Với những phiến đá cẩm thạch trắng muốt được phủ bằng một lớp sữa mỏng trắng muốt. Trên nền đá trắng, những hình vuông chứa tinh thể phấn hoa vàng rực, bay bổng, lơ lửng như tỏa ánh hào quang của tinh thần và trí tuệ; những khay tròn nhỏ xíu đựng gạo được sắp đặt đều đặn, hoặc bâng quơ thong thả như bước đi của kẻ hành hương.
Một không gian tĩnh lặng tuyệt đối, chỉ có hương thơm êm dịu tinh khiết của gạo, của sữa hay phấn hoa làm ta ngây ngất. Và đây đó là những ô màu vàng hay trắng hay ghi xám hình kỷ hà, giản dị đến tột cùng, đồng thời cũng đem lại mỹ cảm cao nhã và sang trọng đến tột cùng, Wolfgang Laib đưa chúng ta bước vào thế giới an nhiên, giản dị của nghệ thuật Thiền, dứt bỏ bên ngoài những vọng động ồn ào thế tục.
Chúng ta từng biết đến họa sĩ người Nga Kasimir Malevitch (1878- 1935) với tuyên ngôn về chủ nghĩa tối thượng (suprématism) mà tiêu biểu là bức tranh Hình vuông trắng trên nền trắng (1918). Ông là một trong những họa sĩ avant- gard nổi tiếng đầu thế kỷ 20 hướng về ngôn ngữ kỷ hà đơn giản, khúc chiết để tạo nên một thẩm mỹ hiện đại. Chúng ta cũng từng biết sự xuất hiện của chủ nghĩa tối thiểu (minimalism) ở phương Tây vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, với lời kêu gọi tẩy chay pop- art mà họ cho rằng xô bồ pha tạp, để tìm cách trả lại cho nghệ thuật ngôn ngữ ban đầu nguyên sơ thuần khiết của nó.
Cũng là trở về với ngôn ngữ kỷ hà kiệm lời, tối giản, nhưng nghệ thuật của Wolfgang Laib khác hẳn hai trường phái trên. Không khoa học duy lý trên toan và sơn dầu như Malevitch, cũng không cứng nhắc khô khan như minimalism, mà ngược lại, tác phẩm sắp đặt của W. Laib đi vào không gian một cách tự nhiên, êm đềm, làm mê hoặc các giác quan và tạo nên một không gian tinh thần đặc biệt, ở đó có sự cân bằng tĩnh lặng, sự trầm lắng sâu sắc, sự tinh khiết quí giá mà con người khó lòng đạt tới trong đời sống đương đại.
Chất liệu mà W.Laib sử dụng để làm nên những tác phẩm của mình là những chất liệu tinh túy kỳ diệu nhất của thiên nhiên, mang màu sắc của thiên nhiên. Đó là sữa, gạo, phấn hoa, sáp ong, và cả đá cẩm thạch. Chúng cũng là những thành tố cơ bản nhất để duy trì hay gieo mầm sự sống. Dung dị, tinh khiết, gần gũi với con người, các chất liệu rung lên vẻ đẹp và hương vị riêng của chúng trong các tác phẩm Phiến đá sữa, Hình vuông phấn hoa, Nhà gạo, Lối đi và căn phòng sáp ong của W. Laib. Chúng nhắc nhở chúng ta rằng Cái Đẹp có thể nằm ngay trong những điều nhỏ nhặt, giản dị nhất của cuộc sống hàng ngày, và rằng từ những chất liệu tưởng chừng bình thường nhất người ta có thể tạo nên những giấc mơ không tưởng nhất.
W. Laib thường làm đi làm lại các tác phẩm của mình một cách cần mẫn, đều đặn, rất ít khi thay đổi, với sự tập trung cao độ gần như thiền định. Điều này cũng giống như lối sống của ông, hàng ngày cần mẫn thu lượm phấn hoa, bắt đầu từ mùa xuân, sau đó sàng lọc và để riêng ra từng loại: phi tử, bồ công anh, mao lương, thông, sồi… Cứ như vậy, ông đắm mình trong thiên nhiên, yêu mến thiên nhiên, sống cùng nhịp điệu của thiên nhiên từ mùa này sang mùa khác, năm này qua năm khác.
Các loại phấn hoa thu được đem lại cho ông những chất liệu, kết cấu và sắc màu khác nhau, từ mịn đến thô, từ vàng nhạt đến vàng rực. Khi làm tác phẩm Hình vuông phấn hoa, Laib rắc phấn từ tốn, chậm rãi qua một lớp vải phin mỏng, để phấn rơi nhẹ xuống phiến đá trắng trên nền nhà, tạo nên một hình vuông có màu vàng kỳ diệu, bồng bềnh, tỏa sáng như hào quang nơi niết bàn, không nắm bắt được mà cũng chẳng có gì so sánh nổi.
