GN – Anh bạn tôi là một Phật tử, anh ít tham gia sinh hoạt Phật sự, chỉ thỉnh thoảng mới đi chùa nhưng tích cực hưởng ứng các tổ chức văn nghệ, lễ lạt, giao lưu thơ văn ca nhạc. Tính anh năng nổ, tháo vát lại khéo léo trong ứng xử nên quan hệ rộng rãi; làm ăn giỏi nhưng ăn chơi cũng có cỡ.
Tôi chơi thân với anh nên khuyên anh hãy tốp bớt làm ăn để lo sức khỏe và “kiếm chút vốn liếng giắt lưng” phòng khi đi xa… Anh chỉ cười nói: “Thời buổi này để có một chỗ đứng trong xã hội thì phải lao vào kinh doanh kiếm ra nhiều tiền. Từ đó mới nói đến chuyện sự nghiệp xây dựng nhà cửa, con cái học hành thậm chí làm việc thiện”.
Tôi cười đáp: “Ý kiến anh tôi không dám bàn cãi, chỉ nhắc anh nhớ vô thường thình lình không biết đến lúc nào, nhắm mắt xuôi tay thì tất cả bỏ lại. Ngoài cái nghiệp theo ta như bóng với hình, còn lại sự nghiệp, tiếng tăm, vợ chồng con cái… có gì mang theo được!”. Anh bảo: “Biết thế nhưng không mấy ai dễ dừng lại!”.
Thành tâm – Ảnh minh họa
Một hôm, tôi đến thăm, thấy anh bơ phờ mệt mỏi liền hỏi: “Có chuyện gì mà anh có vẻ bồn chồn lo lắng?”. “Tôi vừa đi Đà Nẵng khám bệnh về”, anh chậm rãi trả lời. “Bệnh gì mà phải đi Đà Nẵng?”, tôi hỏi lại. Anh im lặng không trả lời. Trong bụng tôi đã nghi chắc sức khỏe anh có vấn đề. Tôi vội ra mở cốp xe máy lấy quyển sách Đạt-ma dịch cân kinh vào đưa cho anh và nhấn mạnh: “Tôi đưa anh lần này là lần thứ ba, anh không tập e không kịp!”. Anh uể oải cầm sách rồi định bước vào phòng. Tôi cũng định ra về nhưng thầm nghĩ cách này chắc không ổn nên nói với anh: “Để tôi về nhà lấy cho anh quyển khác”. Anh gượng cười đáp: “Thôi, để chiều tôi xuống lấy, làm phiền anh quá!”.
Tôi lên xe nhưng thay vì về nhà lại đi thẳng ra tiệm phô-tô, dừng xe bên lề đường, tôi hỏi vào: “Quyển sách vừa rồi chú nhờ phô đã xong chưa?”. Quyển sách tôi mới đưa trước đó chừng nửa giờ, khi trên đường đến nhà anh và được hẹn sáng mai lấy… thì giờ đây làm gì có nhưng tôi nghĩ biết chừng đâu. Bất ngờ cô chủ tiệm đáp: “Gần xong rồi, chú chờ chút con đang đóng bìa”. Tôi nhận quyển sách vừa phô-tô còn thơm mùi mực, lòng khấp khởi mừng, vội quay lại nhà đưa cho anh. Anh nói: “Chi mà anh gấp rứa, tôi đã nói để chiều xuống lấy”. “Chữa bệnh khác nào chữa lửa, phải kịp thời”, tôi đùa trả lời anh.
Ba hôm sau tôi trở lại nhà anh thì cửa nhà đóng im ỉm, gọi mãi đứa cháu gái từ nhà bếp lên thưa: “Không biết chuyện chi, đùng một cái cậu con xách túi bảo đi Sài Gòn”. Sau đó cả tháng chẳng thấy anh đâu, hỏi ai cũng không biết, bạn bè đều lấy làm lạ! Chừng hai tuần sau tôi được điện thoại của người bạn hỏi có đi thăm anh ta không. Ở đâu mà thăm? Bệnh viện Ung bướu…, người bạn trả lời.
