Bức tranh vẽ trên trần chánh điện xưa và lớn nhất Việt Nam nằm tại chùa Diệu Đế, thành phố Huế đang bị hoen ố, loang lổ ẩm mốc. Bức họa kỷ lục này trước đó đã mất một mảng lớn vì bom đạn trong chiến tranh.
Bức họa được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục “Bức tranh vẽ trên trần chánh điện xưa và lớn nhất Việt Nam” vào tháng 3/2008, mang tên “Long Vân Khế Hội”, hay còn gọi là “Cửu Long Ẩn Mây”. Tác phẩm do nghệ nhân nổi tiếng Phan Văn Tánh vẽ. Ông chính là người tạo nên các bức “Bửu Họa Long Vân” trên trần và đắp nổi cảnh vật lên tường ở cung Thiên Định (lăng vua Khải Định), hiện được giới họa sĩ hiện đại công nhận là những bức tranh họa hoành tráng có giá trị mỹ thuật cao nhất của nền hội họa Việt Nam.
Bức tranh bị loang lổ, mốc thếch do bị ngấm nước mưa.
Bức “Long Vân Khế Hội” dài hơn 10m, rộng gần 11m, thể hiện 5 con rồng uốn lượn ẩn hiện trong các tầng mây trên trần điện và 4 con rồng quấn quanh 4 cột trụ lớn theo một điển tích xưa về sự ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Chính vì vậy, ngoài giá trị đặc sắc về tính lịch sử – văn hóa – nghệ thuật, bức tranh này còn mang ý nghĩa tâm linh và có vị trí quan trọng trong đời sống tôn giáo của người Huế nói riêng của người dân Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, cùng với sự xuống cấp của ngôi chùa Diệu Đế, bức “Long Vân Khế Hội” cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do trần bị ngấm nước mưa, phần lớn bức tranh đã mốc xanh, loang lổ, mất hết đường nét. Một phần của bức tranh đã bị “rụng” trong chiến tranh
Đại đức Thích Hải Đức cho biết nhà chùa đã nhờ một số kiến trúc sư thiết kế lại chùa dựa theo kiến trúc tổng thể kết hợp ba đời vua Thiệu Trị – Duy Tân – Bảo Đại nhưng chưa có kinh phí. Các cơ quan chức năng mong rằng bức tranh quý trên sẽ không bị thời gian phá hủy cùng ngôi chùa Diệu Đế.
Dã Quỳ (theo Dân Trí)