ở tác phẩm Phiến đá sữa, Laib đặt một phiến đá cẩm thạch chỉ dày khoảng 3 cm lên nền nhà và bắt đầu đổ sữa từ từ lên mặt đá, rất nhẹ và mỏng, ông làm cho sữa bám đều lên mặt đá cho tới khi đạt tới trạng thái cân bằng, tĩnh lặng. Sữa và đá trở thành một, không thể tách rời. Không thể biết được sữa kết thúc ở đâu và đá bắt đầu từ chỗ nào. Thể lỏng và thể cứng vừa trái ngược nhau, lại vừa kết dính với nhau thành một như thể triết lý âm- dương, càn- khôn trong vũ trụ. Đối với Laib, đá cũng là một sinh thể sống, giống như sữa, phấn hoa, con người hay núi non vậy.
Phiến đá sữa
Tốt nghiệp đại học y khoa nhưng W. Laib không bao giờ trở thành bác sỹ, chỉ bởi vì khoa học đối với ông dường như quá duy lý, thô thiển và tàn nhẫn. Ông bắt đầu đi tìm nửa kia của thế giới ở triết học và tôn giáo phương Đông, ở Đạo Phật, cũng như quan tâm tới các nền văn hóa cổ xưa, thần bí, nhìn thiên nhiên dưới góc độ tâm linh và tìm thấy sự hài hòa vô cùng, bất tận của vũ trụ ở những yếu tố tưởng chừng như đối lập, trái ngược nhất.
Tác phẩm Phiến đá sữa là sáng tác đầu tiên của Laib vào năm 1975, thu hút sự chú ý của giới nghệ thuật quốc tế. Khi nói về tác phẩm này, Laib nhận xét: “càng mỏng manh bao nhiêu, càng thoảng qua bao nhiêu thì càng hấp dẫn bấy nhiêu”.
Vô đề
Sau đó ông tìm đến chất liệu phấn hoa. Từ phấn hoa ông liên tưởng đến cuộc đời những con ong và chất liệu sáp ong mà chúng tự sản sinh ra để làm tổ. Sáp ong cũng có nhiều màu tương tự như phấn hoa vậy, từ màu đỏ sẫm đến màu da cam và màu vàng. Mùi hương của nó còn đậm đà và ngọt ngào hơn cả mùi phấn hoa và sữa. Đó là một mùi vị vừa khổ hạnh, vừa quyến rũ, giống như mùi hương dùng trong những nghi lễ thiêng liêng xa xưa. Laib ước mơ xây cho mình một “cái tổ” như vậy trong núi đá. Và ông đã thực hiện được một căn phòng sáp ong nhỏ có cửa ra vào bằng gỗ, đặt bên trong núi Pyrenees- Orientales, gần Massif du Canigou (với sự giúp đỡ của Bảo tàng nghệ thuật đương đại Bordeaux). Sau này ông còn làm thêm được vài tác phẩm Lối đi và căn phòng sáp ong như vậy. Laib nói: “Nếu bạn có một nguồn sáng dịu nhẹ, bạn sẽ thấy sáp ong sáng lên một ánh sáng vàng kỳ lạ làm sao. Nó có sự trong suốt cao độ và cả sự đậm đặc mà bạn khó hình dung nổi. Cái chất liệu này gần như trở thành phi vật chất… Đấy chính là điều mà tôi thích ở phấn hoa, sữa và sáp ong. Chúng là những chất liệu có thể mang tính tâm linh”. Có nghĩa là chúng rất huyền ảo, sắc sắc không không, vừa vật chất, vừa phi vật chất. Sáp ong vừa là chính nó, vừa “khác” với chính nó, vừa đục vừa trong, vừa sáng vừa tối, vừa nghiêm khắc vừa gần gũi. Sữa vừa động vừa tĩnh, phấn hoa vừa hiện hữu vừa không chạm tới được…
Cẩm thạch và gạo
Wolfgang Laib sinh năm 1950 ở Metzingen, Đức. Ông sống và làm việc tại một làng nhỏ miền Nam nước Đức. Hành trình đi tìm “thế giới khác” so với nền khoa học văn minh phương Tây duy lý đã làm ông trở thành một nghệ sĩ lớn có tên tuổi và đi khắp thế giới, từ triển lãm này sang triển lãm khác ở các trung tâm nổi tiếng như Paris, New York, Tokyo, Milan, London… Trong hành trình ấy, lối sống, quan niệm sống cũng như nghệ thuật của ông luôn hòa nhập làm một, không tách biệt.
Sáp ong và gỗ
Tháng 11 năm 2004 ông đã có dịp dừng chân ở Hà Nội, dành tặng cho người xem những tác phẩm sắp đặt Thiền trong những không gian Thiền tuyệt vời của mình. Nhỏ nhẹ, thanh bạch, giản dị khiêm nhường, nước da trong suốt với khuôn mặt sáng ngời trí tuệ, ông làm việc lặng lẽ, tập trung cao độ như một Thiền sư đạt tới sự thăng hoa tuyệt đối về tinh thần./.
Bùi Như Hương (Tạp chiTia sáng)
Tài liệu tham khảo: Clare Farrow: Wolfgang Laib- A journey, Cantz, 1996