GN – “Một số loài không thể nhìn thấy vào ban ngày, một số không thấy vào ban đêm. Nhưng người nóng giận thì không thấy gì cả, dù là ngày hay đêm”.
Ai có thể giữ được sự vui vẻ trong hoàn cảnh khó khăn thì thật đáng khen và cũng là nguồn cảm hứng cho những người khác. Họ có thể tránh được sự xung đột, khó chịu bằng cách nhìn ở mặt tươi sáng của vấn đề. Một người thông minh có thể tránh được sự cãi vã bằng những câu trả lời hóm hỉnh và chuyển sang đề tài khác trung lập hơn. Còn khi bị người sỉ nhục, anh ta biết làm thế nào để tiếp nhận chúng một cách nhẹ nhàng với thái độ ôn hòa và hài hước.
Cùng một sự việc xảy ra nhưng sự phản ứng khác nhau, tùy theo nhận thức và lối sống của mỗi người
Bạn sẽ làm gì khi thua trong một cuộc chơi? Bạn không nên nổi nóng. Vì nếu làm thế bạn không chỉ làm mất cuộc vui mà còn mất sự kính trọng đối với bạn bè. Mỗi người đều nên có trách nhiệm làm cho thế giới này tốt đẹp hơn bằng cách gieo trồng những hạt giống nhẫn nhục, yêu thương và chân thành vào sâu trong trái tim mọi người. Đó là việc làm của một người có giáo dục, có văn hóa, người mà biết cách đối diện với khó khăn bằng thái độ cảm thông và hiểu biết. Một trong những đặc điểm của người cao thượng nằm ở chỗ họ đối diện với những điều bất như ý hàng ngày bằng thái độ ôn hòa và bình tĩnh. Kiên nhẫn là chùm rễ đắng nhưng hoa trái của nó thì rất ngọt ngào. Hãy kiên nhẫn với tất cả. Sự nóng giận thường làm cho chúng ta mất khôn. Khi nóng giận, chúng ta không chỉ đả kích và làm phiền người khác mà còn làm cho chính mình bị tổn thương nữa. Sự nóng giận làm cho cơ thể ta bị yếu đi (khi nóng giận toàn thân ta run rẩy) và tâm trí ta bị rối loạn: “Một số loài không thể nhìn thấy vào ban ngày, một số không thấy vào ban đêm. Nhưng người nóng giận thì không thấy gì cả, dù là ngày hay đêm”.
Khi một cái gì đó có vẻ bất ổn xảy ra, mỗi người sẽ có những cách phản ứng khác nhau. Có người thì cho đó là nghiêm trọng, có người thì coi đó là bình thường và không quan tâm. Có người thì phê bình chỉ trích, có người thì coi đó như là bài học để rút kinh nghiệm. Có người thì lo lắng một cách thái quá nhưng có người thì cười đùa trên những khó khăn. Chúng ta thấy rằng đa số các nhà thông thái đều có đầu óc hài hước và họ dùng sự hài hước đó để phản ứng lại với những bất trắc xảy ra một cách vui tươi và sinh động.
Đức Phật của chúng ta không phải là một vị thầy hài hước, nhưng óc hóm hỉnh vẫn không thiếu trong Ngài. Ví dụ như chuyện người ta chửi Ngài nhưng Ngài không chửi lại mà chỉ trả lời rằng như người cho quà người khác, họ không nhận thì quà đó sẽ thuộc về người cho. Hay như Thiên chủ Sakka hỏi Thế Tôn: “Giết vật gì, được vui/ Giết vật gì, không sầu/ Có một loại pháp gì/ Ngài tán đồng sát hại/ Tôn giả Gotama?”. Thế Tôn trả lời: “Giết phẫn nộ được vui/ Giết phẫn nộ không sầu/ Phẫn nộ với độc căn/ Với vị ngọt tối thượng/ Pháp ấy, bậc Hiền Thánh/ Tán đồng sự sát hại/ Sát pháp ấy, không sầu/ Hỡi này Vàsava!”. Đó là những câu trả lời rất thông minh và hóm hỉnh.
Có một nhà khoa học rất nổi tiếng nọ, một hôm đọc báo thấy đăng tin mình vừa qua đời. Sau đó nhà báo ấy gọi điện và xin lỗi nhà khoa học vì sự nhầm lẫn này. Nhà khoa học cười, nói với nhà báo ấy rằng, thật ra anh ta không có nhầm lẫn mà chỉ là đăng sớm hơn sự việc xảy ra thôi.
Triết gia Hy Lạp cổ đại Socrates được bao người ngưỡng vọng, nhưng ông có bà vợ Xanthippe hết sức đanh đá. Cả thành Athen ai cũng biết nhà triết học nổi tiếng này suốt ngày bị vợ chửi bới, hành hung. Chuyện kể rằng có lần, Socrates đang đàm đạo với các môn sinh thì bà Xanthippe lại mắng nhiếc, rủa sả om sòm, bà còn bưng cả vò nước đổ lên đầu chồng. Ông vẫn im lặng chịu trận, lại còn đùa với các học trò rằng: “Sau cơn sấm sét bao giờ cũng phải có mưa giông”. Lần khác, Socrates đang ăn cơm với bạn thì bà vợ trời đánh lên cơn điên giận, chẳng kể gì khách khứa, ném cả mâm cơm ra sân. Trong khi ai nấy tức nổ đom đóm thì Socrates vẫn nói chữa: “Chắc bà ấy muốn chúng ta ra sân ăn cho mát”. Bị vợ hành như vậy nhưng hễ có ai gièm pha bà, ông lại bảo: “Chính nhờ bà ấy mà tôi trở thành triết gia”.
Cùng một sự việc xảy ra nhưng sự phản ứng của từng người khác nhau, tùy theo nhận thức và cách sống của họ. Điều đó cho thấy tốt hay xấu không nằm ở sự kiện bên ngoài mà là do con người tiếp nhận và phản ứng với sự kiện đó như thế nào. Nếu chúng ta có thể phát triển các đức tính như kiên nhẫn, bao dung và thấu hiểu thì không có sự kiện gì là nghiêm trọng, đáng để cho mình ta thán cả. Trong thế giới tương đối này, chúng ta không thể tìm thấy chỗ nào vừa ý hoàn toàn hay tự do tuyệt đối, trừ khi chúng được thiết lập nơi nội tâm của mình. Nên chăng chúng ta cần học theo cách ứng xử của các nhà thông thái: Cười cho đời bớt khổ!
Thích Trung Hữu