán. Mấy tháng sau, cô than thở: “Khổ quá, mỗi ngày phải nghe biết bao nhiêu lời nói tục, chửi thề. Mình không quen, nghe cứ khó chịu làm sao ấy!”. Nhưng vì miếng cơm mà cô phải giữ chỗ làm, bởi lương khá cao. Nhưng ngày nào nét mặt cô cũng buồn bã, đau khổ.

Thật sự, ở nơi đó toàn những người đàn ông vai u thịt bắp chuyên khiêng vác vận chuyển các loại vật liệu xây dựng nặng nề, như gạch, đá, xi-măng, cát, sắt… Và họ thường xuyên chửi thề, nói tục, ăn nói bỗ bã, to tiếng. Cô học trò của tôi không hề thích hợp với cách sống ấy, nhưng bắt buộc phải làm đồng nghiệp với họ. Biết sao bây giờ!

Tôi cũng vừa xây nhà xong. Trong mấy tháng xây nhà, tôi chứng kiến những người thợ bơm cát lên nền nhà nói chuyện với nhau, và những người thợ xây, thợ hồ, cũng ầm ĩ chửi thề, nói tục. Họ làm thành một cộng đồng, mỗi ngày gặp mặt, mỗi ngày kiếm cơm, và mỗi ngày cũng “tung hứng” với nhau kiểu đó. Hòa thuận thì tiếng chửi thề nghe như tiếng đệm, còn khi giận hờn cãi lẫy thì ôi thôi kinh khủng, bao nhiêu từ ngữ khó chịu phun ra. Nhưng cuối cùng họ vẫn sống và làm việc với nhau, cuối tuần nhậu cho vui, vẫn đem lại áo ấm cơm no cho vợ con ở nhà. Tôi không hề có thành kiến gì với họ, thậm chí còn quý mến và cảm ơn những anh thợ năng nổ, trách nhiệm, làm việc chu đáo.

Nhưng tôi chợt nhớ tới cô học trò và suy gẫm về những người đồng nghiệp. Tôi cảm nhận một điều, may mắn thay những ai có cơ hội làm việc chung với những người thanh lịch, nhã nhặn, hiểu biết. Mỗi ngày vào cơ quan, mắt bạn trông thấy những chiếc áo đầm, áo vest, tai bạn nghe thấy những lời nhỏ nhẹ, lịch sự, mũi bạn ngửi mùi nước hoa thoang thoảng… Có phải là phước đức lắm không? Chung quanh bạn là những đồng nghiệp đem đến cho bạn một không gian sống và làm việc sạch sẽ, văn hóa. Phải nên quý trọng những người đồng nghiệp như thế. Quý trọng cái mà bạn đang được hưởng. Quý trọng cái phước đức mà bạn đang có, kẻo rồi nó mất đi thì hối tiếc. Tôi nói như thế bởi tôi đã từng chứng kiến nhiều người cứ bất mãn, ganh tị, khó chịu với những đồng nghiệp chung quanh. Dĩ nhiên cuộc sống thì có đụng chạm, nhưng nếu không có gì to tát thì bạn hãy bỏ qua, để mà tận hưởng những hạnh phúc quanh mình.

Nhưng cũng không có nghĩa là hạnh phúc chỉ có ở nơi thanh lịch, sạch sẽ. Đôi khi trong những công ty, những cơ quan sang trọng hào nhoáng kia lại ẩn chứa gươm đao mà người ta sẵn sàng hại nhau để tranh giành quyền lợi, chức tước. Và ngược lại, trong đám cát đá xây dựng dơ bẩn ồn ào kia lại chứa đựng những tấm lòng nhân hậu.

Thực sự, nhiều anh thợ xây, nhiều anh khuân vác lại trách nhiệm và thương người vô cùng. Cho nên, tôi khuyên cô học trò của mình: “Con cũng xác nhận là họ tốt, họ quý mến con, vậy thì con hãy vui với cái tốt của họ, trân trọng lòng quý mến của họ. Thôi kệ, họ lỡ sinh ra trong môi trường như thế thì làm sao sửa được, miễn là họ không làm bậy, họ lao động chân chính để nuôi gia đình, họ biết giúp đỡ người khác khi hoạn nạn, vậy là được rồi. Có khi con cũng phải tri ân họ nữa đó. Tại sao tri ân? Vì có họ khiêng vác nặng nề giao hàng cho khách thì con mới có lương mà sống, chứ nghề kế toán của con đâu có làm thay cho cả cửa hàng. Nếu con khó chịu khi nghe tiếng chửi thề, nói tục, thì con niệm Phật liền đi. Con cũng biết là cái nghiệp của con nặng mới xui khiến con vô làm việc chỗ này, thì cứ niệm Phật và làm phước, chừng nào đủ phước thì sẽ tìm được chỗ làm khác. Bây giờ còn tồn tại nơi này thì phải biết quý trọng đồng nghiệp vì cùng cộng sinh với nhau”.

Và mỗi ngày, tôi vào cơ quan, bỗng thấy yêu mến bạn bè của mình hơn xưa! 

Diệu Kim

Đồng nghiệp
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH