Nói ra được hai tiếng xin lỗi là có văn hóa, giải tỏa được sự nặng nề trong tâm trí
GN – Người có lỗi, nhận thấy lỗi của mình, đã biết chân thành xin lỗi thì đối tượng dù có bốc lửa nóng lên cao thế nào cũng cảm thấy được nguội dần. Sự việc chắc chắn sẽ đi vào ổn thỏa giữa đôi bên. Người có lỗi mà không thấy được lỗi của mình, ngang bướng phủ nhận thì như lửa cháy đổ thêm dầu, chắc chắn giữa đôi bên sẽ khó dàn xếp ổn định. Không ai có thể nói rằng suốt đời mình chẳng bao giờ lầm lỗi. Có lỗi mà biết ăn năn sửa đổi thì đó gọi là văn hóa xin lỗi.
Cuộc sống càng phức tạp, lầm lỗi càng có nhiều cơ hội xảy ra. Chỉ vì không có mắt sau lưng nên nhìn thấy lỗi của người mà không nhìn thấy lỗi của mình. Có việc lỗi tự mình thấy được nhưng vẫn cố tình lờ đi. Có việc lỗi người thấy để chỉ cho nhưng không quan tâm sửa đổi, thậm chí còn nóng mặt gây gổ.
Tôi có người bạn được chút ít tiếng tăm nhưng trong cuộc sống hàng ngày thường có lời nói, cử chỉ làm phiền lòng mọi người. Tuy không có lỗi nặng, nhưng khi bạn bè chân tình góp ý thì cứ khăng khăng phủ nhận, lại luôn mồm chỉ trích lỗi của người khác. Xem ra tiếng tăm của anh nhờ vào sự giấu lỗi ấy mà có được. Đương nhiên không thể gọi là tiếng tốt.
Một người bạn khác có địa vị khá trong xã hội, danh tiếng không phải là nhỏ, nhưng tánh tình dễ thương ở chỗ thường hay nhìn thấy được cái lỗi của mình, và công khai nhận cái lỗi ấy để sửa đổi. Trong một lần nói chuyện trước đám đông, vì có chuyện không vừa lòng, anh đã sân si dằn mạnh micro xuống mặt bàn. Hôm sau cũng trước đám đông ấy, anh đã chân thành nhận lỗi với mọi người, kết quả là không ai còn nghĩ đến cái sai vừa rồi của anh.
Ngày trước ông bà ta thường vẫn lấy sự xin lỗi chân thành làm điều tha thứ cho nhau. Trong gia đình, khi kẻ dưới có lỗi với người trên thì chân thành xin lỗi. Dĩ nhiên người trên không còn để bụng, đem lòng hỷ xả mà bỏ qua lỗi lầm ấy. Ngoài làng xóm, nếu có lỗi với người lân cận, biết dùng mâm lễ trầu rượu công khai xin lỗi đối tượng thì thù hằn sẽ tiêu tan, sống hòa thuận bên nhau tạo nên được sự thân thương giữa tình làng nghĩa xóm.
Ngày nay không còn việc bày biện mâm lễ vật trầu rượu để nói lời xin lỗi mà chỉ cần có sự chân thành khi thấy được điều lỗi của mình đã gây ra để ăn năn sửa lỗi. Người dưới có lỗi với người trên, cá nhân có lỗi với tập thể thì việc cần phải xin lỗi là lẽ đương nhiên. Nhưng người trên có lỗi với người dưới, tập thể có lỗi với cá nhân cũng phải thấy được lỗi lầm của mình để sẵn sàng nhận lỗi, đó mới gọi là có văn hóa.
Tôi chưa từng ra nước ngoài, nhưng qua phương tiện truyền thông cũng như một số người quen biết sống ở nước ngoài kể lại nên được biết, họ xin lỗi nhau không nhất thiết khi đã biết có phần lỗi về mình. Như khi đi xe va chạm nhau giữa đường, việc đầu tiên là họ nói lời xin lỗi nhau để giảm nhẹ sự căng thẳng, phải trái về ai đó là phần việc của những người có trách nhiệm. Không như ở mình, nếu có trường hợp ấy xảy ra thì sự hằn học tranh thắng đã đứng lên hàng đầu, dẫn đến sự xô xát không đáng có.
Tuy vậy, xin lỗi không phải đã bị lãng quên trong tâm thức của mỗi người. Tôi đã từng chứng kiến nhiều cảnh cha mẹ xin lỗi con, ông bà xin lỗi cháu một cách thẳng thắn khi biết chính mình đã làm điều sai quấy với con cháu. Tôi cũng đã biết nhiều trường hợp các cơ quan chức năng đã xin lỗi công khai người dân khi họ thiếu trách nhiệm hoặc dân bị xử oan… Những sự xin lỗi ấy đã làm xoa dịu tinh thần người dân, giúp họ tạo được niềm tin với chính quyền và những người thừa hành. Bên cạnh đó, vẫn còn những việc giấu lỗi, đổ lỗi của một số người có trách nhiệm. Văn hóa xin lỗi dường như với họ không bao giờ có được dù chỉ là trong khái niệm.
Ai cũng có thể có sự lỗi lầm. Nói ra được hai tiếng xin lỗi là có văn hóa, giải tỏa được sự nặng nề trong tâm trí. Người xưa nói: “Có lỗi mà biết nhận lỗi thì không còn lỗi nữa”. Điều đáng nói là đủ can đảm để nhận lỗi hay không.
Long Trà