GNO – Các loại thực phẩm dưới đây có thể giúp hạn chế đến mức thấp nhất các tác dụng phụ của hóa trị mặc dù chế độ ăn của các bệnh nhân ung thư cần được thảo luận với bác sĩ điều trị trong suốt thời gian hóa trị.
1 – Cà-rốt
Cà-rốt là loại thực phẩm phổ biến trong chế độ ăn của người mắc ung thư. Cà-rốt làm cho hóa trị hiệu quả hơn bằng cách làm ngưng cơ chế can thiệp điều trị ung thư của cơ thể, theo một nghiên cứu năm 2014 của Viện Nghiên cứu Thực vật và Thực phẩm New Zealand.
Cà-rốt
2 – Nước sốt
Nếu bị khô miệng do hóa trị, làm cho việc nuốt trở nên khó khăn thì hãy làm ướt và mềm thức ăn bằng nước sốt hoặc sữa ít béo.
3 – Cơm và chuối
Các món như cơm, chuối, táo làm chín có thể giúp giảm tiêu chảy khi hóa trị. Ngoài ra, cần tránh các thực phẩm có hàm lượng béo cao, trái cây tươi sống và các sản phẩm làm từ ngũ cốc nguyên hạt vì các thực phẩm này làm cho tiêu chảy nghiêm trọng hơn.
4 – Ngũ cốc nguyên hạt
Trái lại, nếu bị táo bón khi hóa trị thì nên uống nhiều nước và ăn các món có hàm lượng chất xơ không hòa tan cao như bánh mì ngũ cốc, ngũ cốc, trái cây sấy khô, đậu hạt sấy khô để hỗ trợ cho hệ tiêu hóa.
Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCI) khuyên nên uống từ 8-12 cốc nước mỗi ngày khi điều trị ung thư.
Sử dụng thêm các bổ sung đạm và các thực phẩm giàu năng lượng để giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh. Tuy nhiên, chế độ ăn của mỗi bệnh nhân ung thư đều khác nhau nên hãy tham vấn bác sĩ tùy theo tình trạng, chẩn đoán và nhu cầu của bản thân người bệnh.
5 – Kẹo gừng
Hóa trị thường làm cho bạn có cảm giác buồn nôn. Ngậm kẹo gừng có thể giúp giảm cảm giác buồn nôn và khó chịu của bao tử.
6 – Các món dễ nuốt
Nếu hóa trị để lại tác dụng phụ là các vết đau trong miệng thì bạn có thể ăn món sữa trứng, cơm mềm, trứng, cháo hoặc canh súp để dễ ăn hơn. Cũng nên tránh các gia vị cay, nóng hay quá mặn có thể làm các vết lở miệng đau đớn hơn.
7 – Nước cam
Theo NCI, uống nước cam hoặc nước chanh sẽ giúp sản xuất thêm nước bọt vì vị chua kích thích tuyến nước bọt; do vậy giúp giảm tình trạng khô miệng do hóa trị gây ra.
8 – Củ hành và tỏi
Chế độ ăn khỏe mạnh cho bệnh nhân ung thư luôn có củ hành và tỏi. Có thể nướng, nấu chín hoặc ăn tươi củ hành, tỏi để tăng hấp thu các chất chống oxy hóa cho cơ thể, giúp hệ miễn dịch hoạt động mạnh mẽ hơn.
Hơn nữa, nhiều nghiên cứu còn cho thấy các thành phần trong củ hành có thể ngăn chặn sự phát triển của một số tế bào ung thư.
9 – Protein
Nên hấp thu nhiều protein hơn trong thời gian hóa trị để cung cấp năng lượng và giúp các cơ khỏe mạnh hơn bằng cách bổ sung thêm trứng, đậu hũ trong chế độ ăn.
10 – Các thực phẩm giàu selenium
Gạo lứt, yến mạch, quả hạch Brazil là các nguồn chứa nhiều selenium – một loại khoáng chất có tác dụng chống ung thư.
Theo tạp chí Hóa sinh học, các hợp chất selenium giúp thúc đẩy miễn dịch, chống lại các loại ung thư như bệnh bạch cầu ác tính và ung thư hắc tố. Bên cạnh đó, nên tránh ăn cá tươi và các loại nghêu sò vì có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về ngộ độc thực phẩm trong quá trình điều trị, theo NCI.
Ngoài ra, mất khẩu vị (ăn không thấy ngon miệng hay không thèm ăn) cũng là tác dụng phụ của hóa trị. Thay vì ép cơ thể ăn những bữa ăn lớn thì hãy chia ra thành 5-6 bữa nhỏ hơn trong ngày để duy trì dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể.
Trần Trọng Hiếu
(theo Reader’s Digest)