Hôm sau chúng tôi đến bệnh viện thăm anh. Bệnh viện mới xây dựng quy mô hoành tráng. Bước lên tầng hai, dãy hành lang dài hun hút. Yên tĩnh, sạch sẽ. Nhìn vào gian phòng rộng rãi… Trong bộ đồ xanh bệnh nhân, anh nằm bất động trên chiếc giường trải nệm trắng tinh. Anh trông xanh xao gầy gò, ai thấy cũng không cầm được xúc động. Mới đó, mới đây cách chưa đầy hai tháng mà một người cao to khỏe mạnh giờ đây trông xanh xao yếu ớt…
Anh cố gượng ngồi lên. Tôi nắm chặt tay anh và bảo cứ nằm yên. Anh cố lấy giọng bình thường kể lại: “Lâu nay tôi làm việc cùi cụi có đau ốm gì đâu. Bỗng nghe trong người mệt mỏi tôi đi khám bệnh, bác sĩ cho biết tôi bị ung thư phổi và phải mổ gấp nếu không sẽ di căn. Nghe xong như sét đánh ngang tai, người tôi đẫm mồ hôi, chệnh choạng muốn ngã nếu không kịp tựa vào chiếc bàn.
Tôi bị ung thư? Tôi hốt hoảng lo sợ. Bao nhiêu chuyện, việc công việc đầu tư đang dở dang… Dầu sao tôi phải sắp xếp vào bệnh viện ung bướu Sài Gòn gấp. Thật quá bất ngờ! Chỗ ăn ở, tiền bạc người chăm sóc… bao chuyện phải tính toán.
Lâu nay lao đầu vào công việc tôi còn thì giờ đâu nghĩ đến sức khỏe! Giờ biết làm sao. Tôi gọi điện nhờ đứa cháu bác sĩ ở Sài Gòn liên hệ trước. Nó trả lời: Chú không nên đi Sài Gòn chi xa xôi bất tiện, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng mới xây dựng, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ giỏi…. Tôi nhét vội mấy bộ quần áo vào túi nhỏ lên xe ra Đà Nẵng.
Sau khi hoàn tất thủ tục xét nghiệm đủ thứ, bác sĩ cho biết là tuần sau tôi phải mổ cắt bỏ khối u ở phổi. Tất cả xảy ra quá nhanh tôi không kịp trở tay, nói chi báo cho ai trừ đứa con gái tôi. Vả lại cũng ngại, lâu nay ỷ sức khỏe nên tôi chẳng nghe ai khuyên bảo. Tôi bị cắt mất một phần lá phổi và rủi ro đã qua nhưng bác sĩ bảo với căn bệnh này không thể chủ quan”.
Nghỉ một chút, anh kể tiếp: “Căn bệnh xảy ra quá đột ngột, làm tôi chới với, lo lắng sợ hãi… tôi chẳng còn hy vọng gì nữa. Nhưng ngờ đâu như một phép lạ đã cứu tôi. Quyển sách anh đem cho tôi chiều đó, thật đúng lúc. Và câu niệm “Nam-mô Đại từ Đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát” đã cứu tôi, giúp tôi vượt qua cái chết trong nháy mắt… Lâu nay nghe nói vô thường sống chết là chuyện đương nhiên không ai tránh khỏi. Tuy thế, khi biết mình bị ung thư phổi, tôi chết điếng cả người. Khi anh đưa quyển sách, dù là sách Phật pháp… tôi nghe nhức cả đầu nhưng nể anh tôi nhận.
