Phước huệ song tu

“Đừng cố làm một việc gì vĩ đại lắm – mà cứ làm các việc rất nhỏ là tin chính mình, tin Phật, tin lý, tin sự, tin nhân, tin quả thì mình sẽ thành công”.

GN – “Thiền sư Hakuin (1686-1768) rất được mọi người trọng vọng kính nể vì phong cách đạo đức thánh thiện. Lúc bị vu oan, Thiền sư chỉ thốt lên “Thế à!”. Lúc được minh oan, Thiền sư cũng chỉ thốt lên hai tiếng “Thế à!”. Hoàn toàn tự tại vô ngại”.

Tôi nhắc chuyện “Thế à!” của Thiền sư Hakuin là vì tôi có bà chị tu Phật với lòng thành kính cầu đạo, xả được tham sân si, tín nguyện theo Phật suốt đời. Chị là bác sĩ ở Đà Nẵng. Ai khen chị, chị không vui mừng; ai nói nặng chị, phê chị dù không đúng, chị vẫn không giận hờn. Chị tu Tịnh độ, khi ứng xử lại giống Thiền sư Hakuin. Đầu năm này, tôi vào thăm gia đình chị, được nghe chị tụng kinh Thập thiện nghiệp đạo hơn hai tiếng đồng hồ. Vợ tôi bảo nhỏ: “Mỗi ngày chị tụng một thời kinh như thế, ông bà đều được vãng sanh”. Tôi lên bàn thờ Phật nhà chị, lễ chị một lễ. Và nói: “Thưa chị, có người chỉ tụng kinh một tháng hai lần, một lần một tiếng mà được phước báo. Đây, chị tụng một ngày hơn hai tiếng. Thật là công đức vô lượng”.

Hồi trước, chị đã ăn chay trường và tụng kinh Pháp hoa. Chị tâm sự: “Chị có duyên với kinh Pháp hoa, tự nhiên chưa biết tụng kinh mà các chị bạn đem đến cho và bảo tụng kinh tốt lắm, sau đó chị có qua chùa hỏi sư bà có tụng được không? Sư bà bảo: Nếu muốn tụng thì không chấp ngã là tốt nhất”. Sau đám cưới con chị, hết lo toan, chị bắt đầu tụng hàng ngày và thấy rất an lạc nên nguyện tụng mãi cho đến cuối đời để xả bỏ hết nợ trần về Tịnh độ. Chị hỏi tôi: “Lâu nay em có tụng kinh không? Em đã đọc Thập thiện nghiệp đạo pháp của thầy Tịnh Không chưa?  Rất hay! Nếu em thích đọc chị sẽ thỉnh một bộ cho em. Chị nghĩ ai mới tu nên tìm đọc. Chị đọc đi đọc lại không thấy chán và tiếc cho mình đến với Phật hơi muộn”.

Nói về pháp tu Thập thiện, chị bảo: “Tu thập thiện có nghĩa rất rộng. Trong đối nhân xử thế em phải biết ôn hòa, rộng lượng, khiêm cung, nhường nhịn. Trong đời sống vợ chồng nếu biết bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự thì chắc chắn vợ chồng không bao giờ đổ vỡ”. Chị có hai người con trai, cả hai đều làm công chức và thường đi phóng sanh, từ thiện hàng tháng. Tất nhiên chị cũng làm từ thiện, cúng chùa. Gần đây, chị chọn một ngôi chùa do một ni cô tu từ nhỏ trụ trì để hộ trì. Mỗi lần lên chùa, chị và các cô đều rất hoan hỷ, an lạc.

Chị nói: “Nhờ phước đức mới được làm con gái của thầy thuốc và học ra bác sĩ làm tại bệnh viện Đà Nẵng, có chồng là bác sĩ giám đốc một bệnh viện từ thiện, có hai con trai, cuộc sống bình an, có nhiều cơ hội làm việc lành…”. Tôi nói: “Phước như cục vàng, tiêu dùng thì hết. Chị tu tập và làm việc thiện là tích phước, tích đức sẽ còn mãi. Cục vàng thế gian không đem theo được. Còn phước đức lại luôn theo mình, dẫu chị đến tận hư không hay ở cõi trời nào”. Chị sống với quan niệm “Trong thuận cảnh không luyến ái và trong nghịch cảnh không sân hận” và “Đừng cố làm một việc gì vĩ đại lắm – mà cứ làm các việc rất nhỏ là tin chính mình, tin Phật, tin lý, tin sự, tin nhân, tin quả thì mình sẽ thành công”.

Tôi thường nghĩ, việc tu thiền như tôi vốn có nhiều chướng ngại, như muốn ngồi thiền lâu trước nhất phải có hai việc cần làm là việc điều thân, và điều tâm, thân phải khỏe mạnh không bệnh nặng, hai là tâm phải an bình không loạn tưởng, vọng niệm. Mà tụng kinh cũng vậy, phải có tâm an lạc, thân khỏe mạnh mới trì tụng được lâu dài. Mới đây tôi nhận được tin nhắn đầu năm của chị: “Chị rất vui với tượng Phật em tặng, sáng nay đầu tuần chị tụng kinh hơn ba giờ mà vẫn thấy khỏe, hẳn là nhờ tượng Phật tiếp thêm năng lượng cho chị”. 

Đó là người chị của tôi – một người phụ nữ trí thức, một Phật tử tinh tấn tu tập, siêng làm việc thiện, phước huệ song tu, ngày càng tỏa sáng an lạc cho gia đình và xã hội. 

Nguyễn Nguyên An

Phước huệ song tu
ZALO - THIẾT KẾ WEBSITE NINH BÌNH
ZALO - THIẾT KẾ WEB NINH BÌNH