Thật ra tôi không còn tâm trí để làm gì nói chi đọc sách? Nhưng nhìn kỹ bìa sách Niệm Phật hóa giải tế bào ung thư, tôi đâm thắc mắc, tế bào ung thư làm sao hóa giải? Lại mê tín. Nhưng khi lướt qua phần tác giả, được biết tác giả là Pháp sư, trước kia là bác sĩ chuyên điều trị ung thư, tự nghiên cứu để chữa ung thư cho chính mình. Ông cho biết đã rút ra bài học vô cùng quý giá là nhiều người mắc bệnh ung thư chết không phải vì tế bào ung thư mà hầu hết do tri giác sai lầm từ người bệnh, cả người thân cùng bác sĩ điều trị, từ đó đâm ra lo lắng hoảng loạn dẫn đến cái chết.
Thật ra mọi tế bào trong cơ thể đều có thể được chuyển hóa từ xấu ra tốt, nhờ đó mà lành bệnh. Sau khi khỏi bệnh, ông bỏ ngành y và xuất gia tu học trở thành Tăng sĩ, một Pháp sư. Dù mệt nhưng tôi đọc say sưa cho đến chữ cuối cùng, nhìn lên đồng hồ thì đã bốn giờ sáng. Lúc ấy, như có một năng lực nào gia hộ, mọi lo âu sợ hãi của tôi đều tiêu tan. Tôi chỉ còn kịp làm vệ sinh cá nhân, thắp hương lễ Phật xong lên xe đến bệnh viện”.
“Sau khi phẫu thuật xong, tôi được đưa vào phòng hồi sức. Không ai được ra vào đây trừ cô y tá vào theo dõi bệnh. Hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi thấy mũi và miệng như bị vật gì chặn cứng làm tôi không thể thở hay nói được. Tôi ú ớ muốn kêu lên nhưng không thể. Cố tìm cách ra dấu để may ra ai đó thấy mà cứu nhưng chẳng có ai. Trước mắt tôi những hình ảnh mờ mờ ảo ảo lởn vởn như những bóng ma.
Tôi nghĩ, hay cái chết đã đến, đời tôi đã kết thúc rồi. Bỗng một tia chớp lóe lên trong đầu: Nam-mô Đại từ Đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát! Và cứ thế câu niệm danh hiệu Bồ-tát cứ liên tục không dứt trong đầu tôi. Rồi một vật gì đó, một cục đờm hay cục máu bầm bằng hạt bắp từ trong mũi tôi phụt ra. Tôi thấy người nhẹ hẫng như trút được tảng đá đang đè trên ngực và mọi sự lo lắng sợ hãi bỗng chốc biến mất. Tôi thiếp đi cho đến khi cô y tá đến đánh thức mới sực tỉnh và biết mình còn sống.
Trường hợp bình phục nhanh chóng của tôi đã gây xôn xao bàn tán trong bệnh viện. Một số y bác sĩ cho rằng tôi thoát chết chỉ là sự ngẫu nhiên, một số khác lại bảo là may mắn, tôi nghĩ có thể Bồ-tát Quán Thế Âm từ bi cứu giúp. Sự ngẫu nhiên, may mắn hay sự mầu nhiệm? Lâu nay tôi không nghĩ tới. Giờ đây đứng trước sự kiện hi hữu tôi không khỏi băn khoăn.
Theo khoa học thì không một sự vật hay hiện tượng nào xảy ra một cách vô cớ. Không thể là sự ngẫu nhiên khi chỉ trong sát-na giữa cái sống và cái chết cận kề tôi khởi được câu niệm danh hiệu Bồ-tát. Do đâu? Riêng tôi vẫn nghĩ, tấm lòng đại từ đại bi vô lượng vô biên và bất khả tư nghì Bồ-tát Quán Thế Âm đã cứu tôi. Tôi thầm cảm ơn Ngài và nguyện suốt đời học tập hạnh lắng nghe của Ngài”.
Nói đến đây anh bỗng đứng lên bắt tay từng người như chưa từng có chuyện gì về bệnh tật đau đớn xảy ra với mình!
Võ Văn Lân